(GD&TĐ) - Thực tế nhiều năm qua công tác quản lý, vận hành hoạt động trong các trường ĐH mặc dù đã có nhiều đổi mới tích cực, theo định hướng, chủ trương của Bộ GD-ĐT. Nhất là trong những năm gần đây, thực hiện việc giao quyền tự chủ cho các trường ĐH, công tác quản lý của các trường đã và đang bắt đầu phát huy được hiệu quả. Các hoạt động trong mỗi trường tuy có sự khác biệt, nhưng đều được dựa trên quy định có tính pháp lý nên đã tạo ra sự đồng nhất cao trong việc tổ chức điều hành, từng bước bắt nhịp với yêu cầu thực tiễn.
Tuy nhiên thực tiễn cũng cho thấy, sự phát triển và thâm nhập như vũ bão của tiến bộ khoa học công nghệ thông tin, cùng với sự biến đổi ngành nghề phong phú, đa dạng với trình độ kỹ thuật khoa học ngày càng cao, các quy trình công nghệ mới tiên tiến đang xâm nhập mạnh mẽ vào quá trình hoạt động của mỗi trường cũng đang đòi hỏi một phong cách mới linh hoạt, thích ứng, sáng tạo trong quản lý của mọi thành viên trong nhà trường. Trong đó vấn đề mấu chốt cần tập trung trước mắt là:
Giờ thực hành của SV đại học dược |
1. Đổi mới công tác bồi dưỡng GV.
- Tạo điều kiện, động viên, khuyến khích, tiến tới yêu cầu GV phải học tập, nâng cao trình độ chuyên môn. Đi đôi với việc đó cần có một chế độ tài chính thích hợp cho những người giỏi đi học.
- Mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ về ngoại ngữ, tin học, triết học và các lớp tập huấn về đổi mới phương pháp giảng dạy, sử dụng các thiết bị, phương tiện dạy học hiện đại.
- Tận dụng tối đa lực lượng cán bộ đầu đàn tại chỗ trong bồi dưỡng cán bộ, tham gia xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động và thiết kế chiến lược phát triển của đơn vị.
- Mời GV thỉnh giảng từ các cơ sở lớn, lâu năm, có nhiều cán bộ đầu đàn đến trường mình kết hợp với bồi dưỡng chuyên đề cho cán bộ tại chỗ.
- Cử giảng viên chính, phó giáo sư bồi dưỡng, giúp đỡ trực tiếp các GV về giảng dạy, nghiên cứu khoa học và tiếp cận với các hoạt động chuyên môn khác.
- Đăng cai tổ chức các hội thảo khoa học chuyên ngành, tạo sự “cọ xát” giữa cán bộ tại chỗ với cán bộ các địa phương trong nước.
- Xây dựng các chương trình nghiên cứu khoa học địa phương, ngành, khuyến khích sự tham gia của cán bộ, tạo cơ hội cho tất cả cán bộ tham gia vào công tác nghiên cứu khoa học, từ đó vươn lên thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp cao hơn.
- Yêu cầu, bắt buộc đối với các cán bộ trẻ hàng năm phải có các sản phẩm cụ thể công bố ( bài báo, đề tài nghiên cứu khoa học cấp khoa, một số tiết giảng có bài giảng kèm theo, chứng chỉ tin học, ngoại ngữ…) đồng thời các cán bộ đầu đàn cũng phải thông báo cụ thể các công việc của mình đã và sẽ tham gia bồi dưỡng cán bộ trẻ, xem đó như là trách nhiệm đối với cơ quan, đơn vị…
- Trong giảng dạy, lấy ý kiến của người học để tham khảo, có hướng giúp đỡ, tư vấn trong bồi dưỡng cán bộ trẻ.
Thực tế lâu nay công tác bồi dưỡng thường được triển khai tuỳ thuộc vào quan điểm và cách làm của thủ trưởng đơn vị. Cần có một chiến lược bồi dưỡng cán bộ GV với các hành động cụ thể, thiết thực, đưa vào nghị quyết, phương hướng, nhiệm vụ hàng năm của các cấp, các phòng liên quan. Trong trường hợp cần thiết, nên có một bộ phận tham mưu cụ thể về vấn đề này. Phương châm của bồi dưỡng cán bộ GV là nên giao việc cụ thể cho từng cá nhân trong đơn vị và kèm theo quyền lợi (trước mắt, lâu dài, vật chất, tinh thần…).
2. Đổi mới công tác phát triển GV:
Phát triển GV là việc làm hết sức cần thiết trên cả hai phương diện: số lượng và chất lượng. Phát triển đội ngũ GV cần đa dạng, từ nhiều nguồn khác nhau như: sinh viên giỏi giữ lại trường để bồi dưỡng; cán bộ, GV từ các trường đại học khác ở trong nước; cán bộ, GV từ các cơ sở giáo dục hoặc từ nước ngoài về.
Trong tuyển chọn không nhất thiết coi người nào quan trọng hơn, mà cần coi trọng con người cụ thể. Gắn với điều đó, phải tạo điều kiện thuận lợi để họ an tâm công tác, năng lực của họ được phát huy và đóng góp cho trường nhiều hơn. Kinh nghiệm của nhiều trường ĐH, khi nhận người về đã tính sẵn công việc được giao, vị trí cho họ đảm nhận. Người nhận việc tự mình đề ra trách nhiệm để làm tốt việc đó, xứng đáng với sự tin cậy của cơ quan mới. Trong việc phát triển cán bộ, tuyến thay thế nên được lưu ý. Thực thế hiện nay, rất nhiều trường ĐH đang hụt hẫng về cán bộ kế cận. Chiến lược phát triển đội ngũ GV cần chú ý cả 3 thế hệ: Lớn tuổi (từ cận hưu), trung tuổi và trẻ tuổi ở tất cả các chuyên ngành, không coi nhẹ chuyên ngành nào. Bởi vì có những ngành hiện nay không quan trọng, nhưng 10-15 năm sau lại trở thành quan trọng. Nếu chuẩn bị sớm, lúc đó ta có cơ hội đón đầu được.
Phát triển GV một mặt tạo nguồn, nhưng mặt khác phải gắn với bồi dưỡng thường xuyên. Trên thực tế có nhiều GV mới nhận về trường rất năng nổ, tích cực. Nhưng khi toại nguyện ở vị trí công tác của mình thì lại tỏ ra thờ ơ, lãnh đạm với sự phát triển chung, không có đóng góp gì cho tập thể, mà dành cho các hoạt động mưu sinh ở bên ngoài. Không tích cực phấn đấu vươn lên về chuyên môn, thậm chí đến mức khó đảm bảo công tác chuyên môn.
3. Kết hợp các hình thức quản lý GV
Đối với GV, ngoài nhiệm vụ chung của một công chức như chấp hành các chủ trương, chính sách, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước, còn có nhiệm vụ thường xuyên cơ bản là giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Các hoạt động này có những đặc điểm riêng, khác với các hoạt động bình thường của các công chức chuyên môn khác như: Vừa kiểm soát được và vừa không thể kiểm soát được theo kiểu hành chính, ví dụ như: hướng dẫn luận văn, hướng dẫn thực tập, thực tế, soạn bài, chuẩn bị giáo án... Vì vậy mỗi trường cần dựa vào các quy định chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, xây dựng các định mức cụ thể cho các GV về số tiết dạy trong năm, số lượng sinh viên được hướng dẫn luận văn và các định mức khác về nghiên cứu khoa học, công tác xã hội, lao động….quản lý theo kế hoạch; kế hoạch của từng cá nhân cần thể hiện rõ nội dung công việc, thời gian thực hiện và sản phẩm đạt được. Kế hoạch cần phải được thông qua trong tổ bộ môn…Mục đích vừa thể hiện sự đề cao, tôn trọng tính chủ động của GV, vừa thể hiện sự quản lý nghiêm của cán bộ quản lý. Đây là hình thức nên làm thường xuyên đi vào nền nếp.
4. Sự đổi mới từ chính mỗi GV:
Đó là nhân tố quan trọng quyết định nhất.
Chúng ta đều biết, dạy học ĐH là một hoạt động đa dạng như: tổ chức và thực hiện hoạt động học tập, nhận thức, kiểm tra và đánh giá kết quả của hoạt động nhận thức. Vì thế mỗi GV phải tự học, tự bồi dưỡng dưới sự hỗ trợ của các chính sách của Nhà nước và nhà trường để đảm bảo các yêu cầu: có phương pháp dạy học tốt, phát huy cao độ tính tích cực sáng tạo độc lập của sinh viên; hiểu và biết rõ về bộ môn mình giảng dạy cả về lí thuyết, thực hành và kĩ năng cần thiết của bộ môn đó; thường xuyên cập nhật các phương pháp giảng dạy mới, những kiến thức mới có liên quan tới bộ môn; có lương tâm nghề nghiệp, tôn trọng mục đích nhu cầu học tập của sinh viên, điều khiển sinh viên tích cực tham gia vào hoạt động học tập và nghiên cứu khoa học; biết tổ chức lớp và khi soạn bài giảng phải suy nghĩ tới mức độ phát triển của mỗi sinh viên; biết chuẩn bị bài giảng một cách khoa học; trình bày nội dung logic, sử dụng ngôn từ, lời lẽ đúng mực, những câu hỏi đặt ra phải được xây dựng cẩn thận, biết dùng giọng nói một cách diễn cảm và biết sử dụng thiết bị dạy học có hiệu quả, với những phương pháp sáng tạo biết kiểm tra kịp thời để biết sinh viên đã hiểu bài chưa; làm gương cho sinh viên, mỗi hành vi, mỗi thao tác của người GV trong hoạt động giảng dạy đều có một ảnh hưởng giáo dục nào đó đến sinh viên; công bằng với sinh viên, không được thành kiến với sinh viên về giới, tôn giáo, hình thức, nguồn gốc quốc tịch, địa vị xã hội của gia đình; không ngừng học tập, phát triển kho tàng kiến thức, phương pháp và năng lực sư phạm, phải tự kiểm tra và đánh giá công việc của chính mình; tạo ra môi trường học tập tích cực cho sinh viên, giúp sinh viên hình thành những quan điểm, thái độ, niềm tin đối với học tập; biết sử dụng phương pháp giải trí thư giãn một cách vui vẻ và lành mạnh, làm giảm bớt sự căng thẳng trong lớp học; xây dựng uy tín và độ tin cậy cao với sinh viên, với đồng nghiệp và với nhà trường…
Minh Tư