Máy trợ thở giá rẻ “ra lò” từ trường đại học

Máy trợ thở giá rẻ  “ra lò” từ trường đại học

Sử dụng động cơ cần gạt nước ô tô

Thông tin về chiếc máy trợ thở do các nhà khoa học trong nhà trường sáng tạo thành công khiến TS Trương Huy Hoàng, Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực không khỏi tự hào. 

Chia sẻ với Báo GD&TĐ, TS Trương Huy Hoàng cho hay, đây phiên bản đầu tiên của máy hỗ trợ thở cho bệnh nhân mắc Covid-19 và các bệnh khác cần hỗ trợ thở. Ngay sau khi phiên bản này thành công, các nhà khoa học lại đang tiếp tục nghiên cứu, cải tiến để cho ra các phiên bản khác cao cấp hơn, phục vụ tốt hơn công tác phòng chống dịch.

Đây là loại máy hỗ trợ thở không xâm nhập dựa theo thiết kế mẫu của các cơ sở nghiên cứu và các nhà khoa học thế giới. Các thiết kế được cải tiến để phù hợp với điều kiện Việt Nam và tình hình dịch bệnh hiện nay. Máy có các tính năng cơ bản gồm đặt được các thông số như lưu lượng khí, số nhịp thở/phút, chu trình thở và tỉ số inhale/exhale….

Lý giải vì sao chiếc máy lại có giá thành rẻ hơn nhiều lần so với các loại máy trợ thở khác, ThS Trần Vũ Kiên, giảng viên Khoa Điện tử Viễn thông, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, sau gần 2 tuần miệt mài nghiên cứu, nhóm đã cho ra đời 2 phiên bản máy thở không xâm nhập. 

Phiên bản EV1 nhằm mục đích chính là đáp ứng tốc độ sản xuất nhanh khi xảy ra trường hợp y tế khẩn cấp. Phiên bản EV2 nhỏ gọn hơn, nhiều tính năng hơn nhưng vật tư, linh kiện lại không dễ huy động số lượng lớn trong thời gian ngắn.

“Nhóm đã nghiên cứu và quyết định sử dụng động cơ của cần gạt nước ô tô để chế tạo thành động cơ cho máy trợ thở. Phần vỏ máy, nhóm cũng sử dụng chất liệu sẵn có, không giới hạn, phù hợp với diễn biến dịch bệnh ở Việt Nam. 

Nếu dịch bệnh diễn biến xấu, trong thời gian ngắn, có thể huy động hàng trăm nghìn động cơ, nguồn nguyên liệu trên cả nước để sản xuất hàng loạt, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cấp bách”, ThS Trần Vũ Kiên chia sẻ.

Trợ thở từ máy bóp bóng

Mới đây, TS Vũ Văn Hải, giảng viên Trường Đại học Nông Lâm thuộc ĐH Huế cùng các cộng sự cũng đã sáng chế thành công máy trợ thở bóp bóng ambu. 

Theo TS Vũ Văn Hải, quá trình chữa bệnh cho thú cưng, anh cùng các cộng sự đã sáng tạo ra máy bóp bóng ambu trợ thở cho động vật, nhất là trong quá trình phẫu thuật. 

Máy trợ thở giá rẻ  “ra lò” từ trường đại học ảnh 1
Máy trợ thở

“Sau khi xem xét kỹ lưỡng máy trợ thở do các nước chế tạo phục vụ công tác chữa bệnh liên quan đến dịch bệnh Covid-19, tôi giật mình thấy mô hình này khá giống máy bóp bóng ambu trợ thở mà mình đang sử dụng. 

Từ đó, tôi muốn đề xuất để nghiên cứu, triển khai thử nghiệm phục vụ dự phòng cho y tế. Tất nhiên, tôi vẫn mong muốn các bệnh viện đáp ứng được máy móc hiện đại, nhưng tình huống xấu mà cần sử dụng thì có thể hỗ trợ được và mình sẽ cố gắng để cải tiến”, TS Vũ Văn Hải cho hay.

Máy bóp bóng ambu trợ thở dựa trên nguyên lý dùng áp lực dương (từ quả bóp) để đẩy luồng khí vào khí quản của động vật (hoặc trên người). Hệ thống sử dụng mô tơ gạt nước ô tô, thông qua bộ bánh răng giảm tốc sẽ kéo cánh tay đòn điều khiển bóp quả bóng, đẩy khí vào phổi một cách chủ động. Khí oxy từ bình chứa nối với quả bóp sẽ tự động đẩy khí vào phổi. 

Trong bối cảnh dịch lan rộng, có thể sử dụng máy trong trường hợp cấp cứu, nhất là trong quá trình vận chuyển bệnh nhân. Qua đó, giải phóng sức lực cho nhân viên y tế và tránh tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, giúp tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Hỗ trợ bệnh nhân, nhân viên y tế

ThS Trần Vũ Kiên cho hay, máy có chức năng hỗ trợ thở cho những bệnh nhân suy giảm khả năng hô hấp hoặc phù phổi cấp do virus SARS-CoV-2 xâm nhập tế bào, gây rối loạn hệ miễn dịch và tổn thương nghiêm trọng đến phổi. Sản phẩm sẽ góp phần hỗ trợ các nhân viên y tế vượt qua thách thức lớn nhất hiện nay là làm sao có thể cứu sống nhiều bệnh nhân suy hô hấp, đang nguy kịch vì dịch bệnh Covid-19. 

Với thiết kế được cải tiến, có thể sản xuất máy với số lượng lớn trong thời gian ngắn, sử dụng nguồn vật tư, linh kiện có thể huy động có sẵn trong nhân dân, nhóm có thể chuyển giao công nghệ để cộng đồng, các tổ chức, cá nhân trong cả nước có thể tham gia hoàn thiện sản phẩm, tự chế tạo để cho ra đời sản phẩm đáp ứng tốt nhất nhu cầu điều trị cho bệnh nhân.

Mặc dù cho ra đời máy trợ thở đầu tiên trên cả nước và được nhiều chuyên gia y tế đánh giá cao, nhưng trưởng nhóm nghiên cứu ThS Trần Vũ Kiên chia sẻ “chỉ mong thiết bị này có giá trị dự trữ, chứ không mong muốn được đưa vào sử dụng hoặc phải chế tạo hàng loạt trong những ngày phòng, chống Covid-19”. 

Bởi, theo ThS Kiên, khi máy được đưa vào sử dụng, phải chế tạo hàng loạt, có nghĩa là dịch bệnh đã diễn biến xấu, lây lan trên diện rộng, không thể kiểm soát được. Do vậy, chỉ mong đây là thiết kế dự trữ cho tương lai, sẵn sàng dự phòng cho những khi thực sự cần thiết.

Ngay khi ra mắt máy trợ thở, ông Trần Anh Vương (Shark Vương) đại diện cho Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam đã đến làm việc với trường và sẵn sàng hợp tác. 

Trong trường hợp cần thiết, Hội Doanh nghiệp trẻ sẽ cùng hợp tác sản xuất, cho ra mắt nhiều sản phẩm, trong thời gian ngắn với chất lượng bảo đảm, phục vụ việc chăm sóc sức khỏe nhân dân, trưởng nhóm nghiên cứu máy trợ thở tiết lộ. Hiện nhóm nghiên cứu đang tiếp tục các hướng mới để cho ra thị trường nhiều sản phẩm tương tự phòng chống dịch Covid-19. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ