Mới 14 tuổi nhưng những điều cậu bé Đỗ Nhật Nam đã làm được khiến nhiều người lớn chúng ta cũng phải trầm trồ thán phục: thần đồng tiếng Anh sở hữu bảng thành tích “khủng”, dịch giả nhỏ tuổi nhất Việt nam, khả năng thuyết trình lưu loát, tự lập học tập trên đất Mỹ, tổng biên tập một tờ báo tuổi teen…
Có thể nói cái tên Đỗ Nhật Nam luôn gắn liền với tri thức và sự tự tin, và trên mỗi bước đường của bé luôn có sự đồng hành đầy tin cậy của mẹ. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với chị Phan Hồ Điệp để tìm hiểu những bí quyết của chị khi nuôi dưỡng sự tự tin cho con.
“Nam đã mạnh mẽ, tự tin và bản lĩnh hơn rất nhiều!”
Thưa chị Phan Hồ Điệp, từ sau khi Đỗ Nhật Nam đi du học, hàng ngày vẫn có rất nhiều độc giả quan tâm đến tình hình học tập, sinh hoạt của bé. Chị có thể chia sẻ thêm thông tin về bé Nam hiện nay không?
Năm học này, Nam đã vào cấp 3 nên chuyển sang học trường nội trú ở một bang khác. Vào trường mới, có nhiều điều thú vị và Nam cũng nhanh chóng bắt nhịp với cuộc sống mới, Nam vừa học vừa tham gia các công việc của trường. Nam học tốt, được các thầy cô đánh giá cao nhưng tất cả mới chỉ là bước đầu. Vừa qua, Nam tham gia một kì thi và đạt giải Nhất. Hiện Nam vẫn đang cộng tác và làm việc cho tạp chí Creative Melange. Báo đã ra số đầu tiên và đang chuẩn bị cho những số tiếp theo.
Trong nước, Nam vẫn cộng tác với báo Thiếu niên Tiền phong để dịch thuật và hiệu đính cho tạp chí song ngữ Finger Print. Nam cũng vẫn duy trì việc hướng dẫn học tiếng Anh cho các em nhỏ qua trang Facebook cá nhân của mình.
Chị có cảm thấy lo lắng khi con trai ở cách xa mình cả nửa vòng trái đất hay không?
Khi con đi xa, mình cũng như bất kì bà mẹ nào khác đều lo lắng, nỗi lo lớn nhất là về sức khỏe của con. Tuy nhiên, Nam đã có 1 năm trải nghiệm cuộc sống xa nhà và Nam có thể lo liệu được cuộc sống của mình khá ổn nên dần dần những nỗi lo của mình cũng ít dần đi. Vào thời điểm hiện tại, có vẻ Nam lo cho mẹ còn nhiều hơn là mẹ lo cho Nam, vì Nam vốn mạnh mẽ, độc lập nên ít khi để cho mẹ thấy những khó khăn của mình.
Chị thấy sau khi đi du học Nam có gì khác so với khi còn ở trong nước?
Khi đón Nam ở sân bay, mình ngỡ ngàng vì thấy Nam lớn lên nhiều quá. Sau 9 tháng học con cao lên 12 cm, đó là điều mình cảm nhận rõ nhất ở sự thay đổi của con. Thay đổi về thể chất nhưng Nam vẫn trẻ con, hồn nhiên, quấn quýt với bố mẹ.
Điều khác biệt nữa là Nam mạnh mẽ, tự tin và bản lĩnh hơn rất nhiều! Nam cũng tự lo liệu được cho cuộc sống riêng của mình, biết quý trọng đồng tiền, trân trọng thêm tình cảm gia đình.
Một mình đi học xa nhà quả là một thử thách không nhỏ với một cậu bé mới 14 tuổi, điều này cần rất nhiều sự tự tin và khả năng tự lập. Chị đã chuẩn bị điều này cho Nhật Nam như thế nào?
Vì Nam đã có ý định đi du học từ nhỏ nên mỗi khi có điều kiện, mình lại giúp Nam nuôi dưỡng ước mơ và biến ước mơ thành hiện thực từ những việc làm nhỏ nhất. Trong cuộc sống hàng ngày, mình thường động viên để Nam tự mình giải quyết công việc và không nản lòng khi gặp khó khăn. Nam cũng tự mày mò để có thể trò chuyện với người nước ngoài và tham gia dịch thuật để tăng cường khả năng giao tiếp. Hai mẹ con cũng thường trò chuyện với nhau về những khó khăn sẽ gặp phải để con thấy bức tranh toàn cảnh về du học: có niềm vui, nỗi buồn, có khó khăn, vất vả chứ không phải chỉ hoàn toàn màu hồng.
Nam còn tham gia các lớp học nấu ăn. Mặc dù kết quả của các khóa học này không được tốt vì Nam vốn vụng về, nhưng quan trọng là Nam hiểu việc một mình đối mặt với những vấn đề sinh hoạt khó khăn như thế nào và mình phải giải quyết ra sao.
Để giúp Nam tự tin, mình luôn ở bên động viên, khuyến khích con thể hiện bản thân. Trong nhà mình, ngay từ khi Nam còn nhỏ đã có những buổi thuyết trình mà Nam là diễn giả. Nam được chọn chủ đề và trình bày, bố mẹ sẽ là người góp ý.
Mình cũng hay cho Nam ra ngoài chơi, tiếp xúc với nhiều người. Khi Nam có sơ suất nào đó trong giao tiếp, mình thường dùng các câu chuyện để giúp Nam hiểu và sửa đổi một cách nhẹ nhàng. Mình ít khi chê trách những điều chưa đúng, chưa tốt của Nam mà luôn giúp con bằng cách này hay cách khác nhận ra vấn đề và từ từ sửa đổi. Có thể vì thế mà Nam không ngại thử thách và tự tin thể hiện bản thân mình.
“Mẹ thông thái nghĩa là làm tất cả cho con bằng trái tim không ngừng yêu thương”
Gần đây Nam làm một bài thơ lấy cảm hứng từ bức tranh mà bạn Vũ Tuấn Kiệt minh họa cho cuốn sách Cuộc chiến tuổi dậy thì - tác giả Nguyễn Phương Hoa. Cảm nghĩ của chị về bài thơ này như thế nào?
Bài thơ về Cuộc chiến tuổi dậy thì lấy cảm hứng từ cuốn sách và bức tranh của Kiệt do Nam viết mình rất thích. Bài thơ nói đến khát vọng được thay đổi, muốn được công nhận dấu mốc trưởng thành của một cậu bé bước vào tuổi dậy thì. Cậu bé ngỡ mình là chim đại bàng nhưng bố mẹ lại vẫn cứ nghĩ chỉ như chim ri, vì thế dẫn đến những xung đột. Có lẽ đang ở trong giai đoạn này nên Nam có hiểu biết khá thấu đáo và diễn tả lại một cách thú vị. Mình thích phần tiếng Anh của bài thơ, đọc lên nghe ngân nga và dễ chịu.
Chị có gặp khó khăn gì trong việc chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ với bé Nam hiện tại không? Có phải con trai mới lớn sẽ có khoảng cách nhất định với mẹ không?
Hiện tại, mình chưa gặp khó khăn gì trong việc chia sẻ cảm xúc với Nam, mình vẫn nói chuyện thoải mái, không giấu giếm Nam điều gì. Nam tuy lớn nhưng vẫn ngộc nghệch, quấn quýt với bố mẹ vô cùng. Có thể sau này khi Nam lớn hơn, mọi chuyện sẽ khác đi nhưng mình hoàn toàn đón nhận điều đó bằng một tâm thế chủ động và vui vẻ. Bởi những diễn tiến về tâm lý lứa tuổi mình nắm được và mình hiểu những quy luật tự nhiên của nó.
Theo chị bí quyết giúp mẹ nuôi dưỡng sự tự tin, độc lập của con ngay cả khi các bé sống xa nhà là gì?
Để con tự tin khi sống xa nhà, mình nghĩ có một số điểm quan trọng sau:
- Luôn luôn tôn trọng con.
- Giúp con nuôi dưỡng ước mơ và biến ước mơ thành hiện thực từ những việc làm nhỏ nhất.
- Luôn ở bên động viên, khuyến khích con thể hiện bản thân và không nản lòng khi gặp khó khăn.
- Cho con tham gia các khóa học giao tiếp, nấu ăn, dạy con cách tiêu tiền hợp lý… để con biết cách tự giải quyết vấn đề và chăm sóc bản thân khi xa nhà.
- Không đặt những áp lực và sự kì vọng quá cao của mình lên con.
- Khuyến khích con giao tiếp, kết bạn và tham gia các hoạt động thể thao.
- Không lên lớp, giáo điều, hãy nhẹ nhàng lắng nghe và chia sẻ. Tìm ra cách phù hợp nhất để tác động đến con chứ không phải là trách phạt.
- Luôn tự tin và chủ động trong cuộc sống hàng ngày để làm gương cho con.
Chị có cảm thấy áp lực khi là mẹ của một “thần đồng” không? Chị có tự tin rằng mình là một người mẹ thông thái và phương pháp nuôi dạy con của mình là đúng đắn, khoa học không?
Mình chưa bao giờ có áp lực gì cả vì mình chưa bao giờ coi Nam là “thần đồng”. Nam chỉ là một cậu bé vui vẻ, hồn nhiên, tự tin, yêu đời, yêu người. Những trải nghiệm trong quá trình nuôi dạy Nam cũng chính là những kỉ niệm ngọt ngào mà cuộc đời trao cho mình, vì thế điều gì cũng đáng nhớ.
Mình không nghĩ là mọi việc mình làm với Nam đều đúng, hay các phương pháp của mình đều chuẩn xác. Mình chỉ nghĩ rằng một người mẹ thông thái nên làm tất cả cho con bằng trái tim không ngừng yêu thương, luôn dành cho con nhiều thời gian nhất có thể, lắng nghe con, tạo cho con cơ hội để làm - sai và làm lại. Chỉ có vậy thôi!
Trong những bức ảnh, chị và Nhật Nam luôn cười rất rạng rỡ và tự tin. Bí quyết của 2 mẹ con là gì vậy?
Vì Nam luôn tin cậy mẹ, Nam biết mẹ sẽ không trách cứ, rầy la mỗi khi Nam trót gặp sai lầm. Mình cũng không đặt lên vai Nam những kì vọng, những mong muốn của bản thân mình. Nam được sống bằng chính con người thật của Nam, có thể vì thế mà Nam luôn đón nhận mọi việc bằng sự nhẹ nhõm, vui vẻ. Điều đó thể hiện ở các bức ảnh. Cứ ở bên nhau là cả hai cùng cười, cả hai đều mong muốn đem lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho nhau.
Mình cũng thường nhắc nhở con rằng: một nụ cười thân thiện luôn là mở đầu tốt đẹp cho mọi mối quan hệ, giúp ta dễ dàng được mọi người yêu quý và luôn tự tin, lạc quan trong cuộc sống.