Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn đồng hành cùng sự nghiệp GD-ĐT

GD&TĐ - Đó là khẳng định của TS Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, khi trao đổi với Báo GD&TĐ về những kết quả đổi mới căn bản, toàn diện của GD-ĐT thời gian qua, các nhiệm vụ cần triển khai trong giai đoạn tới đây; với sự hỗ trợ, chung tay của toàn xã hội, trong đó có vai trò quan trọng của MTTQ Việt Nam.  

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn trao học bổng cho các em học sinh Trường THPT Tầm Vu, huyện Châu Thành A (tỉnh Hậu Giang) nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập trường.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn trao học bổng cho các em học sinh Trường THPT Tầm Vu, huyện Châu Thành A (tỉnh Hậu Giang) nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập trường.

GD-ĐT đang thực sự chuyển mình

Trước hết, ông có đánh giá như thế nào về tình hình GD-ĐT nước nhà trong giai đoạn hiện nay, khi mà toàn ngành đã và đang nỗ lực thực hiên yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện theo Nghị quyết 29 của Trung ương?

Dạy người, dạy chữ, dạy nghề luôn là mối quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam; nhằm GD, rèn luyện con người có đạo đức, kiến thức, nghề nghiệp để phục vụ tốt bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội. Kể từ sau cách mạng tháng 8 năm 1945 tới nay, nền GD nước nhà đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Trước yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới, ngày 4/11/2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Đến nay, ngành GD đã đạt được những kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào phát triển đất nước. Hệ thống trường, lớp học và quy mô đào tạo phát triển nhanh, thực hiện nền GD toàn dân, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng của nhân dân và nâng cao được trình độ đào tạo, trình độ và kỹ năng nghề nghiệp của người lao động.

Công bằng xã hội trong tiếp cận GD có nhiều tiến bộ, nhất là đối với người dân tộc thiểu số, lao động ở khu vực nông thôn, các đối tượng chính sách và người có hoàn cảnh khó khăn cơ bản được bảo đảm; chất lượng được cải thiện, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực phục vụ phát triển đất nước. Công tác quản lý GD có những chuyển biến tích cực. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý tăng nhanh về số lượng, trình độ đào tạo được nâng lên. Cơ sở vật chất – kỹ thuật được củng cố và từng bước hiện đại hoá. Xã hội hoá GD và hợp tác quốc tế được đẩy mạnh. Đó là những kết quả nổi bật, dễ dàng nhận thấy của GD-ĐT nước nhà trong những năm trở lại đây.

Ông có thể cho biết những điểm gì nổi bật trong các kết quả đạt được của GD-ĐT gần đây khiến ông quan tâm nhất?

Trong điều kiện còn khó khăn, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, ngành GD đã xây dựng được hệ thống GD-ĐT với quy mô hơn 22 triệu người đi học, trên 1 triệu nhà giáo, khoảng 30.000 trường phổ thông và gần 300 trường ĐH. HSSV Việt Nam tham dự các kỳ thi quốc tế và khu vực luôn giành thứ hạng cao. Đặc biệt, bảng xếp hạng ĐH thế giới năm 2019 do Tổ chức Giáo dục Quacquarelli Symonds (Anh) công bố ngày 8/6/2018 có 2 trường ĐH của Việt Nam (ĐHQG TPHCM và ĐHQG Hà Nội) lọt vào tốp 1.000 trường ĐH tốt nhất thế giới. Đó là những bước tiến rất lớn của GD-ĐT hiện nay.

Đạt được những kết quả nêu trên là nhờ có truyền thống hiếu học của dân tộc; sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể, các ngành, các cấp, của mỗi gia đình và toàn xã hội; Sự tận tụy của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GD; sự ổn định về chính trị cùng với những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước. Tôi cho rằng đây là những tiền đề vững chắc cho việc triển khai thực hiện hiệu quả hơn nữa yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo Nghị quyết 29-NQ/TW.

Những hỗ trợ thiết thực cho GD-ĐT

Công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT là một quá trình có nhiều khó khăn, thách thức. Chúng ta đều biết rằng, để đổi mới GD thành công, không chỉ nỗ lực của ngành mà cần sự vào cuộc, chung sức, chung lòng của toàn xã hội. Sự đồng hành của MTTQ Việt Nam cùng ngành GD trong sự nghiệp đổi mới hiện nay là như thế nào, thưa ông?

Nghị quyết 29-NQ/TW chỉ rõ: GD&ĐT là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đổi mới căn bản, toàn diện GD-Đt là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm thực hiện; đổi mới từ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đến hoạt động quản trị của các cơ sở GD-ĐT và việc tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội và bản thân người học; đổi mới ở tất cả các bậc học, ngành học.

Trong thời gian qua, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam luôn đồng hành cùng ngành GD. Hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp đã tổ chức tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về GD-ĐT; kịp thời biểu dương và nhân rộng những mô hình, tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho GD. Mặt trận đã lồng ghép nội dung nâng cao chất lượng GD trong Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế”.

Ông có thể cho biết rõ hơn về một số hoạt động mà MTTQ Việt Nam đã hỗ trợ cho ngành GD-ĐT thời gian qua?

Cụ thể đó là phối hợp thực hiện phổ cập GD mầm non 5 tuổi, tiểu học và THCS; giúp đỡ, động viên HS có hoàn cảnh gia đình khó khăn vươn lên trong học tập, nhất là trẻ em ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; khuyến khích học nghề, tích cực xây dựng xã hội học tập, phát triển và củng cố các trung tâm hoạt động cộng đồng ở đơn vị hành chính cấp xã trên cả nước; hỗ trợ phát triển tài năng trẻ. Mặt trận đã sử dụng một phần Quỹ Vì người nghèo và các chương trình an sinh xã hội khác để ưu tiên giúp đỡ những gia đình khó khăn, gặp hoạn nạn, đảm bảo cho con em họ được đi học, xây dựng trường, lớp, cơ sở vật chất dành cho GD-ĐT.

MTTQ Việt Nam cùng với các tổ chức thành viên như Hội Cựu giáo chức Việt Nam và Hội Khuyến học Việt Nam đã có nhiều hình thức vận động, tập hợp, phát huy tiềm năng trí tuệ của hội viên tham gia các hoạt động GD-ĐT, giữ gìn và phát huy bản chất, truyền thống cách mạng của dân tộc, truyền thống tốt đẹp của nhà giáo Việt Nam; đẩy mạnh các hoạt động khuyến học, khuyến tài, hỗ trợ học bổng cho HS nghèo, tặng thưởng HS giỏi có thành tích cao trong rèn luyện, học tập; thực hiện công bằng xã hội và tạo cơ hội cho mọi công dân được học tập thường xuyên, học tập suốt đời để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghề nghiệp, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Để thực hiện tốt và hiệu quả đối với công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29, đòi hỏi sự chung tay nỗ lực của cả xã hội đối với ngành GD. Về phía MTTQ Việt Nam, những sự hỗ trợ cụ thể hiện nay là gì, thưa ông?

Thực hiện Quyết định số 217 và 218 của Bộ Chính trị (khóa XI) về giám sát và phản biện xã hội, MTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT và các cơ quan có liên quan tổ chức giám sát việc thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ở ngay trong các cơ quan quản lý nhà nước về GD-ĐT, từ Trung ương đến địa phương, cùng với việc triển khai thực tế tại các cơ sở đào tạo. MTTQ cũng tổ chức phản biện, góp ý vào các dự án văn bản luật, chính sách về GD-ĐT, qua đó phản ánh những ý kiến tâm huyết, khách quan và trách nhiệm của các thế hệ nhà giáo, nhà quản lý giáo dục, các chuyên gia, nhà nghiên cứu với Bộ GD&ĐT, với Chính phủ và Quốc hội.

Được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự tham gia tích cực của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể, các ngành, các cấp, sự nỗ lực cố gắng của cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên, tôi tin tưởng ngành GD tiếp tục kế thừa, phát huy thành tựu đã đạt được, khắc phục những khó khăn, bất cập để đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT trở thành một động lực quan trọng cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Xin cảm ơn ông!

Nhân dịp kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2018), tôi xin gửi tới các nhà báo, phóng viên, biên tập viên, những người làm việc trong ngành truyền thông, báo chí lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công. Chúc các đồng chí sẽ luôn là những chiến sỹ tiên phong trên mặt trận văn hóa, tư tưởng và đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện nền GD-ĐT nước nhà.    TS Trần Thanh Mẫn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cầu Hiền Lương nối đôi bờ Bến Hải. Ảnh: ITN

Nội sinh từ khát vọng

GD&TĐ - Đất nước mình có rất nhiều dòng sông! Nhưng chắc chắn, không một dòng sông nào phải chứng kiến nỗi đau chia cắt như dòng Bến Hải.
Ảnh: Quốc Bình

Đu đủ là vừa!

GD&TĐ - Trước khi trời đổ mưa rào giao mùa Xuân sang Hạ, chị liền hối đứa nhỏ bắc ghế hái những quả đu đu đã lớn hết cỡ, vỏ ngả ương ương.
Đau đầu hay nhức đầu là tình trạng rất phổ biến, có thể gặp phải ở bất cứ nhóm tuổi nào. Ảnh minh họa: INT

Đi tìm nguyên nhân gây bệnh đau đầu

GD&TĐ - Có hai nhóm nguyên nhân chính gây đau đầu là nguyên phát và thứ phát, trong đó, đau đầu nguyên phát chiếm 90% và là cơn đau do bệnh lý cụ thể gây ra.