(GD&TĐ) - Nhờ các thuật toán trí thông minh nhân tạo, máy móc học cách rút ra kết luận. Chẳng bao lâu nữa chúng sẽ đảm nhiệm một phần nhiệm vụ của chúng ta.
Tại Trường Đại học Carnegie (Mỹ), một siêu máy tính đang xem ảnh. Suốt 24 giờ trong ngày, 7 ngày trong tuần nó phân tích các bức ảnh và đưa ra những kết luận của mình. Những người sáng tạo hệ thống NEIL (Phân tích hình ảnh bất tận) muốn dạy máy tính cách mở rộng vốn kiến thức mà không cần có sự can thiệp của con người. “Mỗi vật thể thông minh buộc phải biết cách suy luận để đưa ra quyết định - Giáo sư Abhinav Gupta, một trong những người tham gia sáng tạo hệ thống NEIL, giải thích.
Tê giác có phải là linh dương?
Thoạt nhìn, vấn đề “suy luận hợp lý” có vẻ không thiết thực. Theo Catherine Havasi, nữ chuyên gia về trí thông minh nhân tạo ở Viện Công nghệ Massachusetts MIT (Mỹ), mọi người thường xuyên đưa ra các quyết định dựa trên những giả thiết không chắc chắn.
“Chẳng hạn như đối với câu hỏi: Liệu có thể nhét con hươu cao cổ vào trong một chiếc ô tô hay không, chúng ta đã biết câu trả lời, mặc dù chúng ta hoàn toàn không xem xét dưới góc độ tính toán kích thước và khối lượng con hươu cao cổ” – Havasi giải thích.
Một chiếc máy tính được lập trình thích hợp cũng có thể trả lời câu hỏi nói trên. Tuy nhiên trước hết nó phải tính toán tất cả mọi thứ. Việc lập trình “suy luận hợp lý” như vậy cho máy móc là thách thức mới đối với những lập trình viên. Hệ thống NEIL hoạt động trên 200 bộ vi xử lý cần khoảng vài ba tháng để phân tích và mô tả 1.500 đối tượng.
Ngay khả năng phân biệt đồ vật trên ảnh đã là khả năng khác thường trong thế giới máy tính. Chương trình dạy máy tính nhận biết hình dáng và màu sắc của các đối tượng, có thể phân biệt và gọi tên chúng. Sau đó trên cơ sở quan sát khung cảnh nơi đối tượng xuất hiện, máy tính sẽ đưa ra kết luận chung.
Chẳng hạn NEIL chú ý thấy rằng ngựa vằn thường hoạt động trên đồng cỏ. Hổ về hình dáng thì trông hơi giống ngựa vằn. Dường như đối với chúng ta đó chẳng có gì là đặc biệt cả. Tuy nhiên máy tính đã tự thu nhận những kiến thức ấy.
Những kết luận khác của NEIL như: “Tê giác là biến thể của linh dương”, “người dẫn chương trình truyền hình có thể trông giống Barack Obama” đã không còn chính xác nữa. Tuy nhiên, giáo sư Gupta cho rằng hệ thống sẽ trở nên hoàn thiện cùng với thời gian.
“Khi bắt tay vào sáng tạo hệ thống NEIL, chúng tôi không chắc chắn liệu có thứ gì đó nói chung hoạt động hay không. Đó mới chỉ là sự khởi đầu” – Giáo sư Gupta cho biết.
NEIL cũng bắt đầu xem các phim từ YouTube. Các kỹ sư hi vọng nó có thể đưa ra các kết luận về mối liên quan giữa các đối tượng.
Công trình của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Carnegie Mellon do Google và Văn phòng Nghiên cứu Hải quân thuộc Bộ quốc phòng Mỹ tài trợ. Lý do họ tài trợ là vì trong tương lai những máy móc như nói ở trên sẽ hoạt động trên chiến trường. “Trong nhiều kịch bản chiến tranh, sự hiện diện của con người là không cần thiết” – Đại diện Văn phòng Nghiên cứu Hải quân cho biết.
Tự động hóa xã hội
Thế còn mục đích của Google khi tài trợ cho công trình nghiên cứu là gì? Tập đoàn internet khổng lồ này vừa lập ra những chương trình máy tính có thể thay thế chúng ta làm việc trong thế giới phương tiện thông tin đại chúng. Máy tính sẽ biết chúng ta quan tâm đến ai, cái gì và tại sao lại quan tâm. Thay mặt chúng ta, máy tính biết bấm nút “like” hoặc đưa ra lời bình luận trên facebook. Điều duy nhất chúng ta phải làm là khẳng định bằng một cú nhấp chuột.
Hệ thống có nhiệm vụ thu thập dữ liệu từ những mạng xã hội khác nhau và sau khi luyện tập, công bố tin tức “như người”, khiến cho không ai biết được rằng đó không phải là tin tức do chúng ta đưa ra.
Thu Nga (Theo RP)