Nếu bạn có con và ở riêng thì xin chúc mừng bạn, bạn được trọn quyền chăm sóc cháu bé theo cách của mình! Nếu bạn sống cùng mẹ chồng hoặc mẹ ruột thì chia buồn cùng bạn, sẽ không tránh khỏi tình trạng xung đột trong cách nuôi dạy con.
Nguyên nhân không chỉ là khoảng cách giữa hai thế hệ mà tất cả nguồn cơn xuất phát từ tình thương, từ một người bà thương cháu hơn cả con của mình.
Ai có cháu sẽ hiểu rõ, sinh con đã là một điều thiêng liêng, nuôi nấng con khôn lớn để sinh ra thêm một thế hệ nữa là cháu thì lên được một chức là niềm tự hào rất lớn với ông bà, yêu cháu hơn cả con ruột nữa. Từ việc dành tình thương quá nhiều đó khiến ông bà muốn giành luôn cả trọng trách vốn là của người mẹ. Mọi tình huống nan giải cũng đều bắt đầu từ đây…
Dung hòa giữa việc nuôi dạy con với mẹ chồng và mẹ ruột không đơn giản!
Trường hợp bạn được ở với mẹ ruột thì có phần nào nhẹ nhõm hơn ở với mẹ chồng. Nhưng không hẳn là không có mâu thuẫn nhé, khi cả hai cùng dành tình thương cho một đối tượng quá nhiều, muốn làm những điều mình cho là tốt nhất cho cháu bé thì từ những chuyện nhỏ nhặt cũng có thể tranh cãi. Thêm tự ái của người lớn tuổi thì chỉ cần bạn không khéo léo một chút thôi sẽ gây tổn thương cho chính mẹ ruột của mình.
Đôi khi bạn nghĩ rằng mẹ ruột sẽ thương con vô điều kiện, sẽ không chấp nhặt những chuyện nhỏ và vô tình bạn thoải mái bày tỏ quan điểm của mình hơn, điều đó lại là không tốt. Như trường hợp của em gái tôi.
Em gái tôi may mắn sinh em bé được ở nhà ngoại, quả thật ở cùng mẹ ruột thật sung sướng các bạn ạ. Mẹ làm tất cả mọi thứ, từ tắm bé, pha sữa, thay bỉm, ru bé ngủ đến cả thức khuya ngủ cùng bé. Em gái tôi chỉ cho bé bú khi dùng sữa mẹ thôi.
Nhưng với cách nuôi con hiện đại, em gái tôi bắt đầu xót con vì mẹ ép bé bú quá nhiều cho bụ bẫm, kể cả khi bé đang vui chơi không muốn bú và bé tránh né phản đối điều đó. Điều đó hoàn toàn không tốt khi cơ thể bé không có nhu cầu.
Ngay sau khi em tôi lên tiếng, mẹ đã giận và bỏ mặc không chăm bé nữa, thậm chí mẹ khóc luôn. Ngoài tình yêu với con với cháu, trong thâm tâm người bà còn mong muốn thông qua việc chăm sóc cháu để thấy mình còn có ích và có "quyền lực" trong gia đình.
Trao đổi về cách nuôi dạy con cùng mẹ ruột cũng là vấn đề khá nhạy cảm, cần sự tinh tế thấu đáo hơn nữa.
Mâu thuẫn nuôi dạy con giữa mẹ ruột và con gái.
Trường hợp ở cùng mẹ chồng càng éo le hơn nữa. Mâu thuẫn giữa mẹ chồng và nàng dâu đã quá mệt mỏi rồi và khi có thêm một em bé mọi chuyện sẽ càng trở nên phức tạp hơn. Thực tế cho thấy rất nhiều cặp vợ chồng ly hôn đều do mâu thuẫn về cách nuôi dạy con giữa con dâu và gia đình chồng.
Con dâu không tinh tế thì trong công việc gia đình cũng như cách dạy con đều có thể gây chướng mắt khiến mẹ chồng không muốn cũng phải động tay vào làm. Khi có bé, thì việc nuôi dạy trẻ tự lập chẳng hạn như tự ăn cơm cũng là một vấn đề gây hấn. Dù chỉ là những chuyện nhỏ như con có cần đi vệ sinh hay không, có cần dùng gối hay không, mặc mấy cái áo, uống thuốc gì đều có thể tranh cãi với mẹ chồng.
Con dâu sống trong gia đình cần có bản lĩnh, đó là sự tự tin vào bản thân, sự kiên định và khôn khéo như vậy mới giúp mẹ chồng tâm lý được như mẹ đẻ thật sự.
Mâu thuẫn nuôi dạy con giữa mẹ chồng và con dâu.
Khoảng cách thế hệ là một trong số nhiều nguyên nhân của tình trạng này. Ông bà thường dùng kinh nghiệm (đôi khi lạc hậu) để chăm cháu, còn vợ chồng thì thích kiến thức khoa học khi chăm con. Xung đột này có thể hóa giải từ từ nếu ông bà cùng có tư tưởng tiến bộ, còn vợ chồng chăm chỉ trao đổi với ông bà. Nhiều người chọn cách cùng ông bà đọc báo, xem các chương trình nuôi dạy bé trên tivi để bổ sung kiến thức.
Để làm tốt điều trên, các ông bố, bà mẹ trẻ nên chuẩn bị tinh thần và tìm cách trao đổi khéo léo với ông bà về cách nuôi dạy cháu từ trước lúc trẻ ra đời. Thậm chí đôi khi phải chấp nhận kiên nhẫn kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Mặt khác, các bậc phụ huynh trẻ cần chứng minh bản thân có kiến thức, đủ thuyết phục ông bà tin tưởng.