Tư thế ngồi “đúng chuẩn” cho mẹ bầu
Theo khuyến cáo, tư thế ngồi “chuẩn” nhất cho mẹ bầu là lưng thẳng, vai thả lỏng, chân vuông góc với mặt đất và mông chạm vào lưng ghế. Mẹ có thể dùng một cái gối hoặc một chiếc khăn nhỏ cuộn lại, đặt vào phần trũng phía sau lưng để ngồi được thoải mái hơn.
Nếu không có gối hoặc khăn cuộn, mẹ có thể ngồi sát vào lưng ghế, hai chân song song nhau, tránh ngồi bắt chéo chân. Mẹ bầu cũng đừng ngồi quá lâu một chỗ mà nên đứng lên đi lại để tăng khả năng tuần hoàn máu của cơ thể.
Mẹ bầu tránh đừng ngồi quá lâu một chỗ, nên đứng lên đi lại để tăng khả năng tuần hoàn máu của cơ thể (ảnh minh họa)
Chiều cao của ghế ngồi cũng rất quan trọng. Mẹ nên điều chỉnh ghế để bàn chân vẫn có thể chạm xuống sàn, không nên để ghế quá cao sẽ khiến mẹ dễ ngã do mất thăng bằng.
Không chỉ vậy, việc ngồi gần sát với bàn và đặt cánh tay trên bàn trong khi làm việc sẽ giúp mẹ cảm cảm thấy thư giãn và bớt mỏi vai hơn.
Tư thế ngồi nào là “lệch chuẩn” mà mẹ nên tránh?
- Ngồi không có chỗ tựa lưng: Kiểu ngồi này có thể khiến mẹ bị đau lưng do áp lực lên các cơ ở lưng tăng lên. Ghế đẩu, ghế lưng thấp hoặc ghế không tựa lưng là những loại ghế mà mẹ nên tránh ngồi.
- Ngồi thõng vai, chùng lưng: Đây là tư thế ngồi hay gặp của mẹ bầu khi ở nhà và hoàn toàn không hề “chuẩn” chút nào, bởi kiểu ngồi này sẽ khiến cột sống của mẹ phải “oằn mình” chịu áp lực từ thai nhi cùng cả trọng lượng cơ thể của mẹ. Cứ ngồi như thế, mẹ sẽ kêu đau lưng nhiều hơn đấy.
- Ngồi bắt chéo chân: Mẹ có biết, ngồi bắt chéo chân là một trong những nguyên nhân khiến chứng suy giãn tĩnh mạch khi mang thai trở nên trầm trọng hơn. Đồng thời, nó còn khiến xương chậu cũng như xương cột sống chịu thêm áp lực, khiến người mẹ nhanh bị nhức mỏi khó chịu.
Đừng bao giờ ngồi bắt chéo chân khi mang bầu mẹ nhé! (ảnh minh họa)
- Nửa nằm nửa ngồi: Nhiều mẹ bầu khi ngồi trên giường hay có kiểu “nửa nằm nửa ngồi”, tưởng là thoải mái, nhưng thực ra cột sống của mẹ đang bị “vặn vẹo” một cách khó chịu. Nếu ngồi lâu tư thế này, mẹ sẽ cảm thấy bị đau nhói ở lưng.
- Ngồi ngả về phía trước: Không những gây áp lực lên bụng bầu, làm mẹ khó chịu, kiểu ngồi này còn có thể gây hại cho em bé trong bụng mẹ. Thậm chí vào thời gian cuối thai kỳ, ngồi ngả về trước có thể khiến xương sườn dưới của mẹ đè lên cơ thể của bé và để lại dấu vết chẳng ai mong muốn.