Trong suối khoảng thời gian dài đó, không đếm được bao nhiêu lần tôi đến thăm nhà, "xin phép" vô bếp phụ mẹ chồng làm món này món kia, nhưng bà luôn khách sáo, bảo rằng tôi là khách, cứ ngồi yên đó, ngắm hoa, xem ti vi gì cũng được, tới giờ bà dọn lên là xong.
Chồng tôi không phải là con trai duy nhất, cũng không phải là con trai út. Anh có những bốn chị em. Ngày đó mẹ chồng tôi đã sinh hai con gái. Sợ không sinh được con trai sẽ bị chồng bỏ, bà đi cầu khẩn, cúng bái chùa này núi nọ.
Cuối cùng bà cũng sinh con trai, đó là chồng tôi. Sau đó bà còn sinh thêm người con trai út nữa, nhưng mọi người đều bảo, bà quý chồng tôi hơn vì anh thông minh, biết nói ngọt, biết nhìn mặt đoán ý mẹ. Từ nhỏ đến lớn anh không làm gì cho mẹ buồn lòng.
Vậy mà khi anh quen tôi, một đứa con gái mà theo bà là "rách trời rơi xuống" đã xen vào tình mẫu tử của bà để bà buồn. Bà không đồng ý cưới tôi vì theo bà "đàn bà ngang bằng trình độ chồng là coi khinh chồng dữ lắm".
Bà muốn cưới cho con trai một người lam lũ một chút, văn hóa thấp hơn một chút là tốt nhất. Nhưng chồng tôi cứ đòi cưới người anh yêu thương. Bà không đồng ý, anh đã giằn chiếc ba lô lên bàn: một là cưới cô ấy cho con, hai là con bỏ nhà đi bụi! Chuyện này sau ngày đám hỏi tôi mới biết.
Tôi yêu anh và cũng yêu quý bà vì trong các chị em, chồng tôi là người được mẹ ủng hộ cho đi học cao nhất, ngành "hot" nhất. Nhưng hình như mọi cố gắng của tôi đều không được mẹ chồng ghi nhận.
Biết mẹ ưa món tép ruộng xúc bánh tráng, tôi đã lặn lội thật sớm đến chợ quê xa nhà hàng chục cây số tìm mua cho bằng được tép tươi. Khi lên mâm, chồng tôi bất ý, cuốn bánh và đưa cho tôi trước.
Mẹ lườm, anh rối rít tếu táo: "Xin lỗi, xin lỗi Thái quân... tại con thuận tay trái, Thái quân cũng biết mà!". Chả là tôi ngồi bên tay trái anh, mẹ ngồi bên tay phải. Cuốn bánh thứ hai, anh trao mẹ. Cắn một miếng, mẹ nhè ra "Tép gì mà xóc miệng quá trời hà!
Thằng cu Bin (tên thường gọi của chồng tôi) ưa ăn món này, mai mẹ biểu con bé Lùn mua giùm cho. Nó mua tép ở đâu mà vừa ngọt vừa mềm ngon lắm!". Bé Lùn là tên cô gái hàng xóm làm nghề bán cá, nhanh nhẹn lẹ làng - chính là cô gái "lam lũ một chút, văn hóa thấp hơn một chút" mà bà nhắm đến cho con trai.
Vậy là công tôi lặn lội gần 20 km cho hai lượt đi về, những mong tìm mớ tép tươi ngon mà mẹ ưa thích đã thành công cốc. Nhưng còn món chè táo soạn mà cả tuần lễ tôi học nấu trên google chắc sẽ làm mẹ chồng ưng ý.
Ai ngờ vừa nếm muỗng thứ nhất, mẹ đã phun vụt ra cửa, chê đậu không mềm, đường không ngọt, nước cốt dừa không béo... Tôi buồn quá, nhưng cố vớt vát rằng trước khi mang đến đây, tôi đã nhờ dì của mình - một thợ nấu đám cưới - thử giùm, dì ấy khen ngon. Mẹ chồng hét lên: "Ngon sao cô không để dì cô ăn luôn, mang cho tôi làm gì?".
Sau đó hơn tuần, mẹ chồng bị té xe phải nằm viện. Bà ước, phải chi có bánh tét nhân chuối để ăn. Mà chỉ ăn nhân thôi vì chuối làm nhân bánh có màu đỏ rất đẹp, vị cũng ngọt chứ không nhạt như chuối nấu.
Chồng tôi "hiến kế": “Mẹ ước vậy thì em cứ mang đến, cúc cung hai tay dâng lên là xong”. Ai dè khi tôi vừa ấp úng về phần quà thăm bệnh, bà đã ném xâu bánh tét ra cửa phòng bệnh, miệng kêu la: "Mấy bà, mấy chị coi con dâu tương lai quí giá của tôi đó! Tôi bị té xe gãy tay mà nó cho ăn bánh tét kia kìa!".
Trước thái độ của bà, tôi không biết giấu mặt vào đâu, cũng không thể phân bua câu nào, chỉ gục xuống ghế đá khóc no nê.
Còn một tháng nữa là cưới. Nhưng tôi cứ băn khoăn, liệu tôi sẽ "căng mình" chịu đựng những khó khăn trái khoáy của mẹ chồng được bao lâu? Tôi cảm thấy, dù mình có cố gắng mức nào thì mẹ chồng cũng luôn là một ẩn số không có lời giải đáp. Liệu tôi có đủ "nội công" để chịu đựng hay hạnh phúc sẽ vụt bay?