Theo một số chuyên gia, ngay cả người lớn cũng có lúc cảm thấy xung quanh mình chỉ toàn tiêu cực và không có lối thoát. Vì vậy, nhiều bạn trẻ cũng chỉ nhìn thấy những mặt phiến diện của cuộc sống mà đưa ra nhiều quyết định mang tính cực đoan.
Hãy yêu thương con thật nhiều
Câu chuyện về con gái nữ hoàng nhạc Rock Ngọc Ánh từng tâm sự về mẹ mình từng khiến nhiều người phải suy nghĩ. Cô nói: “Tôi thấy mẹ tôi cực khổ và hi sinh nhiều quá. Nhiều lúc mẹ phải đứng giữa hai sự chọn lựa, sự nghiệp hay gia đình.
Nhiều người hỏi tôi nếu sau này lấy chồng thì mẹ ở với ai. Nhưng tôi không muốn lấy chồng hay lập gia đình riêng. Tôi muốn sống tự do, thoải mái, ở gần mẹ tôi.
Một trong những lí do khiến tôi không muốn lập gia đình là vì tôi thấy mẹ tôi lấy chồng xong vất vả với khổ quá. Nhiều người xung quanh tôi hôn nhân cũng không hạnh phúc. Bởi vậy nên tôi nghĩ, kết hôn làm gì để phải đau khổ?
Tôi thấy, sống một mình thoải mái hơn, mình tự độc lập tài chính, có công việc ổn định thì muốn đi đâu cũng được, không phải lo cơm nước, hầu hạ ai.
Nếu không có gia đình, tôi thấy cuộc sống sẽ nhẹ nhàng hơn, tôi lại được chăm sóc cho mẹ nữa”.
Theo chuyên gia Nguyễn Hồng Liên, Liên Hiệp hội phụ nữ Việt Nam: Đây không phải là chuyện hiếm gặp. Rất nhiều bạn trẻ ngày nay thường có suy nghĩ, vì nhìn thấy bố mẹ khổ, nhiều gánh nặng, lo toan nên không muốn lập gia đình. Nhất là những bé gái với quan niệm của người lớn đè nặng, rằng phụ nữ phải là người tề gia, nội trợ, chăm sóc chồng con… Vì thế, nhiều bạn trẻ chỉ nghĩ thôi đã thấy lo lắng rồi.
Chưa kể đến, những hình ảnh, tấm gương xung quanh cuộc sống của trẻ vô tình khiến con nhìn thấy nhiều điều tiêu cực. Từ đó hình thành suy nghĩ làm ngược lại để tìm kiếm sự tích cực.
Ví dụ như trẻ em gái thấy mẹ quá vất vả, khổ cực, bị bạo hành… thường có xu hướng không muốn lấy chồng để tránh những điều mà mẹ phải gánh chịu. Hay có nhiều bé thấy phụ nữ sau sinh rơi vào trầm cảm, cực đoan cũng khiến các em sợ hãi việc có một gia đình và chăm sóc những đứa trẻ. Cuộc sống có rất nhiều câu chuyện như thế.
Bà Nguyễn Hồng Liên cũng cho biết thêm, càng ngày, phụ nữ càng khẳng định được vị thế của mình trong xã hội. Họ có suy nghĩ độc lập, khả năng tài chính… Vì thế rất nhiều bé gái ngày nay cũng không muốn lập gia đình phải gò bó, chăm lo cho người khác.
Thật khó để nói điều này là tốt hay không tốt, bởi đó là lựa chọn của mỗi người. Vẫn biết rằng, suy nghĩ đến hành động đôi khi còn là khoảng cách xa. Ví như nhiều người vẫn gặp được người mình thích, và nhất định phải đến với nhau. Chính vì vậy, nếu con còn nhỏ và muốn sau này sống độc thân, cha mẹ cũng đừng lo lắng quá vì có thể con sẽ thay đổi theo thời gian.
Làm cha mẹ, dĩ nhiên ai cũng mong con gái mình có một cuộc đời bình thường: Lớn lên, lấy chồng, sinh con và sống một cuộc sống bình yên, an nhàn. Nhưng nếu sự lựa chọn của con không giống thế, thì chỉ cần con không hối hận với lựa chọn của mình, mọi thứ khác không còn quan trọng nữa.
Trong lúc này, cha mẹ chỉ cần nuôi dạy con tử tế, yêu thương con thật nhiều, còn con đường con đi sau này sẽ để con định đoạt. Tình yêu lớn lao của cha mẹ đôi khi cũng khiến con không còn quyết định mang tính cực đoan. Thậm chí, trẻ được truyền năng lượng tích cực sau những tổn thương của người lớn sẽ khiến con có những tiêu chuẩn về hạnh phúc cho bản thân và sống tốt hơn.
Lạc quan không phải là thiên bẩm
Theo cô Nguyễn Thúy Hiền, giảng viên Khoa Tâm lý Trường Đại học Sư phạm, mặt tích cực về hôn nhân thời hiện đại là chúng ta có thể tạo dựng nó như chúng ta muốn. Phụ nữ đang kiểm soát số phận của họ và con gái chúng ta có thể học hỏi điều này từ khi rất nhỏ, miễn là các bà mẹ có sự hướng dẫn bằng cách làm gương.
Điều đó càng chứng tỏ rằng, cha mẹ cần thiết phải dạy con sống lạc quan từ nhỏ. Nhất là đối với những bé gái, thường có tâm lý nhạy cảm. Yếu tố lạc quan rất quan trọng đối với cuộc sống của mỗi con người. Nhưng lạc quan không phải là thiên bẩm mà nó được hình thành trong quá trình trưởng thành của trẻ.
Vì thế, người lớn nên dạy con cách loại bỏ suy nghĩ tiêu cực. Khi đối mặt với một vấn đề, thay vì cứ lo âu, cha mẹ hãy cùng con chọn nghĩ một cách tích cực hơn về nó. Đừng xem thường việc suy nghĩ tích cực, bởi nó mang lại những hiệu quả rất lớn cho tinh thần của bạn.
Trẻ không thể luôn làm theo những điều cha mẹ nói, nhưng chắc chắn sẽ làm theo kiểu của cha mẹ. Vì thế, muốn con cái lạc quan thì cha mẹ phải biểu lộ sự lạc quan. Khi nhìn thấy mẹ vừa dọn dẹp nhà cửa vừa hát, trẻ cũng cảm thấy vui vẻ. Nếu cha mẹ chỉ biết trách móc, biểu hiện sự bi quan thì trẻ sẽ không cảm thấy vui.
Cũng theo cô Hiền, trong cuộc sống cha mẹ phải chú ý tới lời ăn tiếng nói và hành động của mình, luôn nói những lời lạc quan tích cực. Không nên nói với trẻ những điều quá bi lụy hoặc trầm trọng hóa mọi chuyện.
Thay vào đó, dù có chuyện gì xảy ra, hãy là tấm gương khích lệ tinh thần trẻ. Nếu cha mẹ là người lạc quan, con cái cũng sẽ là người lạc quan. Khi gặp khó khăn, có thể thường xuyên tự động viên mình và nói với con rằng “chuyện gì cũng có thể giải quyết”. Thực tế, tâm lý lạc quan sẽ giúp con xử lý mọi việc sáng suốt và dễ dàng hơn.
Trẻ rất nhạy cảm với cá tính của cha mẹ, vì thế cần bồi dưỡng hoài bão tràn đầy tự tin cho trẻ từ chính thái độ sống của người lớn. Nếu bạn muốn làm cha mẹ tốt thì bạn hãy giúp trẻ hình thành thói quen này và xử lý tốt các mối quan hệ của con trẻ.
Cuối cùng, các bậc phụ huynh hãy luôn để con cảm nhận được tình yêu thương của cha mẹ. Bất kỳ lúc nào trẻ cũng nhận được sự giúp đỡ, động viên từ cha mẹ sẽ cho rằng cuộc sống đáng tin cậy và có rất nhiều cơ hội. Cho dù cuộc sống ngẫu nhiên xuất hiện những cảnh ngộ khó khăn thất vọng, trẻ vẫn có thể duy trì được thái độ tích cực đối với cuộc sống giống như cha mẹ mình.