'Mặt trận' quan trọng trong phát triển công nghệ và kết nối thế giới

GD&TĐ - Không gian mạng vừa mang lại những giá trị tích cực cho sự phát triển của xã hội, nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức.

Đại biểu tham gia toạ đàm
Đại biểu tham gia toạ đàm

Đó là nhận định của PGS.TS Vũ Thị Lan Anh – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội tại Toạ đàm khoa học Tội phạm mạng – pháp luật quốc tế, pháp luật một số quốc gia và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”.

Chia sẻ tại toạ đàm, PGS.TS Vũ Thị Lan Anh – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội nói, thế giới đã và đang bước vào Cuộc Cách mạng lần thứ tư – Cách mạng công nghiệp 4.0 với sự phát triển như vũ bão của công nghệ. Sự phát triển của một số công nghệ mang tính đột phá như trí tuệ nhân tạo (AI), Công nghệ mạng 5G… đã và đang tác động mạnh mẽ tới mọi khía cạnh có thể làm thay đổi hoàn toàn về đời sống của con người.

Trong Cuộc cách mạng 4.0, không gian mạng trở thành một trong những “mặt trận” đóng vai trò tối quan trọng trong phát triển công nghệ và kết nối thế giới; là mạng lưới kết nối của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu; là nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian.

td-2.jpeg
PGS.TS Vũ Thị Lan Anh – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội phát biểu.

Chính vì những đặc điểm như vậy, không gian mạng vừa mang lại những giá trị tích cực cho sự phát triển của xã hội, nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức và các đe doạ cho an ninh, chủ quyền của mỗi quốc gia. Những thách thức đó một phần đến từ các hành vi tội phạm xảy ra trên không gian mạng, mà chúng ta thường gọi ngắn gọn là tội phạm mạng.

Theo PGS. TS Vũ Thị Lan Anh, tội phạm mạng hiện nay là một trong những nội dung được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm vì tính phức tạp và sức ảnh hưởng to lớn của dạng tội phạm này; đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm mạng không chỉ là câu chuyện của một quốc gia mà là của toàn cầu, cần sự chung tay từ các quốc gia trên thế giới.

Để đạt được mục đích này, trước hết, các quốc gia cần có những chuẩn mực chung về tội phạm mạng cũng như nghiên cứu quy định của các quốc gia trên thế giới để có một cái nhìn bao quát, toàn cảnh cũng như đạt được sự thống nhất chung trong xây dựng và thực thi pháp luật.

Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế chung của thế giới khi chúng ta đã và đang nỗ lực đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm này. Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã có hiệu lực thi hành gần 7 năm; Luật An ninh mạng năm 2018 cũng đã 5 chính thức có hiệu lực.

Thời điểm này, rất phù hợp để chúng ta nhìn lại những kết quả đạt được trong thực tiễn áp dụng pháp luật đối với tội phạm mạng. Bên cạnh đó, cũng cần những đối sánh với pháp luật quốc tế và pháp luật các quốc gia để có kinh nghiệm và làm cơ sở cho những lần sửa đổi sau này.

PGS. TS Vũ Thị Lan Anh mong rằng, toạ đàm hôm nay sẽ là diễn đàn khoa học chất lượng, nơi các chuyên gia sẽ có những báo cáo liên quan đến tội phạm mạng cũng như những chia sẻ từ các nhà khoa học, đại diện các cơ quan áp dụng pháp luật về những cơ hội và thách thức trong hoạt động đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ