Massage, cắt tóc phải nộp thuế là quy định… cũ

GD&TĐ - Từ 1/8/2021, các dịch vụ tắm hơi, massage, karaoke, vũ trường, bi-a, Internet, game, may đo, giặt là, cắt tóc, làm đầu... sẽ phải chịu thuế GTGT 5% và thuế TNCN 2%.

Từ 1/8/2021, nhiều dịch vụ sẽ phải đóng thuế trong đó có ngành nghề dịch vụ cắt tóc. Ảnh minh họa
Từ 1/8/2021, nhiều dịch vụ sẽ phải đóng thuế trong đó có ngành nghề dịch vụ cắt tóc. Ảnh minh họa

Sửa chữa máy tính cũng phải đóng thuế

Thông tư số 40/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về đóng thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Thông tư đã đưa một số ngành nghề, lĩnh vực mới vào diện chịu thuế GTGT và chịu thuế TNCN.

Cụ thể, dịch vụ tắm hơi, massage, karaoke, vũ trường, bi-a, Internet, game; dịch vụ may đo, giặt là; cắt tóc, làm đầu, gội đầu; dịch vụ sửa chữa máy vi tính và các đồ dùng gia đình có mức thuế GTGT 5% và thuế TNCN 2%. Như vậy, tổng cộng, mức thuế đối với lĩnh vực kinh doanh dịch vụ này là 7%.

Chị Nguyễn Kim Loan - chủ cửa hàng tóc Kim Loan tại Đào Tấn (Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Từ năm 2020, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Để phòng chống dịch, những đợt giãn cách xã hội, đóng cửa hàng quán, dịch vụ cũng ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người kinh doanh. Trong khi tình hình dịch chưa thể chấm dứt, tôi cho rằng mức đóng thuế như vậy là hơi cao so với các dịch vụ nằm trong danh mục này”.

Ngoài ra, Thông tư cũng nêu rõ, các dịch vụ tư vấn pháp luật, tư vấn tài chính, kế toán, kiểm toán, dịch vụ làm thủ tục hành chính thuế, hải quan cũng phải nộp thuế tổng là 7%. Dịch vụ xử lý dữ liệu, cho thuê cổng thông tin, thiết bị CNTT, viễn thông, quảng cáo trên sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số cũng bị đánh thuế tương tự. Đặc biệt, dịch vụ sửa chữa máy vi tính và các đồ dùng gia đình cũng được đưa vào diện chịu thuế GTGT và TNCN.

Thuế suất cao nhất 10% (GTGT 5% và TNCN 5%) thuộc về lĩnh vực cho thuê tài sản gồm cho thuê nhà, đất, cửa hàng, nhà xưởng, kho bãi trừ dịch vụ lưu trú. Cho thuê phương tiện vận tải, máy móc thiết bị không kèm theo người điều khiển; cho thuê tài sản khác không kèm theo dịch vụ.

Theo đó, các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thì thuộc trường hợp không phải nộp thuế GTGT và không phải nộp thuế TNCN. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nếu có nhà cho thuê trên 100 triệu đồng/năm thì người cho thuê sẽ phải nộp thuế.

Theo luật sư Trần Hùng (đoàn luật sư TP Hà Nội): Đây không phải là luật thuế mới, mà nằm trong khuôn khổ các luật thuế hiện hành đã có. Bởi người có phát sinh thu nhập thì phải nộp thuế, theo đúng tinh thần các luật thuế đánh vào thu nhập.

Theo luật sư Trần Hùng, những người làm công ăn lương, người kinh doanh, khi phát sinh thu nhập thì đều phải chịu thuế. Vì vậy, người cho thuê nhà cũng thuộc diện phải nộp thuế.

Tuy nhiên ông Hùng cũng cho biết, trên thực tế đây là một trong những luật thuế phức tạp và khó tiến hành thu một cách công bằng và hiệu quả nhất. Trên thực tế, cả người đi thuê và người thuê nhà đều có xu hướng tránh nộp thuế và có rất nhiều phương cách để tránh.

Cụ thể, nếu cá nhân cho thuê nhà có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm thì phải kê khai và nộp thuế. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp thuộc diện này không khai thuế.

Bình đẳng trong chính sách thuế

Đầu năm 2021, thông tin về một cá nhân có hộ khẩu tại Cầu Giấy đăng tải có tổng thu nhập lên tới 330 tỷ đồng trong năm 2020. Cá nhân này nộp thuế 23,4 tỷ đồng, tương thuế suất 7%. Trường hợp này được luật sư lý giải là mức thuế suất áp dụng với hộ kinh doanh cá thể với ngành nghề dịch vụ.

Có nhiều ý kiến cho rằng, mức thuế đối với cá nhân này phải chịu là rất thấp so với mức thuế thu nhập từ tiền lương, tiền công mà người lao động làm công ăn lương đang phải chịu (tối đa lên đến 35%).

Nếu tính theo thuế thu nhập cá nhân đối với người làm công ăn lương, thuế suất trung bình mà một người có tổng thu nhập 1 tỷ đồng từ lương trong 1 năm vào khoảng hơn 20%. Phần thu nhập trên 1 tỷ đồng sẽ phải đóng thuế suất tới 35%. Trong trường hợp của cá nhân trên, nếu làm công ăn lương, số thuế tính toán vào khoảng 115 tỷ đồng.

Về vấn đề xoay quanh bình đẳng trong chính sách thuế, Bộ Tài chính cho rằng: Theo pháp luật về thuế thu nhập cá nhân thì có 10 khoản thu nhập thuộc diện chịu thuế với các mức thuế suất và cách tính thuế khác nhau. Trong đó, duy nhất thu nhập từ tiền lương tiền công áp dụng theo biểu thuế luỹ tiến từng phần (các mức thuế từ 5% - 35%). Còn các khoản thu nhập khác áp dụng theo thuế suất toàn phần.

Đối với hoạt động kinh doanh áp dụng theo biểu thuế toàn phần chi tiết theo từng lĩnh vực ngành nghề. Trong đó ngành nghề kinh doanh cung cấp dịch vụ (bao gồm cả cung cấp dịch vụ nội dung thông tin số) chịu thuế suất thuế giá trị gia tăng 5%, thuế thu nhập cá nhân 2%. Tổng hai loại thuế là 7%.

Nếu so sánh mức thuế của cá nhân kinh doanh (7%) với mức thuế bậc cao nhất của cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công (35%) là không phù hợp. Bởi vì khoảng 90% cá nhân có thu nhập từ tiền lương tiền công chỉ ở mức bậc 1 và bậc 2 (5% - 10%).

Ngoài ra, mức thuế suất toàn phần đối với hoạt động kinh doanh của cá nhân cần phải tương đồng với mức thuế suất của doanh nghiệp có cùng loại hình kinh doanh là phù hợp. Vì vậy, không thể so sánh với thu nhập từ tiền lương, tiền công để áp dụng biểu luỹ tiến. Quy định này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế về thuế thu nhập cá nhân.

So với quy định hiện hành, Thông tư số 40/2021/TT-BTC đã bổ sung thêm nhiều nhóm đối tượng như: Hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động thương mại điện tử, bao gồm cả cá nhân có thu nhập từ sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số.

Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu trên lãnh thổ Việt Nam. Người cho thuê tài sản hay người chuyển nhượng tên miền “.vn”… cũng phải nộp thuế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tùy bút: Những ngày khói lửa

Tùy bút: Những ngày khói lửa

GD&TĐ - Chúng tôi đã sống nghèo nhưng trong sáng trong thời bao cấp, tự hào lên đường theo “tiếng gọi non sông” để lại một phần tuổi xuân trên chiến trường...