Mánh khóe bán rượu vang rởm...

GD&TĐ - Vang danh trong giới kinh doanh rượu vang Mỹ đầu những năm 2000, Rudy Kurniawan khiến mọi người lầm tưởng là quý ông này sở hữu hầm rượu vang đồ sộ. Ngược lại, anh ta làm giàu nhờ mánh khóe bán rượu vang rởm...

Rudy luôn quan sát kĩ từng chi tiết của chai rượu thật trước khi làm giả.
Rudy luôn quan sát kĩ từng chi tiết của chai rượu thật trước khi làm giả.

Tiến sĩ Conti

Rudy Kurniawan luôn có mặt trong các tiệc thử rượu của giới thượng lưu Mỹ.
Rudy Kurniawan luôn có mặt trong các tiệc thử rượu của giới thượng lưu Mỹ.

Cuối những năm 1990, Rudy Kurniawan có vẻ ngoài giàu sang và tình yêu ngây ngất đối với rượu vang. Rất nhanh sau đó, Rudy bắt đầu tạo dựng tên tuổi trên “sân khấu” kinh doanh rượu vang tại Mỹ.

Rudy luôn xuất hiện với mái tóc vuốt ngược, nụ cười sảng khoái. Quan trọng hơn, anh ta dường như có túi tiền không đáy. Trong những buổi bán đấu giá, Rudy sẵn sàng chi vài trăm nghìn USD để mua những chai rượu vang lừng danh thế giới như Burgundy, Chateau Le Pin, Spectrum Wine Auctions, Domaine de la Romanee-Conti… Mọi người thường xuyên thấy Rudy ngồi ăn tối cùng những người nổi tiếng như nhà phê bình rượu Robert Parker.

Nhiều đêm, Rudy hào phóng tổ chức những buổi tiệc nếm thử rượu vang để giới thiệu những loại rượu hảo hạng nhất trong hầm chứa rượu của anh ta.

Giới kinh doanh rượu vang Mỹ nhanh chóng tiếp nhận sự xuất hiện của Rudy với biệt danh “Tiến sĩ Conti” vì luôn hào phóng mua loại rượu này trong các buổi đấu giá. Ngoài ra, trong một buổi nếm thử rượu, Rudy đã mời những vị khách có mặt, mỗi người 1 ly Domaine de la Romanee-Conti 25 tuổi với giá 90.000 USD.

Người ta đồn thổi Rudy xuất thân từ một gia đình giàu có lai Trung Quốc – Indonesia với cuộc sống vô cùng dư dả. Anh ta cũng sở hữu khả năng nếm rượu tài tình khi có thể xác định được những hương vị có trong một chai rượu vang.

Do ảnh hưởng của Rudy, giá rượu vang đã tăng chóng mặt. Năm 2002, một chai Domaine de la Romanee-Conti sản xuất năm 1945 có giá 2.600 USD nhưng đến năm 2011, nó lên tới 124.000 USD.

Thế nhưng, năm 2012, giới kinh doanh rượu vang được phen chấn động khi Rudy Kurniawan bị bắt và kết án 10 năm tù vì âm mưu làm giả rượu vang. Trong đó, anh ta trộn các loại rượu mới sản xuất, nhãn hàng bình dân, giá rẻ và đổ chúng vào những chai rượu cũ làm giả nhãn hiệu thượng hạng.

Khi các đặc vụ FBI thực hiện lệnh khám xét nhà riêng của Rudy tại bang California, họ tìm thấy hàng trăm nguyên liệu làm rượu vang ở khắp mọi nơi. Đặc vụ Adam Roeser đánh giá: “Nhìn chung, toàn bộ ngôi nhà đã trở thành phòng thí nghiệm làm rượu giả.

Những chai rỗng được ngâm trong bồn rửa. Hàng đống nút chai nằm trong thùng. Trên quầy bếp, khoảng 30 đến 50 chai rượu vừa được đổ đầy. Xung quanh là những bao bì làm giả từ năm 1899. Rudy có thể làm giả bất kỳ nhãn rượu nào từ cuối những năm 1800”.

FBI khẳng định, Rudy đã tạo dựng được lòng tin và uy tín trong giới kinh doanh rượu. Đặc vụ Jim Wynne cho biết: Rượu là món đồ sưu tầm có giá trị như những tác phẩm nghệ thuật. Giới thượng lưu rất muốn sở hữu những chai rượu vang lâu đời nổi tiếng. Lợi dụng điều này, Rudy đã xây dựng hình tượng là người sành rượu hiếm và thuyết phục mọi người tin vào câu chuyện của anh ta”.

Theo Jim, giới thượng lưu sành rượu không phải kẻ ngốc. Họ sẵn sàng chi trả hàng chục nghìn USD cho một chai rượu vang của Rudy vì tin tưởng anh ta và bị anh ta mê hoặc bởi vẻ ngoài hào nhoáng, kiến thức sành sỏi về các loại rượu vang. Vụ bê bối làm rượu giả đã biến Rudy Kurniawan thành một trong những kẻ lừa đảo hàng đầu nước Mỹ.

Bậc thầy thử rượu

Rudy có vị giác và khứu giác rất nhạy bén với rượu vang
Rudy có vị giác và khứu giác rất nhạy bén với rượu vang

Rudy Kurniawan sinh ngày 10/10/1976 tại thủ đô Jakarta, Indonesia trong gia đình cha là người Trung Quốc, mẹ là người Indonesia. Khi mới chào đời, Rudy được đặt tên là Zhen Wang Huang nhưng sau đó được đổi tên thành Rudy Kurniawan. Cha mẹ mong muốn Rudy sẽ trở thành người tự chủ, thành công về mọi mặt.

Năm 1994, sau khi tốt nghiệp trung học tại Indonesia, Rudy đến Mỹ theo học ngành Kế toán tại Trường Đại học Northridge, bang California. Hoàn thành chương trình học, Rudy muốn ở lại Mỹ nhưng Cục Di trú Mỹ từ chối thị thực, buộc phải rời nước này trước ngày 25/4/2003.

Năm 1999, khi đang dùng bữa tại nhà hàng Bến tàu ngư dân ở thành phố San Francisco, Rudy đã nếm thử chai rượu Opus One của hãng Cabernet Sauvignon với giá 300 USD. Từ lần nếm thử đầu tiên, anh ta đã nảy ra ý tưởng lừa đảo táo bạo. Những ngày sau đó, Rudy lùng mua những chai Opus One bán trên thị trường.

Với hơn 60 chai Opus One, Rudy tiến hành kế hoạch “bình cũ rượu mới”, làm rượu vang giả. Đầu tiên, anh ta quan sát chi tiết bề ngoài chai rượu Opus One, từ vỏ chai đến nhãn mác, nắp chai, nút bần. Anh ta đặt hãng thủy tinh sản xuất vỏ chai, một nhà máy rượu whisky sản xuất nắp chai còn nhãn mác và vỏ hộp nhờ 2 người anh ruột tại Jakarta, Indonesia in giúp.

Cuối cùng, Rudy mua một số loại rượu vang bình dân giá chỉ từ 3 đến 7 USD mỗi chai rồi đem về pha trộn. Qua vài lần pha trộn, Rudy đã cho ra đời hàng nghìn chai Opus One với hình thức và hương vị giống như chính hãng. Mọi chuyện sẽ chỉ vỡ lở khi người uống đem đi kiểm nghiệm nhưng không ai rỗi hơi đi làm việc này.

Kế hoạch có thể thành công vì Rudy được trời phú vị giác và khứu giác vô cùng nhạy bén. Chỉ cần ngửi và nếm thử một loại rượu vang, Rudy có thể biết nó sản xuất vào năm nào, ủ trong thời gian bao lâu, hương vị ra sao kể cả độ chát và độ ngọt. Sở hữu trí nhớ tốt, Rudy có thể nắm rõ lịch sử, thời gian ra đời, quá trình ủ những chai rượu cao cấp.

Ông Larry Stone, một trong những người nếm rượu vang giỏi nhất thế giới, cũng phải thừa nhận Rudy là người nếm rượu vang cực kỳ tinh tế.

“Chỉ khi vụ lừa đảo bị lật tẩy, tôi mới nhận ra anh ta là bậc thầy. Tôi phải mất hơn 10 năm mới phân biệt được các loại rượu còn anh ta chỉ mất vài tháng. Tôi đã từng được anh ta mời nếm thử rượu nhưng tôi không hay biết nó là giả”, ông Larry cho hay.

Từ những chai Opus One, Rudy chuyển sang làm giả loại rượu vang cao cấp của hai hãng Bordeaux và Burgundy. Anh ta luôn làm rượu bằng cách pha trộn các loại rượu rẻ tiền theo một tỉ lệ nhất định.

Để chai rượu trông “nhuốm màu thời gian”, Rudy cũng để ý đến từng chi tiết nhỏ nhặt. Anh ta ngâm giấy in nhãn mác trên thân chai vào nước cà phê pha loãng để tạo hiệu ứng màu nâu cũ như đã trải qua hàng chục năm. Thậm chí, Rudy dùng bùn tạo vết bẩn, cố tình cạo rách, làm sờn trên nhãn hiệu để bao bì có vẻ cổ kính. Nút bần ở miệng chai cũng được khắc số năm sản xuất của chai rượu như quy tắc của một số hãng.

Trong một cuộc đấu giá do nhà môi giới Acker Merrall & Condit tổ chức năm 2006, Rudy đã thu về 24,7 triệu USD từ việc bán rượu giả, đánh bại kỷ lục của một thương nhân trước đó là 10 triệu USD. Đầu những năm 2000 là giai đoạn bùng nổ dotcom, khi sự giàu có của Thung lũng Silicon thường gắn liền với những chai rượu vang hảo hạng. Do đó, việc kinh doanh của Rudy ngày càng phát đạt.

Sau năm 2003, Rudy chấp nhận cư trú bất hợp pháp tại Mỹ vì tiếp tục hành vi phạm pháp, mang về cho anh ta một căn biệt thự trị giá 8 triệu USD ở bang California, 1 xe hơi hiệu Mercedes, 1 xe Land Rover và 1 xe Lamborghini. Mỗi lần di chuyển trên 500km, Rudy đều thuê chuyên cơ riêng, ăn tối tại những nhà hàng sang trọng và không quên tiền bao hậu hĩnh.

Nút bần và nhãn mác giả được phát hiện tại nhà riêng của Rudy.
Nút bần và nhãn mác giả được phát hiện tại nhà riêng của Rudy.

Vở kịch của kẻ gian

Mọi chuyện trót lọt đến năm 2011, Rudy ký gửi 1 thùng 24 chai rượu vang của nhà sản xuất danh tiếng Chateau Le Pin, Pháp, sản xuất năm 1962 cho nhà tổ chức bán đấu giá Christie’s ở Los Angeles, Mỹ. Nhưng đại diện Chateau Le Pin phản ánh rằng lô hàng này đến năm 1982 mới được xuất xưởng. Khi ấy, Christie’s chưa có nhiều nghi ngại mà chỉ đem trả lại số rượu này cho Rudy.

Cùng khoảng thời gian này, Bill Koch, tỷ phú người Mỹ, phát hiện những chai rượu giả trong bộ sưu tập thượng hạng của mình nên đã thuê thám tử tư tìm hiểu và đệ đơn kiện. Từ đó, ngày càng nhiều lô hàng do Rudy ký gửi bị phanh phui làm giả.

Đỉnh điểm vào tháng 2/2012, nhà sản xuất Spectrum Wine Auctions phát hiện lô rượu vang của Rudy trong một cuộc bán đấu giá là hàng giả. Những thông tin do nhãn hàng công bố khiến hàng loạt người mua hàng của Rudy khởi kiện với số tiền bồi thường lên đến hàng triệu USD. FBI lập tức nhảy vào điều tra.

Tháng 3/2012, các đặc vụ đột kích vào nhà của Rudy tại bang California và phát hiện xưởng làm giả với đầy đủ dụng cụ, chai, vỏ, nhãn mác giả… từ các nhãn hiệu lâu năm và có danh tiếng. Rudy chính thức bị bắt.

Tháng 12/2013, tòa án liên bang tại New York, Mỹ, đã kết án Rudy 10 năm tù vì âm mưu làm giả rượu vang. Bên cạnh đó, anh ta cũng bị kết tội lừa đảo ngân hàng liên quan đến một khoản vay trị giá 3 triệu USD bằng cách cung cấp thông tin sai lệch. Ngoài bản án, Rudy bị yêu cầu bồi thường 20 triệu USD cho hành vi làm giả và hơn 28 triệu USD cho các nạn nhân của mình.

Vụ bê bối đã được hai đạo diễn Reuben Atlas và Jerry Rothwell chuyển thể thành phim tài liệu Sour Grapes năm 2016. Ngày 7/11/2020, Rudy được thả tự do sau 8 năm tù giam và bị trục xuất về Indonesia. Cho đến nay, đây vẫn là một trong những vụ bê bối làm giả rượu vang lớn nhất nước Mỹ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.