Cầu nối của cử tri
Theo Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy, phương án nhân sự cho bộ máy lãnh đạo Nhà nước đã được Trung ương Đảng, Bộ Chính trị chuẩn bị kỹ lưỡng ngay từ trước Đại hội XIII của Đảng.
Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV sẽ quyết định bước cuối cùng đó là bầu bộ máy lãnh đạo. Tin rằng, các đại biểu sẽ công tâm, sáng suốt bầu ra bộ máy lãnh đạo có tài, đức, tận tâm vì đất nước, vì nhân dân.
Lãnh đạo tỉnh Yên Bái cho hay, để chuẩn bị cho kỳ họp này, tại Hội nghị lần thứ 3, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận và cho kết luận những định hướng lớn về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, kế hoạch tài chính quốc gia và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2026.
“Chúng tôi kỳ vọng, rằng các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận dân chủ khách quan, trên tinh thần những định hướng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng để có thảo luận, đóng góp và quyết nghị thông qua các kế hoạch quan trọng, để làm cơ sở cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương triển khai để sớm đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, thực hiện thành công mục tiêu vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế” - ông Đỗ Đức Duy nhấn mạnh.
Trước băn khoăn các đại biểu kiêm nhiệm đang nắm giữ chức vụ cao ở địa phương chưa thể hiện được nhiều vai trò của một vị đại biểu Quốc hội trên nghị trường, Bí thư Tỉnh uỷ Yên Bái bày tỏ, tất cả phải thực hiện trách nhiệm của một người đại biểu đại diện cho nhân dân.
Có nhiều phương thức để các đại biểu Quốc hội nêu quan điểm, ý kiến đóng góp, có thể thông qua thảo luận ở tổ, thông qua gửi ý kiến chất vấn, ý kiến kiến nghị của cử tri hoặc phát biểu trực tiếp tại Hội trường… Đó đều là phương thức để biểu đạt quan điểm của người đại biểu đại diện cho cử tri đã bầu cho mình.
Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội), kỳ vọng của toàn Đảng, toàn dân trong thời điểm này là sự đóng góp hữu hiệu nhất của Quốc hội cho sự phát triển của đất nước, nhất là công cuộc chống dịch.
Quốc hội khóa XV không chỉ đầy đủ hơn về thành phần mà số lượng đại biểu chuyên trách nhiều hơn, có trình độ năng lực, trách nhiệm… Kế thừa nền tảng từ các nhiệm kỳ trước, đặc biệt là Quốc hội khóa XIV, xu thế của Quốc hội ngày càng gần dân, cởi mở, đổi mới trong cách thức tổ chức, giám sát.
Mang hơi thở cuộc sống vào nghị trường
Cũng theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, Kỳ họp thứ nhất được tổ chức vào thời điểm dịch bệnh căng thẳng, số lượng người mắc tăng nhanh, dịch lan rộng. Việc Quốc hội vẫn quyết tâm tổ chức cuộc họp tập trung là quyết tâm có tính trách nhiệm cao.
Đây là kỳ họp đặc biệt, hầu hết các vấn đề đều được quyết định tại nghị trường nhất là việc bầu các vị trí quan trọng của Nhà nước. Với vai trò là chuyên gia y tế, đại biểu rất yên tâm về công tác phòng chống dịch tại kỳ họp này.
Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh (Đoàn Quảng Trị) đánh giá, ngay từ đầu kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã đối mặt với nhiệm vụ rất khó khăn đó là tổ chức kỳ họp tập trung an toàn trong bối cảnh đất nước đang đối mặt với dịch Covid-19 hết sức phức tạp.
Theo chương trình, kỳ họp sẽ rút ngắn 5 ngày, các đại biểu vẫn phải làm việc cả hai ngày thứ 7 và chủ nhật. Khối lượng công việc rất lớn, hầu như các đại biểu phải làm việc ở cường độ cao để làm sao đảm bảo chất lượng các ý kiến trong các buổi thảo luận tổ, thảo luận nghị trường.
“Chúng tôi kỳ vọng, với sự tin tưởng của Đảng và Nhà nước, của nhân dân, Quốc hội khóa XV sẽ đoàn kết, quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra của nhiệm kỳ mới” - đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh bày tỏ.
Ấn tượng về câu nói “Mang hơi thở cuộc sống vào nghị trường” của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong bài phát biểu khai mạc kỳ họp, ông Đỗ Đức Duy khẳng định: sẽ là cầu nối để những tâm tư, nguyện vọng của cử tri vào nghị trường; qua đó góp thêm thông tin để giúp cho các cơ quan của Quốc hội và Quốc hội quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.