Mầm non 5 tuổi tỉnh Nam Định đã hoàn thành phổ cập

GD&TĐ - Trong 3 ngày (20, 21, 22/1) Đoàn kiểm tra công nhận Phổ cập giáo dục mầm non (MN) cho trẻ em 5 tuổi (PCGDMNCTE5T) của Bộ GD&ĐT đã về kiểm tra và công nhận đạt chuẩn PCGDMNCTE5T tỉnh Nam Định.

Bà Nguyễn Thị Hiếu và ông Nguyễn Văn Tuấn trao - nhận biên bản công nhận đạt chuẩn PCGDMNCTE5T tỉnh Nam Định.
Bà Nguyễn Thị Hiếu và ông Nguyễn Văn Tuấn trao - nhận biên bản công nhận đạt chuẩn PCGDMNCTE5T tỉnh Nam Định.

Đoàn kiểm tra Bộ GD&ĐT có bà Nguyễn Thị Hiếu – Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, Trưởng ban chỉ đạo Phổ cập giáo dục (Bộ GD&ĐT). 

Phía tỉnh Ninh Bình có ông Bùi Đức Long - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định, Trưởng ban chỉ đạo phổ cập giáo dục (PCGD) tỉnh; Ông Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định, Phó trưởng ban chỉ đạo Phổ cập giao dục tỉnh.

Ngoài ra,  còn có các đồng chí lãnh đạo ban ngành trong tinh, cán bộ quản lý giáo viên (GV) MN các trường trong 10 huyện, thành phố.

Trong 3 ngày làm việc, Đoàn kiểm tra Phổ cập của Bộ GD&ĐT đã làm việc với Ban Chỉ đạo PCGD của tỉnh; Nghe báo cáo và kiểm hồ sơ của 4 huyện: Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Nam Trực; Trực tiếp xuống kiểm tra, xác minh kết quả phổ cập tại 6 huyện: Mỹ Lộc, Vụ Bản, Ý Yên, Hải Hậu, Xuân Trường và thành phố Nam Định (gồm 12 đơn vị xã, phường, thị trấn).

Qua thực tế kiểm tra tại các xã, phường và hồ sơ báo cáo của Ban Chỉ đạo PCGDMNCTE5T tỉnh Nam Định, Đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT đã đưa ra những đánh giá, kết luận sau:

Nam Đình là vùng đất có bề dày truyền thống hiếu học,19 năm liên tục nằm trong tốp đầu cả nước về chất lượng giáo dục Tuy nhiên, cấp học MN vẫn còn nhiều khó khăn. 

Trước năm 2010, cơ sở vật chất các trường mầm non vùng nông thôn còn nhiều khó khăn hạn chế. Các trường còn học nhờ, học tạm, phòng học chưa được kiên cố hoá. Bắt đầu từ năm 2010 -  2011 thực hiện PCGDMNCTE5T Nam Định đã tập trung nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục toàn diện cho trẻ MN.

Trong quá trình triển khai, Ban chỉ đạo phổ cập tỉnh Nam Định đã phát huy được kinh nghiêm phổ cập từ những lần phổ cấp trước cùng với sự chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo, các ban ngành…

Ngay sau khi triển khai thực hiện Đề án PCGDMNCTE5T, Nam Định là tỉnh đầu tiên chuyển đổi 100% các trường MN bán công sang công lập; 

Tỷ lệ trường MN kiên cố và bán kiên cố cao, không có trường MN học tạm học nhờ. Địa phương cũng đã có quy hoạch dành quỹ đất để xây dựng trường MN.

Đến tháng 5/2013 toàn tỉnh đã xây mới được 3 trường MN, đảm bảo 100% các xã phường, thị trấn có trường MN, nâng tổng số trường MN lên là 264 trường (262 trường MN công lập và 2 trường mn tư thục).

Từ năm 2011 – 2013 tỉnh đã có 2.891/3.515 phòng học kiên cố đạt 82,2%, trong đó cải tạo và xây mới được 180 phòng học, 38 bếp ăn, 40 công trình nước sạch, 170 công trình vệ sinh. 

Hiện có 123 trường MN đạt chuẩn quốc gia đạt 46,5%. Riêng lớp 5 tuổi có 870 phòng học, trong đó có 780 phòng học kiên cố và 69 phòng bán kiên cố đảm. Chỉ còn 16 phòng học kiên cố và bán kiên cố chưa đủ diện tích do thiết kế xây dựng phòng học của những thế kỷ trước.

Toàn tỉnh hiện có 118.995 trẻ, trong đó có 110.375 trẻ ăn bán trú chiếm 92,8%. Riêng trẻ MN 5 tuổi ăn bán trú là 98,1%; 100% trẻ được học hai buổi/ngày và được số trẻ được theo dõi sức khỏe bằng biểu đồ tăng trưởng.

Về phát triển đội ngũ, toàn tỉnh hiện có 7.620 cán bộ, GV, nhân viên, trong đó có: 591 cán bộ quản lý và 1.332 GV biên chế; 4.881 GV được hưởng các chế độ chính sách theo Quyết đinh 60/QĐ-TTg; 720 GV, nhân viên hợp đồng địa phương (do đang hoàn tành chuẩn trình độ chuyên môn). 

Trong số cán bộ quản lý, GV có 96,4% đạt chuẩn. Riêng GV dạy lớp 5 tuổi 100% có trình độ chuẩn và trên chuẩn.

Đến tháng 7/2013 Nam Định có 222/229 đơn vị xã, phường, thi trấn hoàn thành PCGDMNCTE5T, chỉ còn lại 7 đơn vị xã phường đang xây dựng, sửa chữa, nâng cấp và sẽ hoàn thành trong năm 2014.

Giờ học của cô và trò lớp mẫu giáo 5 tuổi trường MN Hải Ninh - Hải Hậu – Nam Định
 
Giờ học của cô và trò lớp mẫu giáo 5 tuổi trường MN Hải Ninh - Hải Hậu – Nam Định

Căn cứ theo Thông tư 32/2010/TT-BGD&ĐT ngày 2/12/2010 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình công nhận phổ cập, tỉnh Nam Định đã đạt được các mục tiêu PCGDMNCTE5T vào tháng 12/2013.

Đoàn kiểm tra đánh giá cao sự quan tâm, đầu tư của các cấp ủy, Đảng, chính quyền và các ban ngành trong tỉnh; sự ủng hộ và đồng tình, nhất trí cao của đội ngũ cán bộ quản lý, GV và nhân dân trong tỉnh.

Tuy nhiên, đoàn kiểm tra lưu ý Ban Chỉ đạo PCGD của tỉnh và Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định một số vấn đề để giữ vững và duy trì phổ cập được bền vững:

Cần có lộ trình tuyển dụng GV vào biên chế để các cô được hưởng đây đủ chế độ chính sách, đám bảo đúng quy định số cô/lớp/trẻ đồng thời có thêm chỉ tiêu biên chế cho nhân viên kế toán, y tế (mỗi trường cần ít nhất 1 nhân viên y tế và 1 nhân viên kế toán);

Sở GD&ĐT Nam Định tích cực hơn nữa trong công tác tham mưu quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục MN phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương;

Đẩy nhanh việc thực hiện việc chi trả ăn trưa cho các cháu và việc thực hiện các chính sách cho GV; Đầu tư xây dựng các công trình vệ sinh, bếp ăn đúng quy chuẩn;

Rà soát, hoàn thiện hồ sơ quản lí phổ cập GDMN hàng năm ở cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Ngoài việc quan tâm chăm sóc, đầu tư cho trẻ 5 tuổi cũng cần quan tâm đầu tư cho các lớp trẻ 3, 4 tuổi.

Thay mặt Ban chỉ đạo phổ cập Tỉnh Nam định, ông Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định bày tỏ sự trân trọng và tiếp thu ý kiến đóng góp của đoàn kiểm tra PCGDMNCTE5T - Bộ GD&ĐT.

Ông cho chia sẻ: Tỉnh Nam Định luôn ý thức việc làm giáo dục là làm tốt chất lượng và làm phổ cập là làm tốt công tác xã hội hoá giáo dục. 

Chúng tôi đã và sẽ làm tốt công tác tham mưu để giúp các cô GVMN vượt qua được những khó khăn còn tồn tại, cơ sở vật chất trường lớp ngày càng đầy đủ, khang trang.

Để kết quả phổ cập luôn được duy trì bền vừng, ông Tuấn kiến nghị: Bộ GD&ĐT phối hợp với các Bộ ban ngành tham mưu với Chính phủ tăng cường nguồn kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường lớp, mua sắm thiết bị, đồ dùng cho cấp học MN.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ