“Mẹ nuôi” của trẻ vùng cao

GD&TĐ - Từ năm 2016 đến nay, cô Nguyễn Thị Thanh Minh, Trường Mầm non số 2 thị trấn Phong Hải (Bảo Thắng, Lào Cai) dù hoàn cảnh vất vả nhưng đã nhận nuôi 14 trẻ từ 3 - 5 tuổi là con em các gia đình dân tộc nghèo.

Cô Minh gắn bó 32 năm với giáo dục mầm non vùng cao. Ảnh: NTCC
Cô Minh gắn bó 32 năm với giáo dục mầm non vùng cao. Ảnh: NTCC

32 năm cống hiến cho sự nghiệp “ươm mầm” nơi rẻo cao, song lúc nghỉ hưu cô vẫn tiếp tục nhận nuôi trẻ em nghèo và giúp các em có cơ hội được chăm sóc, giáo dục tốt hơn... 

“Ươm mầm” nơi rẻo cao

Cô Nguyễn Thị Thanh Minh lớn lên trong gia đình có bố làm nghề giáo. Sống trong môi trường giáo dục nên tình yêu nghề, mến trẻ thấm và lớn dần. Khi lựa chọn nghề nghiệp, cô Minh chỉ mong ước duy nhất trở thành cô giáo mầm non.

Sau khi tốt nghiệp THPT, năm 1988 cô theo học trường “Cô nuôi dạy trẻ” thị xã Yên Bái hệ sơ cấp 1. Năm 1999 - 2000, cô học Trung cấp Mầm non tại Trường Cao đẳng Lào Cai; Năm 2006 - 2009 theo học hoàn thiện đại học. Hành trình học tập của cô Minh ở nhiều thời điểm song hành với vai trò dạy học.

Cô Minh cho biết: Nhận nuôi trẻ nghèo, con em đồng bào dân tộc đến với mình như duyên định sẵn. Khi lên xóm Sảng Tả (thôn Tồng Già, thị trấn Phong Hải) vận động gia đình đưa trẻ đủ tuổi ra lớp thì hầu hết bố mẹ lắc đầu với lý do: “Xuống trường xa và khó đi lắm. Đưa đón con đi học mất 4 giờ/ngày, như vậy sẽ không còn thời gian để lao động kiếm sống…”.

Cô Nguyễn Thị Thanh Minh hàng ngày đưa đón trẻ.
Cô Nguyễn Thị Thanh Minh hàng ngày đưa đón trẻ.     

Nhận thấy cái “khó” của phụ huynh, cô Minh liền nghĩ tới việc nhận trẻ về nuôi tại nhà sau giờ học. Như vậy, bố mẹ chỉ phải đưa trẻ tới trường vào đầu tuần và đón con về cuối tuần. Sau các buổi học hàng ngày, cô sẽ thay gia đình đón trẻ về nhà chăm sóc, nuôi ăn ngày 2 bữa, sáng đưa trẻ tới lớp. Nhà cô Minh sẽ thay trường bán trú và cô thay bố mẹ chăm sóc trẻ.

Quyết là làm, cô Minh đưa ra đề nghị với các gia đình, nhà trường và nhận sự đồng ý. Năm học đầu tiên (2016 - 2017), cô thuyết phục thành công và đưa 4 trẻ xuống núi học tập, nuôi dưỡng. Năm thứ 2, cô nuôi 5 trẻ. Tiếng lành đồn xa, số trẻ được cô nhận nuôi tăng từng năm. Có gia đình nhờ cô nuôi giúp 3 con. Đặc biệt, có trẻ ở với cô 2 - 3 năm liên tiếp.

Từ khi cô Minh nhận nuôi, trẻ đi học đều đặn, việc huy động và duy trì sĩ số trên lớp của Trường Mầm non số 2 thị trấn Phong Hải được “tháo gỡ”. Các gia đình tin tưởng gửi con cho cô Minh bởi nhìn thấy tình yêu nghề, yêu trẻ cũng như sự “thay da đổi thịt” của con mình.

Cô Minh chăm sóc trẻ tại nhà. Ảnh: NTCC
Cô Minh chăm sóc trẻ tại nhà. Ảnh: NTCC

Tất cả vì yêu nghề, yêu trẻ

Nhận nuôi 4 - 5 đứa trẻ cùng lúc đối với cô Minh tuy vất vả nhưng mang lại niềm vui và hơn hết giúp được nhiều trẻ nghèo được học tập, chăm sóc ngay từ lứa tuổi mầm non. Các con cô thấy mẹ tâm huyết và có niềm vui nên đều đồng thuận. Thậm chí chúng mua gạo, lương thực “tiếp tế” để mẹ nuôi các em.

6 năm qua, cô Minh không quản ngại sáng dậy sớm nấu ăn, chiều tối tất bật nấu ăn, tắm giặt, dạy học, chăm sóc, trò chuyện với trẻ. Có những khi trẻ đau sốt, đêm hôm cô lại chăm sóc, thuốc thang.

Không chỉ nuôi miễn phí, cô Minh còn tiết kiệm tiền lương mua sắm thêm quần áo cho trẻ mặc, đồ chơi, đồ dùng hàng ngày. Cô yêu thương, chăm sóc từng đứa trẻ tận tâm như chính con cháu mình. Do đó, chỉ sau một thời gian chăm sóc, cháu nào cũng “căng tròn”, khỏe mạnh, tự biết vệ sinh cá nhân và đặc biệt nói lưu loát.

Cô Minh chăm sóc trẻ như chính con, cháu mình. Ảnh: NTCC
Cô Minh chăm sóc trẻ như chính con, cháu mình. Ảnh: NTCC

Nhớ ngày đầu đón trẻ về nuôi đầy vất vả cô Minh kể: Mới xuống núi, đứa nào cũng đen nhẻm, gày còm, quần áo thiếu thốn. Lạ nhà, nhớ bố mẹ nên có bé khóc suốt 2 - 3 tuần đầu. 1 đứa khóc thì kéo theo 2 - 3 đứa ảnh hưởng, thậm chí khóc theo. Những lúc như thế, cô mua sẵn bánh, kẹo, sữa… để dỗ chúng nín.

“Cũng may, nhờ tình yêu trẻ và phương pháp dạy nhẹ nhàng mà các bé dần đi vào nền nếp. Sau vài tuần, các bé quen và trở nên thân thiết, “bện” cô. Nhiều khi, cuối tuần bố mẹ tới đón nhưng các bé chẳng chịu về, cô lại phải động viên. Có đứa về nhà hôm trước hôm sau đã đòi đưa xuống học và ở với cô giáo…”, cô Minh kể.

Tháng 9/2021, cô Nguyễn Thị Thanh Minh nghỉ hưu, nhưng với tình yêu nghề, yêu học trò cô tiếp tục xin làm hợp đồng cấp dưỡng tại trường và nhận nuôi 4 trẻ. Trong đó, em Ma Seo Hoàng (5 tuổi) và em gái Ma Thị Thương (4 tuổi); Giàng Seo Vang (5 tuổi); Cư Seo Tùng (5 tuổi). Các em đều là người Mông ở thôn Tồng Già, thị trấn Phong Hải.

Với mức lương hưu hơn 6 triệu đồng nên để nuôi trẻ tốt nhất, cô Minh còn nuôi gà, thả cá và trồng rau… để có thêm nguồn thực phẩm sạch. Đặc biệt, dịp đầu năm 2021, cô Minh mua chiếc xe máy cũ 4,5 triệu đồng và sửa lại mất hơn 1 triệu đồng để tặng gia đình anh Ma Seo Chỉnh (bố 2 cháu Ma Seo Hoàng, Ma Thị Thương). Bởi: “Gia đình nghèo, có tới 4 đứa con, nhà quây bằng tấm fibro xi-măng, không có xe đưa con đi học. Tuần nào không mượn được thì trẻ lại ở nhà. Mua xe tặng gia đình là nhằm giúp trẻ có điều kiện đi học đều đặn…”, cô Minh kể.

Tấm lòng, tình yêu trẻ của cô Minh được nhiều đồng nghiệp ghi nhận. Thế nhưng người không hiểu lại nói: “Tuổi nghỉ hưu, làm gì cho bận vào thân…” và khuyên cô nghỉ ngơi. Cô Minh không lấy đó làm phiền lòng, hoặc xoay chuyển quyết định giúp trẻ em nghèo. Thậm chí, cô còn nỗ lực hơn chăm sóc trẻ tốt hơn để mọi người thấy được việc làm của mình không vô ích.

Anh Ma Seo Chỉnh có 2 con được cô Minh nuôi giúp chia sẻ: Từ ngày cô  Minh nhận nuôi, 2 đứa trẻ được chăm sóc đầy đủ. Đứa nào cũng lớn nhanh và khỏe mạnh. Cô mua quần áo, đồ dùng, đồ chơi cho các bé và mua cả xe máy để gia đình đưa con đi học. Gia đình biết ơn cô giáo vô cùng, có sự giúp đỡ của cô, các con sẽ được đi học đều đặn.

Chia sẻ về đồng nghiệp, cô Lê Thị Hợi - Hiệu trưởng Trường Mầm non số 2 thị trấn Phong Hải - trao đổi: Cô Minh công tác lâu năm tại trường. Quá trình công tác luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, chuyên môn vững vàng, tâm huyết và yêu trẻ.

Việc nhận nuôi trẻ có hoàn cảnh khó khăn của cô Minh đều được nhà trường đồng thuận, hỗ trợ nhất định. Việc làm này vô cùng ý nghĩa, cần thiết bởi tại thị trấn Phong Hải còn nhiều trẻ em vùng cao, dân tộc có hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ. Việc làm của cô Minh đã và đang lan tỏa tới tất cả đồng nghiệp trong trường về tình yêu nghề, yêu trẻ. Cô Minh là tấm gương để các thế hệ trẻ noi theo.

Gắn bó 32 năm với giáo dục mầm non vùng dân tộc, cô Minh thấu hiểu đặc tính của trẻ vùng cao. Dù có lúc mệt mỏi, áp lực nhưng cô chưa từng mắng các em một câu. Trong cô luôn là tình yêu thương, sự bao bọc với những đứa trẻ khó khăn, thiếu thốn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.