Vì vậy, marketing đang được đánh giá là ngành dễ xin việc nhất hiện nay. Với những yêu cầu về trình độ tiếng Anh và kỹ năng cơ bản chuyên ngành, các sinh viên ra trường hoàn toàn có thể tìm cho mình một công việc ưng ý.
Các doanh nghiệp đều cần
Khi xã hội phát triển, các nhà sản xuất muốn giới thiệu sản phẩm của mình đến người tiêu dùng, tổ chức các kênh phân phối sản phẩm như thế nào... những vấn đề cho thấy sự cần thiết của các doanh nghiệp, công ty, tập đoàn phải có bộ phận markeing. Như vậy, xét về lâu dài, khi nền kinh tế phát triển, thì triển vọng của ngành marketing sẽ không thể thiếu được.
Theo Trung tâm Dự báo nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, ngành marketing thường xuyên có nhu cầu tuyển dụng cao hơn so với các ngành nghề khác.
Kết quả khảo sát thông số nhân lực trực tuyến của trang tuyển dụng VietnamWork.com cũng cho thấy, ngành marketing - bán hàng vẫn tiếp tục dẫn đầu trong 6 lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng nhân lực cao nhất. Chỉ số cung ở ngành này luôn tăng khoảng 20%, có những thời điểm lên đến 40% so với năm trước nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu.
Theo khảo sát, gần như 100% doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đều rao tuyển nhân viên marketing, người với lương và chế độ phụ cấp hấp dẫn.
Hiện tại, mức lương phổ biến cho nhân sự marketing được các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài rao tuyển từ 400 - 600 USD/tháng, cấp quản lý từ 1.000 - 1.500 USD/tháng. Còn ở các doanh nghiệp trong nước, mức lương tối thiểu trả cho nhân sự làm công việc này cũng không dưới 5 triệu đồng/tháng.
Tại một số ngành nghề kinh doanh thuộc lĩnh vực điện dân dụng, điện tử, ô tô, thiết bị nội thất, hàng hóa tiêu dùng... thu nhập của nhân viên bán hàng có thể lên tới vài chục triệu đồng nếu tính theo doanh thu.
Cung chưa tương xứng cầu
Đánh giá về thị trường lao động marketing tại Việt Nam, ông Hermanrwan Kartajaya - Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Marketing thế giới - nhận xét:
Nhu cầu lao động marketing của Việt Nam đang và sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những năm tới cùng với sự gia tăng của đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, nguồn nhân lực này lại đang rơi vào tình trạng khủng hoảng do doanh nghiệp chưa làm tốt công tác chuẩn bị nhân lực và việc đào tạo ngành này hiện cũng chưa tương xứng với nhu cầu.
Nhu cầu về nhân lực marketing, đặc biệt là nhân lực bậc cao ngày càng tăng và là một trong những ngành hấp dẫn trong tuyển dụng nhân sự.
Song nhân lực đã qua đào tạo chuyên ngành này mới chỉ đáp ứng 35% nhu cầu về số lượng. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, mỗi năm các trường khối kinh tế đào tạo hơn 46.000 sinh viên ĐH chính quy và hơn 30.000 sinh viên tại chức, hơn 48.000 sinh viên CĐ chính quy và tại chức.
Thêm vào đó, công tác đào tạo tại Việt Nam hiện còn nhiều hạn chế khiến sinh viên marketing sau khi ra trường chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng.
Hàng năm, các cơ sở đào tạo vẫn tiến hành đào tạo nghiệp vụ marketing theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp hoặc cá nhân với số lượng hàng ngàn học viên nhưng yêu cầu đào tạo vẫn tiếp tục tăng qua số học viên đến đăng ký. Điều này cho thấy nhu cầu lao động lĩnh vực này vẫn còn rất lớn.
Theo dự báo của các doanh nghiệp, thời điểm từ giờ tới cuối năm, nhu cầu tuyển nhân viên marketing sẽ còn tăng mạnh do nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đẩy mạnh các chương trình bán hàng tăng doanh thu, bổ sung nhân sự cho các đợt bán hàng giáp Tết cũng như chuẩn bị nguồn lực cho năm 2017 tới.