Mặt trái bùng nổ GD đại học ở Trung Quốc

GD&TĐ - Một kỉ lục mới – 8 triệu sinh viên sẽ tốt nghiệp các trường đại học Trung Quốc trong năm 2017. Con số này cao gấp gần 10 lần so với năm 1997 và gấp hơn 2 lần số sinh viên sẽ tốt nghiệp năm nay tại Mỹ. Số cử nhân tăng vọt vừa thừa lại vừa thiếu với thị trường lao động Trung Quốc.

Mặt trái bùng nổ GD đại học ở Trung Quốc

Tăng trưởng nóng

Chỉ 2 thập kỉ trước, giáo dục đại học tại Trung Quốc là “đặc quyền” chỉ dành cho một bộ phận nhỏ cư dân thị thành có điều kiện. Tuy nhiên mọi chuyện đã thay đổi trong năm 1999, khi chính phủ thực hiện chương trình “mở cửa” tuyển sinh. Riêng trong năm đó, số lượng tuyển sinh đã tăng gần 50% và tỉ lệ tăng trung bình này giữ nguyên trong 15 năm tiếp theo – tạo nên dòng chảy lao động có trình độ đại học lớn nhất trong lịch sử đổ vào thị trường lao động.

Đặc biệt tăng mạnh sinh viên khối ngành kĩ thuật do định hướng của chính phủ phát triển lực lượng lao động kĩ thuật – những người được kì vọng thay đổi công nghệ. Nhưng tổng số sinh viên cũng tăng ở tất cả các khối ngành – thậm chí cả khoa học xã hội và nhân văn.

Tăng trưởng nóng bậc đào tạo đại học mang đến hệ quả nhãn tiền – đó là thiếu việc làm đúng với chuyên môn được đào tạo cũng như có thù lao tương xứng. Năm 2013 được cư dân mạng Trung Quốc coi là “mùa tìm việc khó nhất trong lịch sử” – và từ đó đến nay, mỗi năm tìm việc làm càng khó khăn hơn với cử nhân.

Vừa thừa vừa thiếu

Năm 2017, có hơn 1 triệu cử nhân mới so với năm 2013. Tỉ lệ thất nghiệp vẫn giữ ở mức tương đối ổn định – theo Viện Nghiên cứu MyCOS, chỉ 8% cử nhân năm 2015 thất nghiệp 6 tháng sau tốt nghiệp. Nhưng nếu nhìn sâu hơn sẽ thấy tỉ lệ thất nghiệp che giấu thực trạng “thiếu việc làm đúng với chuyên môn”. Trong khi hầu hết cử nhân cuối cùng cũng tìm được việc làm thì trong đó có quá nhiều người bằng lòng với công việc bán thời gian hoặc lương thấp.

Với sinh viên chọn ngành nghệ thuật và nhân văn, lương khởi điểm trung bình sau khi tốt nghiệp đại học - thấp hơn thu nhập của bạn đồng lứa chỉ tốt nghiệp THPT – cũng theo nghiên cứu trên.

Tuy nhiên với một nhóm cử nhân khác, sự tương phản khá rõ rệt. Những ngành cơ điện tử, kinh tế và khoa học tại Trung Quốc có lương khởi điểm cao và tỉ lệ tuyển dụng đứng đầu. Những cử nhân các ngành nghề này hưởng lợi từ các lĩnh vực sinh lợi cao như công nghệ thông tin (IT), bất động sản, tài chính… Cử nhân công nghệ Trung Quốc được trả lương đặc biệt cao. Năm 2015, tốp 5 nghề mà cử nhân được trả lương cao nhất đều có liên quan đến IT.

Chiến lược “Made in China 2025” của chính phủ Trung Quốc nhằm đi đầu về công nghệ cao toàn cầu trong các ngành như IT và tự động hoá đã tạo ra nhiều cơ hội cho cử nhân trong lĩnh vực này.

Không chỉ có lương khởi điểm cao, mà về dài hạn, lương ở những ngành này cũng theo một quỹ đạo khác hẳn. Ba năm sau khi tốt nghiệp, tốp 15% kĩ sư IT, cử nhân kinh tế và khoa học có thu nhập gấp đôi mức lương trung bình so với những ngành nghề khác tương ứng thời gian công tác.

Mặc dù số lượng cử nhân tăng nhanh, các công ty Trung Quốc vẫn phàn nàn không thể tìm được cử nhân kĩ năng cao đáp ứng nhu cầu tuyển dụng. Sự thiếu hụt kiến thức chủ yếu là “kĩ năng mềm” như giao tiếp, phân tích, quản lí.

6 tháng sau tốt nghiệp, một trong 4 cử nhân Trung Quốc có lương thấp hơn lương trung bình của một lao động nhập cư, theo số liệu của MyCOS. Lịch sử, luật và văn học nằm trong số những ngành có lương khởi điểm thấp nhất và cũng có tỉ lệ tuyển dụng lao động thấp nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ