Máy hấp cà phê của học sinh THPT chuyên Hùng Vương (Gia Lai)

GD&TĐ - Với mong muốn giúp người dân thu hoạch và phơi cà phê được thuận lợi hơn, nhóm học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương đã nghiên cứu, sáng tạo máy hấp cà phê.

Nhóm học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương với dự án “SCF - Máy hấp cà phê”.
Nhóm học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương với dự án “SCF - Máy hấp cà phê”.

Nâng cao chất lượng, năng suất thành phẩm

Chứng kiến những khó khăn, vất vả của người nông dân trong mỗi vụ thu hoạch cà phê, nhóm học sinh Trần Văn Khải (lớp 12C3B), Trần Văn Chương (lớp 10C3B), Đào Lê Anh Quân (lớp 11A), Vũ Thị Hoàng Ngân (lớp 11A) và Nguyễn Huỳnh Diễm Phúc (lớp 11A) đã nghiên cứu, sáng tạo ra máy hấp cà phê.

Em Trần Văn Khải tâm sự, hiện nay khí hậu biến đổi thất thường, do đó có những năm người dân rất vất vả khi thu hoạch và phơi cà phê. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sản phẩm.

Như trước kia, kĩ thuật rang cà phê truyền thống chỉ hỗ trợ rang sau khi đã phơi khô, tách vỏ và phân loại hạt. Chính vì vậy, nhóm của Khải đã cùng nghiên cứu, cải tiến thiết bị và quy trình chế biến cà phê để có thể khắc phục được những hạn chế trên.

Để nhanh chóng đưa ý tưởng thành hiện thực, tháng 7/2021 nhóm học sinh đã bắt tay vào thực hiện dự án “SCF - Máy hấp cà phê” gồm 41 chi tiết: Phễu chứa nguyên liệu, van xả liệu, nồi hấp thu nhiệt, vòng nhiệt, đầu dò cảm biến màu, ống dẫn hơi nước…

Dự án sử dụng công nghệ hấp dùng khí nóng. Theo đó, nhiệt độ bên trong nồi hấp luôn ổn định 180 - 190 độ C, giúp hạt cà phê chín đồng đều từ trong ra ngoài, không bị cháy và giữ lại được những giá trị dinh dưỡng. Trong quá trình hấp, máy sử dụng điện và nhiệt độ ổn định, giúp tiết kiệm nhiên liệu và chi phí khi vận hành nên mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

“Trước đây, thời gian chế biến 1 kg cà phê khoảng 20 phút. Tuy nhiên, nếu rang cà phê bằng phương pháp thủ công thì 1 kg tươi thu được 0,7 kg. Còn khi dùng máy hấp SCF, 1 kg sẽ thu được 0,83 kg cà phê. Do đó, khi sử dụng phương pháp này người dân sẽ nâng cao được sản lượng thành phẩm cà phê”, Khải chia sẻ.

Cũng theo Khải, máy hấp được tích hợp công nghệ tự động nên khi sử dụng người dùng sẽ không phải mất thời gian phơi khô cà phê và phân loại kích thước hạt. Không những thế, thiết bị vận hành đơn giản, dễ dàng nên an toàn cho người dùng.

Máy hấp cà phê giảm bớt khó khăn cho người nông dân.
Máy hấp cà phê giảm bớt khó khăn cho người nông dân.

Ứng dụng thực tế

Thầy Mai Ngọc Linh, giáo viên Vật lý, Trường THPT chuyên Hùng Vương, bộc bạch, trong quá trình học tập trên trường các em thường xuyên tìm hiểu, nghiên cứu để sáng tạo. Do đó, khi học sinh trình bày, chia sẻ ý tưởng thì thầy cảm thấy rất hay và thiết thực. Chính vì vậy, thầy luôn động viên, khích lệ để các em cố gắng thực hiện và hoàn thành dự án của mình.

“Để dự án hoàn thành và ứng dụng vào thực tế thì nhóm học sinh đã bỏ ra rất nhiều thời gian, công sức tìm tòi và nghiên cứu. Tôi chỉ hỗ trợ một phần kiến thức Vật lý để các em có thể hoàn thiện tốt hơn. Với dự án máy hấp cà phê của học sinh đã góp phần nâng cao đáng kể giá trị cà phê thành phẩm”, thầy Linh chia sẻ.

Em Trần Văn Chương bộc bạch, đây là lần đầu tiên em và các bạn tham gia một sân chơi lớn như “Cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp toàn quốc lần thứ IV”. Với dự án “SCF - Máy hấp cà phê”, nhóm của Chương đoạt được giải Khuyến khích trong cuộc thi.

“Chúng em đến với cuộc thi với tinh thần học hỏi, trau dồi kinh nghiệm. Do đó, khi được cọ xát với học sinh các tỉnh, thành phố khác em rất vui vì các bạn vô cùng sáng tạo và đầu tư cho dự án khởi nghiệp của mình”, Chương nói.

Em Chương chia sẻ, sau khi máy hấp cà phê được chế tạo thành công, nhóm em đã đưa vào thử nghiệm hấp cà phê và kiểm tra độ an toàn tại Viện Khoa học Vật liệu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam.

Sản phẩm cà phê sau khi hấp được kiểm tra cho kết quả đạt tiêu chuẩn hàng Việt Nam chất lượng và được Công ty TNHH Phân tích, Kiểm nghiệm Việt Tín, Cục An toàn thực phẩm công nhận. Đến nay, máy hấp cà phê đã được ứng dụng thực tế tại một vài đơn vị và nhận được những phản hồi tích cực.

Ông Trần Trọng Huỳnh, Giám đốc Công ty Cổ phần cà phê Thành Gia Lai, cho biết, hiện tại đơn vị đã và đang sử dụng máy hấp cà phê của nhóm học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương.

Theo ông Huỳnh, trước kia khi đơn vị sử dụng máy rang, sấy bán trên thị trường thì mất nhiều thời gian để theo dõi, điều chỉnh nhiệt độ. Từ khi sử dụng máy hấp cà phê nhờ công nghệ phân tách tạp chất ngay trong quá trình chế biến, cà phê thành phẩm không bị sống hoặc cháy khét và tách riêng với vỏ lụa.

Cô Mai Thị Vui, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hùng Vương, cho biết, suốt những năm qua nhà trường luôn động viên, khích lệ học sinh học tập và nghiên cứu nhiều dự án thiết thực, có ý nghĩa trong cuộc sống. Bên cạnh đó, cũng khuyến khích giáo viên quan tâm, hướng dẫn học sinh trong quá trình sáng tạo.

Cô Vui tâm sự: Khi học sinh của trường tham dự “Cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp toàn quốc lần thứ IV” thì nhà trường rất vui và tự hào. Đây cũng là cơ hội để các em giao lưu, học hỏi kinh nghiệm khởi nghiệp từ học sinh, sinh viên khắp cả nước. Đặc biệt, với dự án “SCF - Máy hấp cà phê” được ban giám khảo đánh giá cao vì tính thiết thực trong cuộc sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ