Mặt hạn chế của trí thông minh

GD&TĐ - Phần lớn chúng ta tin rằng, người thông minh sẽ thành công, giỏi giang và được nể trọng. Bởi thế, con người luôn mong muốn bản thân mình trở nên thông minh hơn. Nhưng nếu nhìn ở một khía cạnh khác, bạn sẽ thấy thông minh cũng có những mặt hạn chế.  

Mặt hạn chế của trí thông minh

Dễ thất vọng

Người xung quanh tự động kỳ vọng rằng bạn sẽ dẫn đầu, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Bởi thế bạn chẳng có ai để chia sẻ về những khuyết điểm hay nỗi bất an của mình. Ngoài ra, bạn hoảng sợ về những điều có thể xảy ra nếu thành tích không được như kỳ vọng.

Điều làm bạn phải quá cẩn trọng, đó là bạn không dám mạo hiểm bởi vì lo sợ về viễn cảnh thua cuộc. Trong bản tóm gọn quyển sách “Cha mẹ thông minh cho nuôi dạy con thông minh” đăng trên trang PsychologyToday, tác giả viết rằng thời điểm cha mẹ lo lắng nhất về thành tích của con cái là khi chúng thông minh và đã đang học tốt ở trường. Đôi khi, điều này có thể làm họ quá tập trung vào thành tích chứ không phải cá nhân đứa trẻ.

Dễ nghiện

Thông tin này chắc chắn sẽ khiến không ít người giật mình, song đó là sự thật. Các nhà khoa học Anh đã kết luận rằng, những người IQ cao có xu hướng tìm đến rượu, chất kích thích và gây nghiện nhiều hơn những người bình thường. Theo đó, những người có IQ trên 125 thường xuyên gặp phải tình trạng say rượu hoặc nghiện chất kích thích nào đó.

Sở dĩ có nhược điểm trên là bởi người càng thông minh thì trí tò mò càng cao. Họ tò mò, phát hiện ra những điều tuyệt vời cho xã hội, mong muốn được cả thế giới tôn vinh. Nhưng ngược lại, ma túy, rượu, cần sa, thuốc lá… cũng kích thích trí tò mò, thử khám phá không kém những điều bí ẩn kia. Và khi đó, họ gặp phải nguy cơ rất cao bị nghiện các chất này.

Dễ tin vào những điều nhảm nhí

Điều này nghe có vẻ mâu thuẫn, người thông minh nói dối giỏi hơn nhưng lại dễ tin vào những điều vớ vẩn. Nhưng đó là sự thật. Những nghiên cứu mới đây ở Mỹ cho biết, những người dễ bị lừa đảo thường được học hành tốt hơn hay được đánh giá là thông minh hơn những người khác.

Ngoài ra, 94% các giáo sư đại học nghĩ rằng mình giỏi hơn những đồng nghiệp. Câu trả lời của việc này là người thông minh nhận thức về bản thân rất tốt nhưng đôi khi tốt quá mức. Họ biết mình thông minh và đôi khi, họ tự phụ vì điều đó. Họ cao ngạo, quá tin tưởng vào bản thân và cho rằng, cả thế giới không ai bằng mình.

Đó là lý do vì sao họ dễ bị nhiều tên tội phạm thông minh hơn lừa đảo cũng như hay tin vào những điều nhảm nhí mà bản thân cho là đúng.

Dễ khiến người xung quanh khó chịu

Người ta khó chịu khi bạn cứ “sửa lưng” họ trong cuộc trò chuyện. Khi bạn biết ai đó vừa nói gì sai, thật khó để cưỡng lại mong muốn sửa sai cho họ. Nhưng bạn phải cực kỳ nhạy cảm, vì người ta có thể cảm thấy xấu hổ hay cảm thấy bị xúc phạm vì lời nói của bạn, tức là tình hữu nghị giữa đôi bên đang bị đặt vào nguy hiểm. Thông minh có thể trở thành phiền phức, người dùng Raxit Karramreddy nói, “Khi bạn cứ sửa sai người khác cho đến lúc họ không đi chơi hay nói chuyện với bạn nữa".

Người thông minh hay nói dối?

Con người ai cũng nói dối. Và càng lớn, xu hướng nói dối càng tăng lên, 25% trẻ em 2 tuổi nói dối, con số này tăng lên đáng kinh ngạc trong các độ tuổi lớn hơn: 50% với trẻ 3 tuổi và ở trẻ 4 tuổi, con số này là 90%. Nguyên nhân là bởi trí thông minh quyết định “tài năng bịp bợm” của mỗi cá nhân.

Trẻ em lớn lên, đồng nghĩa trí thông minh phát triển nên tỉ lệ nói dối cũng vì thế mà tăng lên. Hành vi nói dối giống như việc não giải một bài toán khó, người IQ càng cao thì càng giải nhanh, đúng, đến nỗi người khác không phân biệt nổi là họ đang nói thật hay đùa.

Chính hiện tượng này khiến người thông minh tin tưởng rằng, mình có khả năng nói dối tốt. Điều này đôi khi sẽ dẫn tới việc lạm dụng chúng quá nhiều, gây hậu quả khôn lường, chẳng hạn như lừa đảo, tội phạm.

Thiếu quyết đoán

Bạn có thể trở nên ủy mị khi cứ cố tìm ý nghĩa trong mọi khái niệm và trải nghiệm cuộc sống. Bạn nhận ra rằng nền văn minh này đang suy tàn và chẳng có gì là có ý nghĩa cả. Bạn đi tìm câu trả lời và điều đó làm bạn phát điên.

Quả thật, một nghiên cứu sâu rộng năm 2015 cho thấy trí thông minh về mặt ngôn ngữ thực sự có liên quan tới nỗi lo lắng và sự suy tư. Từ quan điểm thực dụng, tất cả những sự tồn lưu đó làm cho người thông minh không thể ra quyết định. Khi hiểu những suy tư có thể xảy ra khi bạn phải quyết định, đặc biệt là xu hướng phân tích quá kỹ về kết quả, bạn có thể không bao giờ ra quyết định được.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ