Mạo danh sàn thương mại điện tử SHOPPE, LAZADA lừa đảo hàng trăm tỷ đồng

GD&TĐ - Nhóm lừa đảo này còn giả mạo văn bản của Bộ Công thương để lấy lòng tin của nhiều người.

Mất tiền tỷ vì sập bẫy SHOPEE, LAZADA lừa đảo

Thời gian gần đây, rất nhiều người dân phản ánh họ bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bởi các đối tượng mạo danh sàn thương mại điện tử như SHOPEE, LAZADA…

Chị Nguyễn Hồng Nhung, một nạn nhân bị mất hơn 300 triệu đồng cho biết, tháng 4/2022, chị bị một số đối tượng kết bạn qua mạng xã hội và giới thiệu là công ty Trách nhiệm Hữu hạn SHOPEE.

Người này cho biết, mỗi lần mua hàng, các "cộng tác viên bán hàng" sẽ được hoàn trả tiền cộng thêm tiền "hoa hồng" từ 10 - 20% giá trị đơn hàng.

Ban đầu, đối tượng lừa đảo gửi cho chị Nhung đơn hàng vài trăm nghìn đồng và hoàn tiền lại rất nhanh, lãi khoảng 10%. Nhưng bắt đầu từ đơn hàng thứ 2, giá trị sẽ tăng dần vài triệu cho đến vài chục triệu đồng.

“Họ nói là tôi phải trả hết tất cả các đơn hàng này thì mới được hoàn tiền. Do tin tưởng nên tôi đã đi vay mượn, chuyển khoản cho người này.

Để lấy lòng tin của tôi, họ đã gửi tôi căn cước công dân và giới thiệu mình là giám đốc của SHOPPE. Tuy nhiên giá trị các đơn hàng sau mỗi lần lại tăng cao.

Điều này khiến tôi phải bỏ ra số tiền rất lớn để thanh toán. Thậm chí tôi đã phải vay mượn bạn bè để chuyển khoản vào tài khoản của một người tên Phạm Thu Hà.

Đến lúc phát hiện rằng mình bị lừa thì tôi đã chuyển khoản vào tài khoản này 300 triệu đồng. Tôi muốn cảnh báo mọi người tránh xa chiêu trò lừa đảo này”, chị Nhung nói.

Nở rộ các hình thức lừa đảo mạo danh SHOPEE, LAZADA

Một trường hợp khác cũng mất vài trăm triệu đồng vì chiêu trò lừa đảo tương tự là chị L.T.X (Hà Nội). Chị X. thấy trên Facebook có bài "tuyển dụng cộng tác viên của trang thương mại điện tử Shopee ", lương bình quân 4-8 triệu/tháng, X. gửi thông tin cá nhân cho "tư vấn viên" tên Thu Hiền để đăng ký tài khoản. Sau đó, X. thực hiện nhiệm vụ để hưởng hoa hồng.

Mỗi ngày, X.  được hướng dẫn viên chỉ định 5 đơn hàng để thanh toán và nhận 5-15% giá trị đơn. Các đơn này là ngẫu nhiên, có thể là váy áo, giày dép hay đồng hồ, nước hoa, giá trị từ 400.000 đồng đến 3-4 triệu. Hoặc có những đơn giá trị lên đến gần 30 triệu đồng như bộ sofa, máy hút bụi, xe máy,...

"Họ gửi cho tôi một đường link, đường link này là một sản phẩm bất kỳ. Tôi click vào đường link sau đó phải thanh toán tiền, gửi đến một tài khoản lạ. Ví dụ món hàng có giá trị 30 triệu đồng, tôi gửi vào tài khoản của họ 30 triệu", chị X. kể.

Chị X. gửi tiền đến số tài khoản do hướng dẫn viên cung cấp. Vài phút sau khi thanh toán, họ đã hoàn tiền lại, bao gồm tiền gốc và tiền hoa hồng, có món 5%, món 10%, món 15%,...

“Tôi thanh toán 3 đơn đầu tiên có giá trị thấp và được hoàn trả tiền ngay sau đó, lãi được khoảng vài trăm nghìn. Thấy uy tín nên muốn làm nhiều hơn.

Thế nhưng từ đơn thứ 4, giá trị đơn hàng ngày càng cao, hướng dẫn viên bắt tôi thanh toán 3 đơn cùng một lúc, một đơn gần 4 triệu, một đơn hơn 20 triệu và một đơn hơn 62 triệu, tổng hơn 86 triệu”, X. nói.

Chị X. lúc này bán tín bán nghi song vẫn cố rút hết tiền trong tài khoản tiết kiệm để hoàn thành nhiệm vụ. Sau khi chị gửi hơn 62 triệu ở lần thanh toán này, hướng dẫn viên từ chối trả lại tiền gốc và hoa hồng cho chị vì “ghi sai nội dung, hệ thống không thể tiếp nhận”. Chị X. lúc này mới tá hỏa vì mất 62 triệu trong nháy mắt.

Hướng dẫn viên sau đó yêu cầu chị phải tiếp tục thanh toán đơn 62 triệu để được hoàn trả. “Nếu bỏ ngang nhiệm vụ, chị sẽ bị bảo lưu tiền đã gửi. Sau 12 tháng, chị đến trụ sở công ty, cầm theo giấy tờ để nhận lại tiền”, người hướng dẫn nói.

Lo bị mất tất cả, X. vay tiền bạn bè và đồng nghiệp để tiếp tục gửi lại khoản 62 triệu, hy vọng sẽ được hoàn trả hơn 86 triệu trước đó. Nhưng sau khi chuyển tiền, hướng dẫn viên nói chị không được hoàn trả vì “không đủ sự tín nhiệm”. Nếu muốn hoàn, chị phải tiếp tục làm nhiệm vụ giá trị cao hơn.

"Sau đó mình đâm lao theo lao, còn đi vay tiền bạn bè đồng nghiệp lên đến cả trăm triệu. Chỉ vì ham muốn nhất thời rồi để lại hậu quả mà mình không thể tưởng tượng được. Tiền đã mất, chắc chắn không thể lấy lại. Cả đêm mình khóc không ngủ được, suy nghĩ về món nợ ngập đầu mà không dám kể với ai. Sao cùng là con người mà họ lại thất đức như vậy?”, chị X chia sẻ.

Các đối tượng mạo danh SHOPEE, LAZADA sau đó lừa đảo, chiếm đoạt tài sản

Chiêu lừa đảo không mới nhưng nhiều người vẫn mắc bẫy

Theo phản ánh của nhiều nạn nhân, trang web: shop6886.com mạo danh trang thương mại SHOPEE để lừa đảo. Các đối tượng này tinh vi đến mức làm giả cả văn bản của Bộ Công thương.

Các đối tượng sẽ gửi cho người dân một văn bản có tên là: Quyết định của Bộ Công thương về việc phê duyệt dự án kiếm tiền Online. Đồng thời những kẻ lừa đảo cũng giới thiệu là nhân viên hoặc giám đốc của SHOPEE để lấy lòng tin từ khách hàng.

Các đối tượng lừa đảo đã sử dụng không gian mạng để thực hiện thủ đoạn mới: tuyển cộng tác viên mua bán hàng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cụ thể, lúc đầu, các đối tượng sử dụng tài khoản mạng xã hội "ảo" đăng bài chạy quảng cáo trên các trang mạng xã hội với những nội dung "tuyển cộng tác viên mua bán hàng trên các sàn thương mại điện tử Shoppe, Lazada, Tiki…".

Theo đó, mỗi lần mua hàng, các "cộng tác viên bán hàng" sẽ được hoàn trả tiền cộng thêm tiền "hoa hồng" từ 10 - 20% giá trị đơn hàng.

Sau khi bị hại nhận làm "cộng tác viên mua bán hàng", đối tượng sẽ gửi một đường link sản phẩm thật trên các sàn thương mại điện tử như Sendo, Shoppe, Lazada… yêu cầu tạo đơn hàng và thanh toán, sau đó "hệ thống" sẽ hoàn tiền, kèm theo hoa hồng.

Đối với những đơn hàng giá trị nhỏ đầu tiên, bị hại sẽ được thanh toán kèm hoa hồng như đã hứa đầy đủ nhằm tạo lòng tin và đánh vào lòng tham, thấy việc kiếm tiền quá dễ dàng.

Để tạo niềm tin cho khách hàng, chúng còn làm giả công văn của Bộ Công thương

Sau khi có được lòng tin của bị hại, những lần tiếp theo, với số lượng đơn hàng lớn hơn, số tiền lớn hơn, các đối tượng lừa đảo đưa ra nhiều lý do như cú pháp soạn tin bị sai, hệ thống bị lỗi… để không trả tiền.

Khi đó, bị hại muốn nhận lại tiền thì chuyển khoản thêm tiền cho đơn hàng, nếu không sẽ bị mất toàn bộ tiền trước đó.

Bị hại với tâm lý muốn nhận lại tiền, lại tin vào lời hứa số tiền chuyển vào sẽ được hoàn trả nên liên tục chuyển tiền cho các đối tượng cho đến khi không còn khả năng chi trả, phát hiện đã bị lừa thì sẽ bị các đối tượng chặn liên lạc và chiếm đoạt.

Trước tình trạng lừa đảo này, Cơ quan Công an thuộc nhiều tỉnh/ thành phố đã phát đi cảnh báo người dân không được chuyển tiền cho những dự án kiểu như trên.

Bên cạnh đó, lực lượng công an sẽ tiếp tục xác minh, đấu tranh với các loại tội phạm sử dụng không gian mạng để lừa đảo nhằm ngăn chặn và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều tổ chức, cá nhân lừa đảo bằng các hình thức kinh doanh chứng khoán đa cấp, forex, tiền ảo... trái pháp luật tại Việt Nam.

Các đối tượng này đã bắt đầu xâm nhập vào hệ thống trường học để lôi kéo giáo viên, sinh viên tham gia. Một số sinh viên, giáo viên, giảng viên đã bị tác động tiêu cực dẫn tới các hành vi vi phạm pháp luật. Nhiều trường hợp tự tử vì nợ nần.

Để hạn chế hậu quả của việc làm bất hợp pháp này, Báo Giáo dục và Thời đại triển khai chủ đề tuyên truyền nhằm làm rõ phương thức, thủ đoạn của các tổ chức trên, hạn chế các tác động xấu đến môi trường học đường và nền giáo dục nước nhà.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ