Mẹ làm mậu dịch, con gái được bạn yêu, thầy quý, đắt chồng

Có mẹ làm ở cửa hàng thực phẩm mậu dịch, bà Loan được bạn bè, thầy cô nhờ vả nhiều. Thậm chí, bà cũng được nhiều chàng trai ‘nhòm ngó’ hơn.

Mẹ làm mậu dịch, con gái được bạn yêu, thầy quý, đắt chồng
Mẹ làm mậu dịch, con gái được bạn yêu, thầy quý, đắt chồng
Ngày đó, gia đình nào có người thân làm ở cửa hàng mậu dịch là coi như cả nhà được nhờ. Ảnh: Tư liệu

Mẹ bà Loan (phố Thanh Nhàn, Hà Nội) trước đây từng có mấy chục năm làm mậu dịch viên ở thành phố Hải Dương (trước kia là thị xã).

Bà kể, cửa hàng mậu dịch được chia thành mấy loại: cửa hàng thực phẩm, cửa hàng bách hóa, cửa hàng gạo. Mẹ bà làm việc ở cửa hàng thực phẩm mấy chục năm. Khi bà 6-7 tuổi, bố mất sớm, bà đã thấy mẹ bán hàng ở cửa hàng thực phẩm, một tay nuôi 7 đứa con.

Cửa hàng thực phẩm gồm có các mặt hàng: rượu, bánh kẹo, thịt, các loại tương, dấm, củ kiệu, đường, sữa.

Công việc hằng ngày của cụ bà là bán hàng và cùng với các nhân viên khác tự tay làm tương, dấm, củ kiệu, rán mỡ lợn… đóng gói và bán cho nhân dân.

‘Mọi người thay phiên nhau, hôm nay người này bán hàng thì người kia chế biến các món’ – bà Loan kể.

Bà nhớ là những chum củ kiệu to, cao lên đến nóc nhà, phải bắc thang lên lấy. ‘Cả cái nhà kho, ai rang đỗ làm tương cứ rang, ai ngồi đảo mỡ lợn cứ đảo. Dấm cũng được nhân viên tự làm bằng chuối, bún’.

‘Những bao đường nhiều khi ẩm ướt, chảy ra, các bà giũ bao, hòa thành nước, rồi lọc, đun nước nhạt để làm dấm. Sau đó mua bún, chuối tiêu bỏ vào để nổi hết váng lên. Sau vài ngày sẽ ra thành phẩm hàng chum dấm, phơi ngay trong sân cửa hàng rất rộng’.

‘Làm món tương cũng thế. Đỗ rang lên, đồ xôi ấm ấm, sau đó đổ ra nong to, nong này đậy lên nong kia. Tôi còn nhớ nhiều lần nhón xôi mang đi cho các bạn ăn. Đến giờ, bạn bè tôi vẫn còn nhắc mãi’ – bà Loan cười kể lại.

Việc tự làm món ăn để bán ở cửa hàng đều là trách nhiệm chung của các nhân viên mậu dịch, không được trả thêm tiền công. Nhưng riêng công việc gói đường là được trả công thêm.

‘Mỗi bao đường nhập về 50kg, cửa hàng sẽ mua giấy báo về, cắt ra, thuê nhà tôi gói thành từng gói, mỗi gói 1kg. Ngày xưa tôi suốt ngày ngồi gói đường nên giờ gói bánh chưng nhanh lắm, vì gói đường cũng gói vuông như bánh chưng’.

Bà Loan nhớ, ngày ấy cả thị xã Hải Dương chỉ có 1 cửa hàng mậu dịch, tất cả có 6-7 nhân viên. Mẹ bà được trả lương 32 đồng/ tháng.

Những hôm có thịt lợn, nhân viên cửa hàng phải dậy từ 4 giờ sáng, lên lò mổ lấy thịt. Người ta đã phân ra từng loại, cân sẵn. Hôm nào có thịt, người dân xếp hàng từ đêm hôm trước. 

Mẹ làm mậu dịch, con gái được bạn yêu, thầy quý, đắt chồng

Ảnh: Tư liệu

Bà Loan thừa nhận, có mẹ làm mậu dịch được hưởng lợi rất nhiều thứ. Trước tiên là không phải xếp hàng như mọi người, thích ăn gì, mua gì đều có hết.

‘Nhân viên giữa các cửa hàng đều chơi thân với nhau. Nhà hết củi là có củi ngay. Những chiếc vỏ chăn con công, người khác mua được thì rất khó nhưng nhà mình thì mua dễ dàng’.

Bạn bè, thậm chí là thầy cô biết bà có mẹ làm mậu dịch cũng nhờ vả nhiều. Cho đến giờ, bạn bè gặp lại bà vẫn còn nhắc chuyện cũ. ‘Thời nào cũng thế thôi. Bạn bè, thầy cô mình nhờ vả nhiều’.

Bà còn nhớ một câu chuyện hài hước thời đi học. ‘Tôi nhớ có một thầy không ưa tôi ra mặt. Ngày xưa, các đoàn cải lương hay về diễn, tối hôm trước đi xem thì sáng hôm sau chẳng đứa nào thuộc bài. Thầy gọi lên bảng cho điểm 0 một loạt, trong đó có tôi. Thầy không biết mẹ tôi bán thực phẩm, nhưng sau thầy nghe ai đó mách lại.

Một hôm, trong giờ giải lao, tôi đang đứng xem các bạn chơi nhảy dây, thì thầy bảo ‘em ơi, mẹ em bán thực phẩm à?’. Tôi đáp ‘vâng’. Thầy nói: ‘Mai nhà thầy có giỗ, bảo mẹ bán cho thầy 2kg thịt với 1 kg mỡ nhé’. Tôi đồng ý ngay. Rồi thầy bảo: ‘Thế điểm 0 hôm nọ thầy xóa cho em nhé’’- bà Loan cứ cười mãi khi nhớ lại.

‘Có mẹ bán thực phẩm đúng là các bạn thích chơi với mình hơn, thầy cô đối xử với mình cũng khác. Thậm chí, nhiều bạn trai thích mình hơn’ – bà thú thực.

Cho đến khi đi học đại học, bà cũng thừa nhận mình lúc nào cũng sướng hơn các bạn. ‘Trong người lúc nào cũng có 3 thứ - ruốc, mỡ, mỳ chính’.

Bữa cơm sinh viên sơ tán chẳng có gì ngoài bát cơm và tí nước sốt cà chua rưới lên. Bữa trưa có thêm nồi canh rau muống, lấy đũa quơ 1 quơ là hết rau. Sang lắm thì có thêm ít thịt mỡ kho. Vì thế, mấy món gia vị dắt theo của bà rất quý.

Thỉnh thoảng, cả nhóm rủ nhau lên đồi hái rau dền, đọt sắn, mang về nấu canh, cho thêm mỡ, mỳ chính là được nồi canh ngon, 6 đứa xì xụp húp. Ngon hơn thì cho thêm tí mì sợi xanh lè vào nồi canh.

Sau khi tốt nghiệp đại học vào năm 1976, bà Loan được phân công vào miền Nam làm việc trong một xí nghiệp gần chục năm trời. ‘Vào trong đó mọi thứ thoáng hơn, chăm chỉ là kiếm được tiền.

Tôi vừa làm ở xí nghiệp, vừa bán hàng ở căng-tin buổi sáng, buổi trưa thì bán sữa đậu nành, nước chanh. Về nhà còn tranh thủ nuôi lợn, đi học thêm. Chồng tôi đi học bên Nga về, cũng được phân công vào Nam làm, nhưng ra Hà Nội trước tôi 6 năm. Một phần vì mình chưa xin ra được, một phần vì trong Nam dễ sống, vào rồi là không muốn ra’ – bà kể.

Theo Vietnamnet

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.