Một lần, không thể kìm nén được ức chế, tôi nói với bố mẹ rằng, vào những dịp quan trọng của gia đình, việc bạn trai tôi không được chào đón không khác gì tôi bỏ rơi nửa kia của mình một cách tàn nhẫn.
Tôi càng day dứt hơn khi phản ứng của gia đình anh hoàn toàn khác. Họ chào đón tôi bằng vòng tay rộng mở. Vì điều đó, tôi càng khó vứt bỏ mọi thứ với bố mẹ mình. Nhưng họ đã coi thường quyết định của tôi, thậm chí mẹ còn cầu xin tôi trở về nhà và sống với gia đình.
Mẹ và tôi gần đây đã tranh cãi về việc liệu tôi có về nhà dịp Tết Dương lịch hay không. Nhiều lúc tôi có cảm giác bất lực, không biết phải làm gì với gia đình của mình. Tôi gần như không muốn gặp bố mẹ nữa bởi vì không có cuộc nói chuyện nào diễn ra một cách tốt đẹp.
Mẹ muốn gặp tôi thường xuyên, tôi không thấy phiền về điều đó, nhưng tôi muốn bà phải tôn trọng mong muốn và những giới hạn của mình. Thật xót xa khi quan điểm trái chiều của chúng tôi khiến tình cảm gia đình rạn nứt, nhưng tôi chẳng có giải pháp nào cả.
Tôi không thể thỏa hiệp theo mong muốn của họ. Tôi không còn là một đứa trẻ ở tuổi vị thành niên. Từ khi trưởng thành, tôi ý thức được tầm quan trọng của bản thân, nhưng dường như bố mẹ tôi không tôn trọng cảm xúc của con gái mình. Họ cũng chẳng bận tâm chuyện tôi đã tổn thương như thế nào, bởi họ nghĩ rằng cuộc sống hiện tại của tôi là “quá sai lầm”.
Nhiều đêm tôi mất ngủ vì mắc kẹt giữa 2 lựa chọn: Một là tôi sẽ tiếp tục về thăm gia đình mà không có bạn trai đi cùng; Hai là tôi sẽ không về thăm họ nữa. Nhưng nếu tôi quyết định như vậy, điều gì sẽ xảy ra với họ? Đầu tôi đau như muốn nổ tung cho đến khi tình cờ nhận được một tin nhắn hỏi thăm từ một người bạn học cùng cấp 3.
“Trang à, cậu khỏe không? Nhờ Facebook mà tớ mới tìm thấy cậu. Công nghệ kỳ diệu quá nhỉ?”. Đúng lúc đang nặng tâm sự, tôi không ngại khoảng thời gian xa cách đã lâu, cứ thế kể tồng tộc mọi chuyện với bạn. Sau khi lắng nghe câu chuyện của tôi, cô ấy cũng chia sẻ lại câu chuyện của chính mình: “Cậu biết không, vợ chồng tớ cũng từng bị bố mẹ phản đối vì những những lý do của riêng họ.
Thực tế, bố mẹ chúng mình có thể khó nhận ra con cái đã trở thành người lớn và tự chịu trách nhiệm về những lựa chọn trong cuộc sống. Họ đã dành nhiều năm để nuôi dạy chúng ta, mong chúng ta thành công theo cách của họ. Nhưng cậu biết đấy, quan niệm về thành công và hạnh phúc của bố mẹ khác chúng ta lắm...”.
Những ngày sau đó, tôi cố gắng vùi đầu vào công việc để bớt suy nghĩ. Lời tâm sự của cô bạn hồi cấp 3 giúp tôi bớt cáu giận khi nghĩ về bố mẹ của mình, đầu óc tôi cũng tỉnh táo và nhẹ nhõm hơn.
Bố mẹ tôi không có lỗi, tôi cũng không có lỗi. Khúc mắc hiện tại là do chúng tôi khác nhau về quan điểm và lối sống, còn tình thương yêu thì không hề thay đổi. Tôi nghĩ, lúc này mình không nên trói buộc bản thân vào 2 lựa chọn, thay vào đó, tôi sẽ có 3 lựa chọn: Tôi có thể chọn dành những ngày nghỉ bên gia đình bạn trai và hoàn toàn không gặp gia đình mình; Một số ngày nghỉ khác, tôi dành cho bố mẹ đẻ và chỉ đến một mình. Khoảng thời gian còn lại là của 2 chúng tôi.
Việc cuối cùng tôi cần phải làm là kiên nhẫn chờ đợi. Tôi vẫn mong một ngày nào đó, bố mẹ tôi sẽ chào đón anh và chấp nhận những quyết định trong cuộc sống của tôi. Tôi tin, một ngày nào đó bố mẹ sẽ cảm nhận được con gái của họ cũng có cách riêng để thành công và hạnh phúc.