Buôn người và mại dâm
Campuchia là nơi quá cảnh, điểm đến và cũng là nguồn cung cấp lớn của những kẻ buôn người. Bên cạnh những băng đảng mafia quy mô, có tổ chức, nhiều người dân bình thường cũng tham gia hoạt động tội phạm này. Đau xót hơn, chính cha mẹ, người thân, bạn bè hay hàng xóm là người bán những đứa trẻ cho các tổ chức mafia.
Luật pháp Campuchia coi buôn bán người là bất hợp pháp nhưng các hoạt động này vẫn diễn ra trước sự bất lực của các nhà chức trách.
Khi bán con, phần lớn các bậc cha mẹ nghèo đều cố tin rằng chúng sẽ được sống ở nơi tốt hơn, có việc làm ổn định hơn như giúp việc hoặc hầu bàn. Tuy nhiên, dù sớm hay muộn, phần lớn những đứa trẻ đều bị đưa tới các nhà thổ do những kẻ ma cô điều hành.
Theo một cuộc khảo sát của Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), 35% trong số 15.000 gái mại dâm ở Campuchia là trẻ em dưới 16 tuổi.
Trẻ em gái bị bắt bán dâm trong khi trẻ em trai bị buộc phải lao động khổ sai trong các ngành nông nghiệp, khai thác thủy sản và xây dựng. Nhiều đứa trẻ bị buộc đi ăn xin và bán hàng rong ở các khu đô thị của Campuchia.
Mafia Campuchia sử dụng các biện pháp như bỏ đói, giam hãm và đánh đập để bắt nạn nhân tuân thủ việc bán dâm. Sreypov Chan, một nạn nhân từng bị ép làm gái mại dâm khi chưa đầy 10 tuổi, kể:
“Đêm đầu tiên trong nhà chứa, tôi bị nhốt trong căn phòng tối om, ẩm thấp với đầy côn trùng dưới sàn. Tôi đã khóc và đập cửa để cầu xin được thả nhưng đó chỉ là hành động vô nghĩa”.
Gái mại dâm ngồi chờ khách trong một quán karaoke ở Phnom Penh. Ảnh: CNN |
Mọi cô gái rơi vào động quỷ sẽ bị đánh đập tàn bạo nếu không chịu nghe lời những kẻ điều hành nhà chứa. Nhiều người bỏ trốn nhưng phần lớn đều bị bắt lại vì họ không thể đi đâu.
Khi bị đưa trở lại nơi “địa ngục trần gian”, họ sẽ phải đối mặt với nhục hình đáng sợ như bị bỏ đói, chích roi điện, xát ớt vào vùng kín hay bị cưỡng bức tập thể bởi những tên ma cô bảo kê khu nhà thổ.
Những biện pháp tra tấn đáng sợ khiến hầu hết nạn nhân đều cam chịu sống kiếp tủi nhục dù họ phải tiếp tới 20 khách mỗi ngày và hoàn toàn không có ngày nghỉ.
Những cô gái này không nhận được một đồng thù lao và phải làm việc gần như cả ngày. Phần lớn cuộc sống của họ chỉ gói gọn trong những khu nhà chứa tối tăm, bẩn thỉu, nơi gần như không có ánh nắng mặt trời.
Khách hàng chính trong các nhà chứa ở Campuchia là đàn ông địa phương và số lượng đáng kể du khách nước ngoài, chủ yếu tới từ Mỹ và châu Âu.
Một bé gái bị chính cha mẹ ruột bán cho những kẻ buôn người. Cô bé may mắn được một tổ chức bảo vệ trẻ em phát hiện và cưu mang. Ảnh: Barenakedislam.com |
Trong những năm gần đây, truyền thông phương Tây liên tiếp đề cập tới câu chuyện cuộc đời của những thiếu nữ may mắn thoát khỏi động quỷ.
Các tổ chức bảo vệ trẻ em quốc tế đã bắt đầu thành lập những trung tâm phúc lợi ở Campuchia nhằm cứu giúp nạn nhân của những kẻ buôn người, hỗ trợ họ tái hòa nhập cộng đồng.
Những đứa trẻ ăn xin hay bán sách hoặc đồ dùng trên đường phố là hệ lụy của nạn buôn người ở Campuchia. Chúng từ những đứa trẻ có cha, có mẹ bỗng trở thành vô gia cư sau khi lọt vào tay bọn buôn người. Những đứa trẻ bị đẩy ra đường và trở thành công cụ kiếm tiền của kẻ đã mua chúng.
Những đứa trẻ bán hàng rong chờ du khách ở danh thắng Angkor Wat. Ảnh: hangesinlongitude.com |
Cuộc sống lăn lộn mưu sinh khiến lũ trẻ hành động như những tên du côn thực sự. Chúng gây ra rất nhiều phiền hà cho du khách. Johnny Vagabond, một blogger về du lịch người Mỹ, không khỏi choáng váng khi đối đầu với những mafia nhí trên đường phố ở Campuchia.
Những đứa trẻ dai dẳng đeo bám Vagabond và ngay lập tức gây áp lực cho du khách Mỹ khi có cơ hội. Dường như việc thỏa hiệp với chúng không mang lại hiệu quả bởi càng nhượng bộ, họ sẽ càng bị chúng lấn tới.
Tương lai mù mịt cùng cách hành xử đậm chất xã hội đen của những đứa trẻ có thể tạo ra một lứa mafia mới ở Campuchia khi chúng trưởng thành. Mafia nhí là một phần thách thức mà chính phủ Campuchia cần giải quyết nhằm ngăn chặn những tệ nạn nhức nhối của quốc gia.