Tại sao cúng Rằm tháng Chạp lại quan trọng?
Trước khi đón năm mới thì người Việt sẽ chuẩn bị ba lễ cúng tiễn năm cũ, bao gồm cúng Rằm tháng Chạp, cúng ông công ông táo 23 tháng Chạp và cúng tất niên. Trong đó, Rằm tháng Chạp là lễ sớm nhất, cũng là thời điểm đánh dấu sự tất bật cho một mùa Tết Nguyên Đán đã chính thức bắt đầu.
Kể từ Rằm tháng Chạp người Việt sẽ bắt tay vào chuẩn bị những vật dụng và nghi lễ cần thiết để hoàn tất năm cũ và đón năm mới.
Theo quan niệm văn hóa dân gian, tháng Chạp (tức tháng 12 âm lịch, tháng cuối năm) là tháng hay bị xui xẻo, là tháng có thể dễ mất mát tiền của, hay bị tai bay vạ gió. Chính vì vậy, tháng Chạp còn có tên gọi khác là tháng củ mật, nhiều người hao của vì những lý do không đâu.
Do đó, xưa nay, nhiều gia đình đã sắp xếp mâm cỗ cúng rằm tháng Chạp rất cẩn thận với hi vọng tai qua nạn khỏi, hết tai bay vạ gió.
Tùy theo từng tập tục của mỗi địa phương mà lễ cúng rằm tháng Chạp lại có những quy định, thay đổi về thời gian khấn hay đồ lễ cúng khấn.
Các loại quả nên có như: như táo, cam, dưa hấu, chuối…. Các loại hoa thường dùng là hoa huệ và hoa cúc, hai loài hoa được coi là có ý nghĩa tâm linh đặc biệt.
Đối với lễ mặn: sẽ có những món đặc trưng cho ngày Tết như xôi gấc tượng trưng cho sự may mắn, gà luộc đại diện cho sự sung túc, giò chả, nem rán, các món xào, món canh măng miến hoặc có thể thêm bánh chưng...
Lưu ý gà cúng phải chọn gà trống, tốt nhất là gà trống choai. Sở dĩ chọn gà này bởi quan niệm của người Việt từ bao đời cho rằng, gà trống chính là biểu tượng của đức tính Trí, Dũng, Nhân.