Trong khi các công trình này vẫn còn được tranh luận bởi các nhà khoa học trên Trái đất thì lại xuất hiện thông tin gây sốc: Phát hiện kim tự tháp trên Mặt trăng. Sự thật ra sao?
Những bức ảnh gây tranh cãi
Câu chuyện gây tranh cãi đầu tiên về cấu trúc kim tự tháp trên Mặt trăng có liên quan đến sứ mệnh Apollo 17, lần đổ bộ thứ 6 và cũng là lần cuối cùng con người lên thăm chị Hằng trong chương trình của NASA.
Được phóng lên vào ngày 7/12/1972, chuyến bay Apollo 17 có phi hành đoàn gồm chỉ huy Eugene Cernan, phi công mô đun Mặt trăng, Harrison Schmitt, phi công mô đun chỉ huy, Ronald Evans, cùng với 5 con chuột được mang theo như một loại thí nghiệm sinh học. Nhà du hành Ronald Evans điều khiển tàu ở phía trên Mặt trăng, còn Cernan và Schmitt đáp xuống bằng khoang đổ bộ vào ngày 11/12/1972.
Trong quá trình thực hiện sứ mệnh, các phi hành gia đã tiến hành 3 cuộc đi bộ trên Mặt trăng, thu thập nhiều mẫu vật khác nhau. Đây là chuyến bay đổ bộ Mặt trăng có thời gian lâu nhất từ trước đến nay.
Trong suốt thời gian trên Mặt trăng, hai nhà du hành vũ trụ thực hiện nhiệm vụ với sự trợ giúp của một chiếc xe tự hành. Họ nghiên cứu địa chất tại một nơi được đặt tên là Geophone Rock, chụp nhiều bức ảnh bề mặt của Mặt trăng, và một trong số này đã gây tranh cãi sôi nổi.
Sau khi trở về Trái đất, bức ảnh đặc biệt trên đã bị loại bỏ do lỗi phơi sáng. Tuy nhiên, một số người đam mê nhiếp ảnh hiếu kỳ sau đó đã xử lý độ tương phản và phát hiện bức ảnh cho thấy một hình dạng dường như là cấu trúc kim tự tháp. Ngay lập tức, cộng đồng UFO xen vào, xem đó như là bằng chứng về người ngoài hành tinh trên Mặt trăng.
Tuy nhiên, bức ảnh sau đó được các nhà chuyên môn xem xét kỹ lưỡng và kết luận chỉ là sản phẩm bị phơi sáng qua mức trong quá trình chụp ảnh.
Nhưng chuyện kim tự tháp trên Mặt trăng không dừng ở đây.
Trường hợp kế tiếp khi Mặt trăng là đối tượng nghiên cứu của Kính thiên văn Hubble nổi tiếng, được phóng vào quỹ đạo tầm thấp của Trái đất năm 1991. Hoạt động gần như liên tục kể từ đó, kính này có khả năng chụp những bức ảnh có độ phân giải cực cao, giúp các nhà thiên văn học có những nhận định mới về vũ trụ. Năm 1999, một loạt ảnh bề mặt Mặt trăng do kính Hubble gửi về NASA được nghiên cứu. Chúng thuộc trong số những bức ảnh rõ và nổi bật nhất chưa từng thấy về Mặt trăng. Phần nhiều trong số này được công bố cho công chúng thưởng lãm.
Cho đến năm 2008, người ta phát hiện một bức ảnh được cho là từ loạt ảnh của Hubble, không rõ vì lý do gì mà không góp mặt trong loạt ảnh được công bố chính thức trước đây. Không ai biết chính xác ảnh được chụp khi nào, nhưng nó cho thấy hình dạng khá rõ của một kim tự tháp tạo ra cái bóng trên bề mặt của Mặt trăng. Tấm ảnh này thu hút sự chú ý của những người theo thuyết âm mưu và những nhà UFO học. Do NASA không khẳng định, cũng không phủ nhận nên nó đã tạo ra cuộc tranh luận sôi nổi trên Internet.
Gần đây hơn, vào năm 2019, một loạt những hình ảnh được nhà nghiên cứu về UFO, Scott C. Waring tải lên mạng, sau khi phát hiện chúng trong kho ảnh về Mặt trăng của NASA. Bức ảnh đáng nghi cho thấy ở giữa một miệng núi lửa lớn trên Mặt trăng dường như có một cấu trúc hình tam giác trông giống như kim tự tháp 3 mặt ẩn trong cái bóng của nó.
Waring đã điều chỉnh độ phân giải và ánh sáng để những chi tiết của bức ảnh trông rõ hơn và nó đã thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Mặc dù những người hoài nghi và các nhà thiên văn học cho rằng hình ảnh này chỉ là một trò đánh lừa về thị giác, nó chỉ một tảng đá có hình dạng bất thường, nhưng Waring vẫn cố gắng chứng thực đây là một kim tự tháp. Ông nói: “Đây là bằng chứng thuyết phục về sự tồn tại của sự sống thông minh trên Mặt trăng”. Câu hỏi còn lại là, có phải kim tự tháp ở Ai Cập được xây dựng bởi những người ngoài hành tinh đến từ Mặt trăng hay không?
Thực hư ra sao?
Nhiều ý kiến bình luận về những bức ảnh trên cho rằng, đây là bằng chứng người ngoài hành tinh đã xây dựng các công trình trên Mặt trăng và những kim tự tháp này có liên quan đến những kim tự tháp còn gây tranh cãi trên Trái đất. Tuy nhiên, không phải ai cũng tin như vậy.
Một số người hoài nghi đã chỉ ra trường hợp này cũng giống như cơn sốt về “khuôn mặt trên sao Hỏa”, một địa hình tự nhiên nhưng dưới mắt của những người giàu tưởng tượng, nó trông giống mặt người. Điều này sau đó được giải thích bởi một hiện tượng gọi là “Pareidolia”, hay còn gọi là ảo giác khuôn mặt, khiến chúng ta khi nhìn vào một số đồ vật thì nhận thấy trong đó thấp thoáng khuôn mặt người.
“Pareidolia” có thể xảy ra với tất cả mọi người, khi đó một vùng trong não bị đánh thức để phân tích và nhận diện khuôn mặt. Hiệu ứng này giống như những gì khiến chúng ta nhìn thấy hình ảnh khuôn mặt người và động vật trên những đám mây lơ lửng trên bầu trời, một nỗ lực của não để tìm ra một mô hình quen thuộc ở một nơi nào đó.
Tuy nhiên, những người tin tưởng có sự sống thông minh trên Mặt trăng không nghĩ như vậy, họ chỉ ra rằng, những hình ảnh này thể hiện cấu trúc kim tự tháp rất rõ ràng trên bề mặt Mặt trăng.
NASA thường không bình luận về những tuyên bố như vậy, dẫn đến các cuộc tranh luận không ngừng giữa những người tin và không tin.
Hình dạng cấu trúc này là những hiện tượng tự nhiên, ảo giác, trò lừa hoặc một cái gì đó hoàn toàn bí ẩn? Mọi chuyện chỉ được giải đáp khi ngành du hành vũ trụ của loài người có được những thành tựu vượt bậc, vươn ra ngoài không gian xa hơn nữa.