Tất cả nhà giáo, người lao động cả nước đều có Tết
Phát biểu khai mạc chương trình, ông Nguyễn Ngọc Ân- Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết: Tết là thời điểm quan trọng và linh thiêng với mỗi nhà, mỗi người, là niềm hy vọng mà ai cũng mong đợi. Cao hơn cả, Tết là dịp để người với người sẻ chia, là cơ hội trao đi và nhận lại của những tấm lòng nhân ái.
Cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về, từ khóa "Tết sum vầy" lại được nhắc đến, được tổ chức với những cách thức đa dạng, với rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, ai cũng cố gắng mang đến cho người thân yêu của mình những niềm vui để kết nối yêu thương. Chương trình Tết sum vầy- Xuân bình an năm nay được thực hiện với ý nghĩa đó, để tất cả nhà giáo, người lao động cả nước đều có Tết.
Con số 1 tỉ 200 triệu đồng bao gồm quà và hiện vật đã và sẽ được chuyển đến các thầy cô giáo, các em học sinh trong cả nước dịp Tết năm nay thể hiện sự quan tâm của Công đoàn Giáo dục Việt Nam, của cộng đồng tới các thầy cô, tới các nhà trường; để cùng vững bước qua những gập ghềnh của năm 2021 và cầu mong cho nhau chân cứng đá mềm trong chặng đường đi tới trong năm 2022.
Ông Nguyễn Ngọc Ân cho biết, những ngày giáp Tết, đoàn công tác của Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã có chuyến thăm và tặng quà tại huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La, chia sẻ khó khăn với các thầy cô nơi đây, mong thầy cô sẽ có một cái Tết sum vầy, bình an. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tổ chức công đoàn. Đồng thời, mong muốn Tết sum vầy- Xuân bình an cũng được Công đoàn Giáo dục Việt Nam gửi đến tất cả nhà giáo, người lao động cả nước.
Nhiều hoạt động hỗ trợ nhà giáo tại các địa phương
Tại điểm cầu Hà Nội, bà Trần Thị Thu Hà- Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Hà Nội chia sẻ: Trong năm 2021, Công đoàn ngành đã hỗ trợ được trên 2000 nhà giáo với tổng số trên 2 tỉ đồng. Ngoài ra, Công đoàn ngành còn tham mưu với Liên đoàn lao động TP để hỗ trợ cho các đối tượng cô giáo các trường mầm non khối ngoài công lập.
Trước thực tế nhiều thầy cô giáo các trường ngoài công lập không được hưởng trợ cấp theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, Công đoàn đã phối hợp với Sở GD&ĐT và các sở liên quan trình HĐND TP ban hành Nghị quyết 15, mở rộng đối tượng được hưởng hỗ trợ, đề xuất các cơ chế chính sách để TP và toàn hệ thống chính trị vào cuộc để hỗ trợ nhà giáo, người lao động.
Nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Sở GD&ĐT Hà Nội cùng các cấp Công đoàn Thủ đô đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm chăm lo đời sống, kịp thời quan tâm, động viên, chia sẻ với những khó khăn của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh. Công đoàn cũng đã tổ chức chương trình gặp mặt giáo viên là vợ, học sinh là con của chiến sỹ đang công tác ngoài đảo xa.
Tại điểm cầu Sơn La, bà Điêu Thị Dân- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La chia sẻ: Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Sở và Công đoàn ngành đã vận động chung tay giúp đỡ của các cấp các ngành và các tổ chức hỗ trợ phương tiện thiết bị và cơ sở vật chất cho các trường học, hỗ trợ giúp đỡ các thầy cô học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Tết năm nay, Sở cũng đã hỗ trợ những phần quà, động viên các thầy cô yên tâm đón Tết.
Tại điểm cầu TPHCM, bà Nguyễn Thị Gái- Chủ tịch Công đoàn Giáo dục TPHCM cho biết: Trong năm vừa qua, Công đoàn ngành đã tập trung chăm lo cho 1666 thầy cô bị nhiễm Covid-19 với tổng số tiền là 4 tỉ 500 triệu đồng. Bên cạnh đó đã thực hiện chương trình hỗ trợ nhà giáo mắc bệnh hiểm nghèo, hỗ trợ các thầy cô nằm viện từ nguồn tương trợ nội bộ của ngành.
Với chương trình "Tết sum vầy- Xuân bình an" năm nay, Công đoàn ngành đã tập trung chăm lo cho đội ngũ trong ngành, tổ chức chương trình Tết sum vầy tại 5 huyện ngoại thành, nơi có các thầy cô có hoàn cảnh khó khăn. Trong chương trình được tổ chức tại xã đảo Thạnh An, Công đoàn đã dành thời gian dài hơn cho các thầy cô nơi đây, để động viên các thầy cô nhân dịp Tết.
Tại các điểm cầu Khánh Hòa, Đắc Lắc, Cần Thơ, các thầy cô cũng đã chia sẻ những khó khăn vất vả trước một năm biến động do ảnh hưởng của dịch bệnh, về những hoạt động chăm lo cho cán bộ giáo viên trong dịp Tết đến xuân về với mong muốn các thầy cô sẽ thực sự được hưởng một mùa xuân ấm áp yêu thương. Các thầy cô cũng bày tỏ cảm động trước ý nghĩa nhân văn của chương trình "Tết sum vầy- Xuân bình an" năm 2022.
Ghi nhận đóng góp to lớn của đội ngũ nhà giáo
Chia sẻ tại Chương trình, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: Trong năm 2021, ngành GD-ĐT đã trải qua rất nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có. Toàn ngành đã phải chuyển trạng thái dạy học để thích ứng với dịch bệnh, vừa đảm bảo các yêu cầu về tiến độ, mục tiêu, kiên trì mục tiêu chất lượng nhưng vẫn phải đảm bảo mục tiêu an toàn phòng chống dịch.
Trong tình hình như vậy, toàn ngành GD đã cố gắng vượt qua khó khăn. Rất nhiều thầy cô đã khắc phục khó khăn để dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình với rất nhiều áp lực, với nhiều thói quen phải thay đổi. Các thầy cô vừa khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, vừa đồng thời thực hiện đổi mới dạy học theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.
"Trong năm qua, các thầy cô đã cố gắng vượt bậc, đã có rất nhiều tấm gương các thầy cô tâm huyết, sáng tạo, thể hiện tình yêu thương đối với học trò, cùng sự nhiệt huyết với nghề nghiệp. Có thể nói những gì chúng ta đã làm được trong năm qua có một phần đóng góp công sức, tâm huyết của các thầy cô"- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Nhân dịp xuân Nhâm Dần sắp đến, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gửi lời chúc sức khỏe, bình an đến tất cả các thầy cô giáo, chúc một năm mới thật an toàn, đạt được mục tiêu của kế hoạch, nhiệm vụ trong năm, chúc các thầy cô giữ được nhiệt huyết của mình tiếp tục sáng tạo, tiếp tục đổi mới, hoàn thành nhiệm vụ, sứ mệnh vẻ vang của mình.
Bộ trưởng bày tỏ mong muốn các thầy cô giáo cả nước tiếp tục thể hiện sự sáng tạo, tinh thần trách nhiệm của mình trong việc hỗ trợ học sinh quay lại trường học, để bù đắp, củng cố kiến thức cho các em. Với phương pháp, kĩ năng tốt, với tình yêu thương học sinh, các thầy cô sẽ thực hiện thành công nhiệm vụ của mình, khắc phục những tiêu cực do ảnh dưởng của dịch bệnh, theo đuổi mục tiêu chất lượng mà thực tế đang đặt ra cho ngành.