Mái ấm của những học sinh vùng cao

GD&TĐ - Những năm qua, mô hình trường PTDT bán trú cho học sinh đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, là mái ấm của học sinh vùng cao huyện Bình Gia.

Trường PTDTBT Tiểu học & THCS Bình La đang được đầu tư xây dựng 6 phòng học chức năng
Trường PTDTBT Tiểu học & THCS Bình La đang được đầu tư xây dựng 6 phòng học chức năng

Chăm lo cho các em từ bữa ăn giấc ngủ

Năm học 2023-2024, trường PTDT bán trú THCS Thiện Hòa, xã Thiện Hoà, huyện Bình Gia có 182 em học sinh thì có 142 em học sinh thuộc diện bán trú được hỗ trợ theo Nghị định 116 của Chính phủ. Hầu hết học sinh bán trú của nhà trường đều ở cách xa từ 5 - 10 km.

Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cho học sinh ở bán trú, làm sao để các em có những bữa ăn ngon, đầy đủ, sạch sẽ luôn được quan tâm, chất lượng bữa ăn phải được bảo đảm dinh dưỡng và thực đơn được thay đổi theo ngày. Nhờ vậy, chất lượng học sinh được tăng lên, đảm bảo việc duy trì sĩ số, nhiều năm không có học sinh bỏ học.

Các em học sinh trường PTDT bán trú THCS Thiện Hòa chăm sóc vườn rau ngoài giờ lên lớp

Các em học sinh trường PTDT bán trú THCS Thiện Hòa chăm sóc vườn rau ngoài giờ lên lớp

Theo thầy giáo Lý Văn Thơ, Hiệu trưởng trường PTDT bán trú THCS Thiện Hòa, huyện Bình Gia cho hay: “Nhà trường phân công thầy cô luân phiên quản lý học sinh, toàn bộ thời gian các em ở trường có lên lịch cụ thể. Từ giờ lên lớp, giờ tự quản, giờ nào thức dậy, vệ sinh cá nhân, giờ nào thể dục thể thao, tham gia vệ sinh môi trường… Các thầy cô giáo cũng rất vất vả vì ngoài giảng dạy trên lớp nhưng các thầy cô giống như người cha, người mẹ hỗ trợ hướng dẫn các em.”

Góp phần nâng cao chất lượng giáo dục

Hiện nay, các trường PTDT bán trú trên địa bàn huyện Bình Gia đang thực hiện theo Quyết định 16 ngày 5/5/2006 của Bộ GD&ĐT và Chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018, với 100% trường PTDTBT tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

Kế hoạch dạy học 2 buổi/ngày được xây dựng lồng ghép trong kế hoạch giáo dục tổng thể và thực hiện theo thời khóa biểu chính khóa. Việc dạy học 2 buổi/ngày đã có tác dụng quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đại trà nói chung, giáo dục mũi nhọn nói riêng của các nhà trường.

Thầy giáo Hoàng Văn Huân, Hiệu trưởng trường PTDT bán trú Tiểu học & THCS Bình La, xã Bình La, huyện Bình Gia cho biết: Với đặc thù học sinh vùng kinh tế – xã hội khó khăn, tỉ lệ học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo ở mức cao. Do đó, ngoài việc thi đua dạy tốt chúng tôi luôn động viên các em vượt khó vươn lên trong học tập. Nhờ đó, năm học 2023 – 2024, tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1; tỷ lệ học sinh các khối ra lớp đạt 100%, tỷ lệ học sinh tiểu học xếp loại xuất sắc đạt 29%, cấp THCS đạt 56%. Chất lượng giáo dục mũi nhọn không ngừng được nâng lên.

Năm học 2023 – 2024, huyện Bình Gia có 54 trường Tiểu học và THCS, là địa phương có số trường bán trú nhiều nhất tỉnh. Ông Nông Minh Nhường, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Bình Gia cho biết: Hằng năm, phòng đều tham mưu UBND huyện chỉ đạo các xã thành lập hội đồng xét duyệt học sinh bán trú gồm đầy đủ các thành phần theo quy định. Sau khi xét tuyển, các em học sinh khi học tập tại trường đều được thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ miễn giảm học phí, hỗ trợ gạo, hỗ trợ tiền ăn, ở theo quy định của Nhà nước. Góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp và nếp sống tự lập cho học sinh.

Với những học sinh ở huyện miền núi Bình Gia, ngôi trường bán trú chính là ngôi nhà thứ hai, thầy cô như là những người cha, người mẹ, chăm lo từ bữa ăn, giấc ngủ, tận tình dạy dỗ, chỉ bảo ân cần để xây dựng cho các em một nền tảng vững chắc, tiếp bước cho những chặng tiếp theo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ