Sự cố môi trường biển vào tháng 4/2016 khiến đời sống người dân tại vùng biển 4 tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế gặp nhiều khó khăn. Để tạo điều kiện cho bà con sớm ổn định cuộc sống bằng các ngành nghề khác, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành quyết định hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho người dân ở các địa phương bị ảnh hưởng.Thế nhưng trong quá trình thực hiện chính sách này, nhiều bất cập đã xuất hiện khiến bà con rất bức xúc.
Gia đình anh Võ Văn Mậu là 1 trong 35 hộ dân thuộc xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà được cử đi học lớp đào tạo nghề hàn xì.
Một hộ dân xã Thạch Hải bức xúc trước việc Trường CĐ nghề kỹ thuật Việt Đức tự ký tên và nhận tiền hỗ trợ học nghề thay cho họ. |
Theo quyết định của tỉnh Hà Tĩnh, các hộ đi học sẽ được hỗ trợ kinh phí đào tạo, ăn uống đi lại và cấp bằng chứng chỉ sau khi kết thúc khóa học vào tháng 4/2018. Tuy nhiên, đến nay gia đình anh vẫn chưa nhận được bất cứ tiền hỗ trợ nào. Trong khi đó tại danh sách của đơn vị đào tạo lại có tên anh Mậu đã ký nhận tiền hỗ trợ và chứng chỉ, khiến vợ chồng anh bức xúc.
Chị Nguyễn Thị Phương, vợ anh Võ Văn Mậu cũng cho biết, chồng chị chưa nhận được bất kỳ một khoản tiền hỗ trợ nào. Cũng giống với anh Mậu, ông Võ Tá Tú, bố anh Võ Tá Lam cũng cho biết, “Con tôi điện về bảo không nhận được tiền từ lớp học và không ký vào danh sách”.
Một số học viên trực tiếp tham gia lớp học trên cũng khẳng định chưa nhận được bất cứ tiền hỗ trợ hay chứng chỉ như trong danh sách của trường. Nên việc trường này, lập ra một danh sách và có chữ ký, ký nhận lấy bằng và tiền hỗ trợ của học viên là vô lý?
“Tôi nghĩ đó là người ta ký khống để trục lợi tiền nhà nước chứ con tôi không ký, cũng không nhận tiền hỗ trợ” – ông Võ Tá Tú đặt nghi vấn.
Danh sách học viên không học nghề nhưng lại có tên trong lớp đào tạo nghề. Oái ăm hơn là họ chưa hề ký tên, nhận tiền hỗ trợ nhưng đã có "ai đó" nhận thay? |
Trả lời những thắc mắc trên, ông Bùi Đình Lâm, Phó chủ tịch UBND xã Thạch Hải cho biết: Cho đến thời điểm nay, sau gần 4 tháng kết thúc khóa học nhưng phía trung tâm đào tạo vẫn chưa tổ chức bế giảng lớp học, nên chính quyền xã cũng không nắm rõ số lượng học viên tham gia học, cũng như kinh phí hỗ trợ như thế nào. “Thường bế giảng phải mời UBND xã nhưng đến thời điểm này chưa thấy làm gì nên chúng tôi cũng không rõ” – ông Lâm nói.
Ông Phạm Thanh Huyên, Giám đốc Trung tâm đào tạo Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt Đức Hà Tĩnh lại khẳng định, “Trường đã hỗ trợ tiền cho người dân, còn vấn đề chậm cấp chứng chỉ là do vướng mắc một số thủ tục hành chính. Chúng tôi đã ứng tiền được 70% từ huyện và đã hỗ trợ tiền cho dân”.
Hiện UBND huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh đã nhận được thông tin phản ánh của người dân và đã giao cho Phòng LĐTB&XH huyện rà soát lại toàn bộ quy trình tổ chức các lớp học đào tạo nghề cho bà con vùng biển trên địa bàn. Những khuất tất trong vấn đề này sẽ được các cơ quan chức năng sớm làm rõ nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân.