Mạnh dạn ứng dụng công nghệ số trong tiết dạy ở miền núi

GD&TĐ - Trong giờ học của cô Nguyễn Thị Dung, học sinh được khuyến khích sử dụng các thiết bị thông minh như một công cụ đắc lực phục vụ tiết học...

Cô Nguyễn Thị Dung và học trò Trường THPT Sơn Động 1.
Cô Nguyễn Thị Dung và học trò Trường THPT Sơn Động 1.

Tháng 6/2016, mang trong mình ngọn lửa nhiệt huyết của tuổi trẻ cùng hoài bão của một cử nhân Sư phạm Hà Nội với tấm bằng xuất sắc của lớp chất lượng cao, cô Nguyễn Thị Dung, Trường THPT Sơn Động 1 (Bắc Giang) bước vào hành trình chinh phục ước mơ làm cô giáo của mình.

Sự mộc mạc níu chân người

Tốt nghiệp ĐH Sư phạm Hà Nội, cô gái trẻ Nguyễn Thị Dung mong muốn có thể trở về Bắc Giang để được cống hiến sức trẻ cho quê hương. Trong quyết định mà Dung lựa chọn còn có một lý do khác nữa, cô mong được gần bố mẹ vì nhà chỉ có ba chị em gái, mà mẹ Dung lại hay ốm đau, trong khi chị và em gái Dung đều công tác xa. Tháng 8 năm 2016, Bắc Giang có kì thi tuyển viên chức, Dung làm hồ sơ đăng kí dự thi.

“Ngày nhận được thông báo trúng tuyển, mọi thứ như vỡ òa, cả nhà mình hạnh phúc lắm, vì gia đình không mấy khá giả, bố mẹ lo cho ba chị em ăn học, ra trường có công việc ổn định luôn thì quả là một điều may mắn và tuyệt vời lắm rồi. Rồi mình được phân công lên công tác tại Trường THPT Sơn Động số 1 – huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang”, cô Dung nhớ lại.

Ngày ấy nhiều người Bắc Giang còn chưa rõ Sơn Động là ở đâu, mặc dù địa danh này cũng nằm trong tỉnh Bắc Giang. Tên đất thì nghe nhưng hỏi cụ thể thì mọi người đều bảo huyện miền núi này ở xa lắm. Lần đầu tiên lên nhận công tác, cô Dung được bố đưa đi bằng xe máy. Khoảng cách từ nhà đến nhiệm sở cách nhau 90 km, đường thì ngoằn nghoèo, khó đi, có những đoạn đường đất bụi phủ trắng cây hai bên, đoạn nào được trải nhựa thì cũng ổ voi, ổ gà mấp mô, xóc. Lên được đến nơi, mặt mày, quần áo của cả hai bố con đều lấm lem.

“Khi thi đỗ viên chức, mình cứ nghĩ sẽ được dạy gần nhà, gần bố mẹ nên vui lắm, nhưng được phân công đi xa như vậy, thực sự lúc đầu mình thấy có chút buồn, xa lạ, hụt hẫng và thời gian đó thấy nhớ nhà vô cùng”, cô Dung cho biết.

Ấn tượng nhất với cô giáo trẻ là học sinh nơi đây rất ngoan, lễ phép và kính trọng thầy cô giáo. Những ngày lễ, học sinh tặng cô giáo đùm bánh giầy tự làm hay gói măng rừng, mấy quả bưởi, túi táo hái từ cây nhà trồng được… Món quà đơn sơ, giản dị đó lại chứa đựng những tình cảm yêu quý, thân thương đã trở thành sức mạnh níu chân bất kỳ ai khi đến với mảnh đất Sơn Động này.

“Những thứ rất bình dị, mộc mạc nhưng đã làm trái tim mình rung rinh, ấm áp biết bao. Ở càng lâu, tiếp xúc càng nhiều, mình càng cảm thấy biết ơn con người Sơn Động.

Đúng là có những chuyến đi đưa ta đến những miền đất mới, gặp gỡ những con người mới, trải nghiệm những cảm xúc mới. Chúng ta của sau này, có thể không có nhau, nhưng kỷ niệm về hành trình bên nhau là mãi mãi…. Và cho đến nay, mình đã gắn bó với nơi này hơn 7 năm, Sơn Động là một phần rất tươi đẹp trong những năm tháng thanh xuân của mình”, cô Dung chia sẻ.

Giáo viên chủ nhiệm giống như thuyền trưởng

Trong các tiết học, cô Dung đã áp dụng nhiều phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực để học sinh có thể tham gia thuyết trình, thảo luận nhóm, trải nghiệm, cảm thấy thích thú, dễ dàng tiếp thu kiến thức hơn. Cô nhớ lại năm đầu tiên đi dạy, có lần đang tổ chức dạy học thảo luận nhóm, một học sinh đứng lên đề nghị: “Cô ơi, cô đọc cho bọn em chép đi, em quen như thế rồi, giờ cô dạy như này em không quen”.

Hiểu được sự lúng túng của trò, cô Dung bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn, sâu hơn về các phương pháp dạy học tích cực, làm sao để học sinh hứng thú với môn học, làm sao để các em thấy nhẹ nhàng, không áp lực khi đi học, làm sao để các em thích tới trường?

Bao nhiêu câu hỏi đặt ra khiến đầu óc rối bù. Thế nhưng cô chạy trốn khỏi những trở trăn của mình, không từ bỏ.... Trong khoảng thời gian 7 năm công tác, cô đã có rất nhiều sự đổi mới về phương pháp để nâng cao chất lượng giảng dạy, trong đó có các biện pháp, sáng kiến kinh nghiệm được công nhận ảnh hưởng cấp ngành.

Đặc biệt trong năm học vừa qua, cô cũng đã mạnh dạn đưa công nghệ số ứng dụng trong tiết dạy. Trong giờ học của cô Dung, học sinh không bị quản lý, hạn chế sử dụng điện thoại, các em còn được khuyến khích sử dụng các thiết bị thông minh như một công cụ đắc lực phục vụ tiết học. Các em tham gia rất nhiệt tình, giáo viên cũng có thể đánh giá nhanh chóng khả năng học tập của các em, từ đó điều chỉnh phương dạy học sao cho phù hợp.

Trong công tác chủ nhiệm, cô Dung luôn gần gũi với các em. Cô quan niệm, giáo viên chủ nhiệm giống như một “thuyền trưởng của một con tàu” làm sao để lái con tàu đi đúng hướng; luôn phải gương mẫu để các thành viên trên con tàu ấy học tập và noi theo; Khi làm chủ nhiệm, cô Dung ưu tiên phương châm “làm bạn với học sinh”, để dễ dàng đồng hành, chia sẻ và thấu hiểu các em hơn.

Từ khi vào nghề, được sự quan tâm, giúp đỡ và tạo điều kiện của nhà trường, tổ chuyên môn, đồng nghiệp, gia đình và sự ủng hộ của phụ huynh, học sinh, cộng với sự nỗ lực không ngừng, cô Dung đã đạt được những thành tích mà rất nhiều nhà giáo mong ước. Đó là các danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cơ sở, Chiến sĩ thi đua cơ sở, Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi, cô Dung được nhận lại những niềm vui, hạnh phúc khi học trò của mình đạt được kết quả cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Sinh học.

Những đóng góp, cống hiến trong sự nghiệp trồng người của cô giáo Nguyễn Thị Dung đã được ghi nhận và biểu dương. Cô được Chủ tịch UBND huyện Sơn Động tặng Giấy khen trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi cấp tỉnh và giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen về thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” năm học 2022 - 2023.

Niềm vui như nhân đôi khi cô Dung vinh dự là một trong số những giáo viên được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2023. Chương trình do Bộ GD&ĐT, Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức.

“Mình mong muốn rằng, không chỉ ở thành phố mới có thể cập nhật được công nghệ tiên tiến, mà học sinh miền núi khó khăn cũng được tiếp cận và theo kịp với tốc độ phát triển mạnh mẽ của xã hội trong thời đại công nghệ 4.0. Tuy nhiên, tùy vào nội dung kiến thức và đối tượng học sinh mà người giáo viên lựa chọn phương pháp sao cho phù hợp, linh hoạt; có những phần vẫn cần phải ưu tiên các phương pháp dạy học truyền thống”, cô Dung chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.