Mẹ tôi xinh đẹp mỹ miều đúng như cái câu “gà nào hay bằng gà Cao Lãnh, gái nào bảnh bằng gái Nha Mân”. Mẹ tôi quê gốc Đồng Tháp nhưng theo chồng về xứ miệt vườn. Cái thời đồng ruộng còn bao la cò bay thẳng cánh, cái thời ngày ngày đi học trên con đường mòn đầy bùn đất sau những trận mưa rào thì mẹ tôi đã về sống với ba.
Mẹ tôi là con thứ trong gia đình. Thời mới hòa bình, còn đói ăn, thiếu mặc. Mẹ tôi tay bồng em, tay nấu cơm, giặt giũ. Sau buổi đi học mẹ lại cùng dì kéo lưới bắt vài con tép mòng về kho tiêu hay ra chợ bán mớ rau đổi gạo. Nhà đông con nên cuộc sống chật vật. Ông bà ngoại tôi là nông dân, nhưng dù có nghèo cũng ráng lo cho đàn con ăn học.
Tôi còn nhớ mãi những câu chuyện mẹ thường kể về cái thời mẹ còn con gái. Hồi đó, mẹ đi học cực khổ lắm chứ không sung sướng như tụi tôi bây giờ. Mẹ chỉ có duy nhất một chiếc áo vải tám suốt thời trung học. Lỡ hôm nào trời mưa trở mùa thì y như rằng phải mặc áo ướt. Rồi vào những ngày hè, mẹ theo đoàn dân công về tỉnh xa gặt lúa mướn. Ba mẹ tôi gặp nhau, họ đem lòng cảm mến.
Ngày bà nội hỏi cưới mẹ tôi về cho ba, cô út tôi miệng còn măng sữa. Nhà nội tôi cũng nghèo, đông con, mẹ lại thêm phần gánh vác. Từ ngày lấy ba, mẹ chuyển công tác hẳn về bên chồng. Có lần mẹ kể, năm đó mẹ bị mất một cái răng cửa mà mãi tận mấy năm mới trồng lại được. Dành dụm được ít tiền thì con đau, con bệnh phải chạy chữa khắp nơi, nên chuyện cái răng cứ từ từ tính.
Chị hai tôi được sinh ra vào mùa nước nổi. Năm đó lũ lụt tràn về, ruộng đồng thất bát nhưng tôm cá nhiều nên không phải đói rách. Cuộc sống tuy nghèo nhưng tràn đầy hạnh phúc. Ba tôi giỏi giang. Lúc rảnh rỗi ba thường đi rừng cắm câu, giăng lưới kiếm cá. Rồi lần lượt tôi và đứa em trai kháu khỉnh cũng ra đời.
Nhà thêm miệng ăn nên mẹ tôi càng thêm vun vén. Mẹ nói lương nhà giáo ngày đó thấp lắm, mướn người trông con cũng hai phần ba tháng lương. Nhưng vì yêu nghề mẹ tôi không đành bỏ, cứ tiếp tục lay lắt qua ngày với chiếc xe cũ kỹ đạp mỏi chân mới đến trường dạy từng con chữ.
Mẹ đèo chị em tôi theo mẹ đến trường. Mẹ phát cho chúng tôi quyển tập và cây viết như các anh, các chị. Nét viết nguệch ngoạc đầu tiên như gà bới tìm giun. Cuối buổi mẹ cũng gom lại để chấm điểm cho công bằng. Lúc ấy mẹ là thần tượng của tôi. Tôi từng mơ ước lớn lên sẽ trở thành cô giáo như mẹ, đem con chữ đến những vùng xa, chấp cánh ước mơ cho xóm nghèo thêm mới.
Ngày ngày, mẹ lại mang về những lá thư tay học trò viết cho mẹ đầy xúc động. Nào là “cô Mai ơi, con ước cô là mẹ của con” hay “trong mắt con cô Mai là người đẹp nhất”. Nét chữ thơ ngây của những đứa trẻ tràn đầy cảm xúc dành tặng mẹ khiến tôi không khỏi bồi hồi. Cả một đời người, mẹ tôi lặng lẽ đưa từng chuyến đò qua sông mà có khi nào mẹ đòi công. Nghĩa vụ của người làm thầy khiến mẹ tôi dù bệnh tật, đôi chân không còn khỏe mạnh vẫn ngày ngày đến lớp. Mẹ nói “cái chữ, cái tình như thấm vào tim, nghỉ ở nhà buồn lắm”. Tôi lặng lẽ thay mẹ đóng những tờ thư tay của những đứa học trò thành cuốn, cất vào một chiệc hộp nhỏ xinh, để một ngày mẹ nghỉ hưu, tôi sẽ dành tặng mẹ.
“Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo, khi đến trường cô giáo như mẹ hiền” câu ca cứ vang lên theo ký ức tôi ùa về bên mẹ. Mẹ tôi hôm nay tóc đã điểm sương, vết hằn thời gian in đậm lên đôi mắt, thân hình mẹ không còn gọn gàng như trước nhưng với tôi mẹ vẫn là người đẹp nhất. Mẹ đã dành cả cuộc đời làm người đưa đò, trong đó chị em tôi là người đi nhiều nhất trên những chuyến đò của mẹ. Mẹ dạy chúng tôi con chữ, mẹ dạy chúng tôi làm người, mẹ dạy chúng tôi sống bằng cả tình thương. Đối với tôi, mẹ là ánh mặt trời sáng nhất thế gian, tình yêu của mẹ dành cho chị em chúng tôi không đếm được như những vì sao trên Dải ngân hà. Tôi vẫn luôn tự nhắc nhở mình rằng “dù có trả cho mẹ cả cuộc đời tôi vẫn còn nợ mẹ”.