Mang con chữ đến với trẻ nghèo

GD&TĐ - Hơn 10 năm qua, những người lính đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Bến Lức (Long An) nỗ lực mang con chữ, phép tính đến với trẻ nghèo trên địa bàn.

Một tiết học tại lớp học tình thương. Ảnh: Minh Luận.
Một tiết học tại lớp học tình thương. Ảnh: Minh Luận.

Lớp học của trẻ nghèo

Hai anh em Thạch Long (sinh năm 2009) và Thạch Thành (2011) quê ở tỉnh Sóc Trăng cùng gia đình chuyển thị trấn Bến Lức sinh sống nhiều năm nay. Thu nhập chính của bố mẹ là những ngày công làm tại cảng bến lức, nên phải rất tiết kiệm mới trang trải cuộc sống và nuôi 2 đứa con.

Bản thân Thạch Long và em trai đã quá tuổi đi học, nhưng bố mẹ em lại không đủ điều kiện để con theo học ở trường công lập trên địa bàn. Do đó đến đầu năm học 2022-2023, gia đình em đã đăng ký cho 2 anh em học lớp 1 tại lớp học tình thương của những thầy giáo quân hàm xanh đồn Biên phòng Bến Lức. Lúc này Thạch Long đã học muộn mất 6 năm còn Thạch Thành muộn mất 4 năm so với các bạn cùng trang lứa.

Nhắc đến việc học tập của bản thân, thạc Long cho biết: “Từ khi đến học tại lớp học tình thương của các chú bộ đội con vui lắm. Con có nhiều người bạn mới và đã biết đọc, biết viết và làm nhiều phép tính. Tại lớp học các chú Biên phòng còn dạy con biết yêu thương cha mẹ, lễ phép với mọi người, tránh xa thói hư, tật xấu và biết tự bảo vệ bản thân”.

Ngược lại khoảng thời gian cách đây hơn 10 năm, thời điểm đó nhiều người dân từ các tỉnh Bến Tre, Đồng Tháp, Hậu Giang, Tiền Giang, Bạc Liêu,... về thị trấn Bến Lức tạm trú và mưu sinh bằng nghề bán vé số, buôn bán nhỏ, làm thuê hay làm công nhân ở các công ty. Nhiều em nhỏ cũng theo bố mẹ đến sinh sống tại đây. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh nên nhiều em không được đến trường học như những người bạn cùng trang lứa.

Thấu hiểu sự vất vả đó, năm 2012, ông Nguyễn Văn Lới, chủ một nhà trọ tại khu phố 8, thị trấn Bến Lức thành lập lớp học tình thương để giúp những đứa trẻ nghèo tìm đến con chữ, phép tính. Đến năm 2013, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Bến Lức đã phối hợp tham gia giảng dạy tại lớp học tình thương này.

Hạnh phúc khi thấy học trò tiến bộ

Gần 3 năm nay, với sự quan tâm của chính quyền thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức (Long An), cùng sự đồng hành hỗ trợ của những người lính biên phòng, lớp học tình thương của trẻ em nghèo tại thị trấn Bến Lức đã chuyển từ khu nhà trọ Duy Quý đến địa điểm mới. Điểm trường mới này trước đây là trạm y tế thị trấn Bến Lức nhưng đã được cải tạo lại thành 4 phòng học và 1 phòng đọc sách với thiết kế khang trang, thoáng mát.

Hiện tại có 96 trẻ đang theo học ở lớp học tình thương này.

Hiện tại có 96 trẻ đang theo học ở lớp học tình thương này.

Để học sinh theo kịp với chương trình cấp tiểu học, lớp học chia làm 2 ca, từ 14 đến 16 giờ và từ 17 giờ đến 19 giờ, từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần. Ngoài Đại úy Cảnh phụ trách lớp học còn có cán bộ và chiến sĩ đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Bến Lức và sinh viên tình nguyện tham gia giảng dạy.

Theo chia sẻ của Đại úy Trần Văn Cảnh, cán bộ đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Bến Lức, người phụ trách lớp học từ năm 2017 đến nay, những năm gần đây phụ huynh biết đến và đăng ký cho con học tại lớp học tình thương ngày càng đông. Từ 7 học sinh thủa mới thành lập lớp, đến nay đã gần có 96 em theo học, có độ tuổi từ 6 đến 15. Đặc biệt trong tổng số các em theo học tại đây còn có 5 học sinh là đồng bào dân tộc Khmer.

“Hiện tại, lớp học giảng dạy chương trình từ lớp 1 đến lớp 5. Là người trực tiếp quản lý lớp, bản thân cảm thấy vui vì từ ý nghĩa thiết thực của lớp học mà nhiều phụ huynh đã quan tâm hơn đến việc học hành của con cái mình. Đặc biệt, các mạnh thường quân đã tham gia hỗ trợ nhiều phần quà thiết thực, anh em trong đơn vị thường xuyên trích tiền lương để mua bút, tập viết, bánh kẹo, tổ chức trò chơi cho các em sau mỗi buổi học. Có lẽ, chính từ tình cảm quý báu, thân thương đó, các em nhỏ lại có động lực để đến lớp đều đặn hơn”, Đại úy Trần Văn Cảnh tâm sự.

Trải qua hơn 10 năm dạy và học của thầy và trò tại lớp học tình thương đầy ý nghĩa, nhiều em học sinh đã hoàn thành xong chương trình tiểu học và tiếp tục học ở các bậc học cao hơn. Kết quả này là một món quà đầy ý nghĩa đối với những người thầy giáo “quân hàm xanh”, những người vẫn hằng ngày cần mẫn gieo từng con chữ vào trang vở của các em học sinh nghèo nơi đây.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ