Ở đây, các chị đã trở thành người mẹ thứ hai, mang hơi ấm tình thương giúp các em bù đắp những thiếu thốn để các em có thêm động lực vượt qua hoàn cảnh nghèo khó.
Chở che những mảnh đời khó khăn
Không như những đứa trẻ khác, em Trần Thị Bảo Ngân (trú thôn Đại An, xã Tam Đại) đã mồ côi mẹ ngay từ nhỏ. Sống cùng cha và ông bà nội đã hơn 90 tuổi, người thân của Ngân lại đau ốm liên miên nên cuộc sống càng thêm khốn khó. Bản thân Ngân cũng mang trong mình căn bệnh tim, khiến cuộc sống của em trở nên bi kịch.
Thương cho số phận của Ngân, chị Đoàn Thị Phú (thôn Đại An, xã Tam Đại, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) đã nhận Ngân về làm con nuôi.
Như thành thói quen, dù bận bịu đến mấy thì hằng ngày chị Đoàn Thị Phú (thôn Đại An, xã Tam Đại) đều dành 1 tiếng đồng hồ đến nhà cháu Ngân hỏi han việc ăn uống và hướng dẫn cháu học hành.
Theo chị Phú, để bù đắp tinh thần, động viên bé Ngân vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, trở thành người công dân có ích cho xã hội nên chị nhận đỡ đầu, hỗ trợ kinh phí hằng tháng, dụng cụ học tập... để cháu tiếp tục được đi học. “Mình cũng làm mẹ, có con nhỏ nên hiểu cháu sẽ thiếu thốn sự chăm sóc, tình thương như thế nào” – chị Phú tâm sự.
Chị Phú còn vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ nhu yếu phẩm để cải thiện bữa ăn, bảo đảm dinh dưỡng cho cháu Ngân và em cháu. Tháng nào cháu Trần Thị Bảo Ngân đạt nhiều điểm 10 thì chị lại thưởng cho cháu bằng những món quà nhỏ để khích lệ tinh thần cháu.
“Cứ khoảng 2 tháng vào chiều hoặc tối Chủ nhật, tôi sắp xếp chuyện gia đình rồi chở cháu đi chơi cùng với con mình ở các khu vui chơi, dã ngoại để cháu mạnh dạn hơn. Dịp sinh nhật cháu, tôi cũng tổ chức tiệc vui cho cháu và đón cháu sang nhà chơi cùng các con, chồng và ba mẹ tôi để cháu Ngân cảm nhận được sự yêu thương giống như con trong gia đình. Nhìn cháu cười đùa hạnh phúc, tôi vui mừng lắm” – chị Đoàn Thị Phú chia sẻ.
Còn trường hợp của em Nguyễn Thị Thu Thủy (SN 2013), em lớn lên không có sự bảo bọc của cha mẹ. Cha mẹ của Thủy đều đã qua đời, Thủy sống với bà ngoại đã gần 80 tuổi mắc căn bệnh tim, không lao động được.
Thấu hiểu sự thiệt thòi của trẻ em mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chị Nguyễn Thị Hồng Hải (trú xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh) đã nhận đỡ đầu và chăm lo cho Thủy. Mặc dù bận công việc, nhưng chị Hải đã khắc phục khó khăn, sắp xếp công việc của bản thân, gia đình đảm nhận việc đưa đón các em đến trường, về nhà hằng ngày, thứ 7 và Chủ nhật.
Cứ như vậy, hằng ngày chị Hải lại đến nhà đưa, đón Thủy đi học, tham gia các hoạt động ngoại khóa của trường, không kể trời nắng hay mưa. Không những vậy, chị Hải còn thay bà ngoại Thủy làm cầu nối với nhà trường để nắm bắt việc học tập của Thủy, nhắc nhở, giúp đỡ em trong học tập, động viên các con của mình cùng chơi, cùng học, cùng chia sẻ với Thủy trong học tập và các hoạt động hằng ngày.
Đến nay, 30 cháu là trẻ mồ côi trên địa bàn huyện Phú Ninh đã được nhận đỡ đầu. |
Để các em không còn đơn độc
Theo bà Vũ Thị Thanh Loan - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Phú Ninh (tỉnh Quảng Nam), mỗi trẻ mồ côi có điều kiện, hoàn cảnh khác nhau nên các tổ chức, cá nhân nhận đỡ đầu luôn có cách làm hay với phương châm chia sẻ, bù đắp tình cảm để các cháu không thiếu thốn tình thương, luôn được dạy dỗ tốt nhất để phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần.
Các đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện đã hỗ trợ thường xuyên về vật chất, nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ cuộc sống hằng ngày, chi phí khám chữa bệnh. Và đến chăm sóc, hướng dẫn, kèm trẻ học tại nhà, cách tự chăm sóc bản thân, kỹ năng sống...
Theo bà Loan, qua 1 năm phát động chương trình “Mẹ đỡ đầu”, đến nay đã có 30 tổ chức, cá nhân nhận đỡ đầu 30 cháu là trẻ mồ côi trên địa bàn huyện. Ngoài ra, không chỉ nhiều cá nhân hội viên phụ nữ mà nhiều địa phương cũng đã lan tỏa phong trào này như xã Tam Dân đã vận động nhận 11 cháu, Tam Phước 3 cháu...
Cụ thể như: Tập thể Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tam Lãnh nhận chăm sóc 3 cháu Khương Lê Bảo Ngọc (SN 2013, thôn Phước Bắc, xã Tam Lãnh), Phạm Linh Đan (thôn Bồng Miêu), Phạm Ni Ni (thôn Đàn Thượng).
Bên cạnh đó, chị em phụ nữ còn phân công nhau đưa đón các cháu đi học hằng ngày. Các chị em tổ may thì đảm trách việc mỗi năm may 3 bộ đồ đi học, 4 bộ đồ mặc ở nhà và chia nhau hằng tuần tới chăm sóc, dạy các con nuôi biết cách tự chăm sóc bản thân, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, hướng dẫn con biết cách phòng tránh những người xấu có ý định tiếp cận và xâm hại, phụ người thân những công việc nhẹ ở nhà.
“Ngoài việc chăm sóc hằng ngày, các mẹ đỡ đầu luôn tạo niềm vui cho các con nuôi của mình. Trong các ngày Tết Thiếu nhi, Tết Trung thu, Tết Nguyên đán, ngày sinh nhật, các mẹ đều tổ chức cho các con nuôi những hoạt động vui chơi, giải trí và tặng những món quà ý nghĩa.
Dù còn nhiều khó khăn về kinh tế lẫn thời gian do còn công việc gia đình, nhưng bằng tình yêu thương, các chị em đã đem đến cho các cháu mồ côi, khó khăn ở Phú Ninh một vòng tay nhân ái, ấm áp yêu thương. Họ là người mẹ thứ hai của các cháu để nâng cánh cho những ước mơ của trẻ mai sau thành hiện thực. Tôi cũng rất mong các nhà hảo tâm, các tổ chức, cá nhân cùng góp sức hỗ trợ cho các cháu mồ côi có được cuộc sống đầy đủ như những bạn bè cùng trang lứa” – bà Loan bộc bạch.