Mặt trăng luôn bị bắn phá bởi các dòng hydro từ gió Mặt trời. Gió Mặt trời nhường các điện tử của mình cho nhiều vật chất khác. Sự oxy hóa xuất hiện do kết quả của việc mất điện tử, vì vậy gió Mặt trời cũng có thể thay thế cho tất cả các nguyên tố cần thiết cho quá trình oxy hóa.
“Đây là hiện tượng đáng suy nghĩ. Mặt trăng là môi trường đặc biệt để hình thành hematit” – nhà hành tinh học Shua Li ở ĐH Hawaii ở Manoa (Mỹ), cho biết.
Hematit trên Mặt trăng được phát hiện dựa trên các dữ liệu do tàu quỹ đạo Chandrayaan-1 của Ấn Độ thu thập. Con tàu có camera có khả năng chụp các bức ảnh siêu phổ và phân tích quang phổ. Nhờ vậy, năm 2018, nhóm của Shua Li đã phát hiện được các vỉa băng đá tại 2 địa cực của Mặt trăng. Đồng thời, trong quá trình ấy, họ phát hiện một điều rất lạ lùng.
Làm thế nào mà hematit lại xuất hiện trên Mặt trăng, mặc dù ở trên đó không có nước và không có không khí? Lời giải cho bí ẩn này có thể ẩn chứa trong cách mà hematit được phân bổ trên Thiên cầu Bạc. Điều này được thể hiện khá rõ nét trong các dấu vết của nước được phát hiện trước đó và liên quan đến các hố va chạm. Các nhà khoa học cho rằng, nước đóng băng (nước đá) có thể đã hòa trộn với đất Mặt trăng, sau đó lộ ra trên bề mặt và bị tan chảy trong lúc va chạm.
Hematit chủ yếu tập trung ở nửa nhìn thấy được của Mặt trăng (bán cầu Mặt trăng vĩnh viễn quay về phía Trái đất). Đây là hiện tượng đáng chú ý, mặc dù các nhà khoa học chưa giải thích được tại sao lại như vậy.
“Hiện tượng có nhiều hematit ở nửa nhìn thấy được của Mặt trăng cho thấy có thể nó có liên quan đến hành tinh của chúng ta” – ông Shua Li giải thích.
Hematit trên Mặt trăng cũng có đặc điểm thú vị. Có khả năng là các vỉa hematit vẫn đang tiếp tục lưu giữ các đồng vị oxy từ các giai đoạn khác nhau trong lịch sử Trái đất, từ hàng tỷ năm trước. Điều đó có thể trở nên rất hữu ích cho việc tìm hiểu tiến hóa khí quyển của hành tinh chúng ta.