Mất tiền tỷ khi tham gia sàn trái phép
Phản ánh về tòa soạn, nhiều nhà đầu tư tố cáo sàn trái phép đang sử dụng nhiều chiêu trò nhằm đánh cháy tài khoản của khách hàng, từ đó thu lợi bất chính.
Anh N.V.H, một nhà đầu tư tại Hà Nội kể lại, cuối tháng 6/2022, anh nhận được một cuộc gọi từ một người tự xưng là P.H giới thiệu là nhân viên môi giới chứng khoán.
Người này giới thiệu với anh H về một sàn chứng khoán quốc tế đã được cấp phép và hoạt động tại Anh Quốc, rất uy tín.
Thông qua việc giao dịch trên sàn nhà đầu tư có thể mua được các mã cổ phiếu quốc tế. Bên cạnh đó mỗi ngày sẽ có nhân viên tư vấn anh H. đi lệnh theo xu hướng đảm bảo lợi nhuận từ 30-40%.
“Sau nhiều lần gọi điện thuyết phục, tôi đã nhờ P.H hướng dẫn mở tài khoản và nạp số tiền 60.000 USD. Sau khi nạp tiền, P.H lại tiếp tục gọi cho tôi và nói rằng do biến động thị trường nên cần phải nạp thêm tiền để đi lệnh. Do nghi ngờ nên tôi đã vào tài khoản để rút tiền nhưng không rút được.
Sau đó tôi có liên hệ lại với người này thì bạn đó khóa zalo khiến tôi không liên lạc được. Đến lúc này tôi mới biết là mình đã bị lừa. Do vậy tôi đã làm đơn gửi cơ quan công an ngay sau đó.
Sau khi bị lừa số tiền 60.000 USD tôi có tham gia các nhóm về chứng khoán phái sinh thì thấy nhiều nạn nhân cũng đứng lên tố cáo sàn này. Qua đây tôi muốn cảnh báo mọi người để không ai đi vào vết xe đổ của tôi”, anh H. nói.
Một nhà đầu tư khác kể lại, bản thân vốn là một người kinh doanh buôn bán bình thường, thu nhập cũng không phải là cao.
Thời gian gần đây anh được một người tự xưng là nhân viên môi giới sàn chứng khoán chào mời tham gia thị trường Forex.
Người này hứa hẹn với anh, khách hàng mở tài khoản sẽ được cộng tiền bonus tới 30% và miễn phí qua đêm 2 năm.
Thế nhưng mở tài khoản được 2 ngày, anh đã mất trắng số tiền lên đến cả tỷ đồng.
“Những chuyên gia kỹ thuật của sàn chứng khoán hướng dẫn tôi đặt lệnh đi ngược xu hướng.
Hệ quả là tôi mất trắng số tiền nạp vào chỉ sau 2 ngày. Bên cạnh đó khoản tiền Bonus 30% chỉ là tiền ảo không sử dụng được.
Sau khi thua lỗ, nhân viên của sàn tiếp tục dụ dỗ tôi nạp tiền với lời hứa sẽ có cách giúp tôi thu hồi vốn và có lãi.
Họ còn tráo trở nói rằng có những khách hàng thua đến cả 1 triệu, 2 triệu đô nhưng vẫn gỡ lại được”, nhà đầu tư bức xúc.
Sau khi bị mất hết tiền, nhà đầu tư có liên hệ với bộ phận chăm sóc khách hàng của sàn LiteFinance thì nhận được câu trả lời: “Anh có thể liên hệ qua công ty ở bên nước ngoài để được hỗ trợ”.
Cho đến nay, ngoài việc mất trắng số tiền tích góp và vay mượn hàng tỷ đồng thì anh vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng. Trong khi đó những số điện thoại gọi cho anh đều là số điện thoại ảo.
Sàn chứng khoán bất hợp pháp tại Việt Nam
Sàn trái phép quảng bá thành lập vào năm 2020, có trụ sở tại London, Anh, được cấp phép và quy định bởi BVI FSC – Ủy ban Dịch vụ Tài chính Quần đảo Virgin.
Cách làm của sàn trái phép là cho các nhân viên môi giới mời chào lôi kéo, thu hút người chơi qua hình thức telesales (chào mời đầu tư qua điện thoại), liên hệ qua mạng xã hội zalo, facebook, tư vấn người chơi "đánh lệnh".
Ban đầu thường cho nhà đầu tư đánh thắng để nạp thêm nhiều tiền vào tài khoản; sau đó, tư vấn đánh các lệnh lớn, thu mức phí lớn và không rõ ràng dẫn đến mất hết tiền trong tài khoản của nhà đầu tư.
Khi đã thua hết tiền, các đối tượng sẽ giới thiệu nhà đầu tư sang một sàn Forex mới, với cam kết nếu nạp tiền vào sẽ chơi thắng lại được số tiền đã thua.
Nhà đầu tư khi tham gia tạo tài khoản sẽ được hướng dẫn giao dịch trên nền tảng ứng dụng MT4, MT5.
Đây là ứng dụng lừa đảo cho phép chủ sàn can thiệp trực tiếp vào tài khoản của khách hàng như chặn quyền truy cập tài khoản, tự đặt lệnh khống, dẫn đến cháy tài khoản và không thể rút được tiền.
Do vậy, nhà đầu tư giao dịch trên sàn này thực chất là chơi với chủ sàn chứ không phải giao dịch cổ phiếu trên sàn quốc tế như họ lầm tưởng. Vì thế, toàn bộ tiền đánh thua là chủ sàn được hưởng.
Cuối cùng, khi đã chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư, các đối tượng đánh sập sàn giao dịch để tránh sự truy vết của cơ quan Công an và nhà đầu tư không thể đi đòi tiền...
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, sau khi tra cứu thông tin đơn vị này nhận thấy sàn chưa được cấp phép hoạt động tại Việt Nam. Do vậy bản chất đây là sàn chứng khoán trái phép, tiềm ẩn nhiều rủi ro dành cho nhà đầu tư. Đơn vị này cũng khuyến cáo người dân không tham gia giao dịch chứng khoán phái sinh hoặc forex tại các sàn bất hợp pháp.
Thanh tra Chính phủ cũng đã có văn bản gửi Bộ Công an đề nghị làm rõ hành vi có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của hệ thống sàn chứng khoán quốc tế bằng hình thức “Sử dụng mạng máy tính, viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.
Điều 290, hành vi lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp: phạm tội 02 lần trở lên; có tính chất chuyên nghiệp; chiếm đoạt tài sản từ 50 - 200 triệu đồng… thì phạt tù từ 02 - 07 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 đến dưới 500 triệu đồng; gây thiệt hại từ 300 đến dưới 500 triệu đồng… thì bị phạt tù từ 07 - 15 năm.
Nặng nhất, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 12 - 20 năm, nếu chiếm đoạt hoặc gây thiệt hại trên 500 triệu đồng.
Hiện nay đã xuất hiện tình trạng các đối tượng lừa đảo trong lĩnh vực đầu tư tiền ảo, Forex, cờ bạc…bắt đầu len lỏi vào trong hệ thống trường học để lôi kéo giáo viên, sinh viên, học sinh tham gia. Để hạn chế hậu quả của việc làm bất hợp pháp này, Báo Giáo dục và Thời đại bắt đầu triển khai chuyên đề: “Tuyên truyền nhằm làm rõ phương thức, thủ đoạn của các tổ chức lừa đảo chứng khoán, tiền ảo, cờ bạc trá hình” nhằm hạn chế các tác động xấu đến môi trường học đường và nền giáo dục nước nhà. |