Hỗn loạn ở Kinh đô ánh sáng
Cuối tuần qua, khoảng 36.000 người đã tham gia biểu tình trên toàn nước Pháp. Người biểu tình đụng độ với cảnh sát, đâm xe ô tô, chắn giữ các tuyến đường và đốt rào chắn.
Từ những bất đồng về giá xăng và thuế sinh thái tăng cao đã chuyển thành một cuộc biểu tình rộng lớn chống lại Macron và chính phủ của ông, gây thêm sự căng thẳng giữa người dân sống ở đô thị và người nghèo nông thôn.
Phát biểu trên đài phát thanh Europe 1 của Pháp hôm Chủ nhật, phát ngôn viên Benjamin Griveaux cho biết, chính phủ đang xem xét “tất cả các lựa chọn” để ngăn chặn “bạo lực nghiêm trọng”, bao gồm cả việc ban hành tình trạng khẩn cấp. Ông Griveaux cho biết có từ 1.000 đến 1.500 người tham gia biểu tình “chỉ để gây sự với cảnh sát, đốt phá và cướp bóc”. Ông nói thêm rằng, những người biểu tình mặc “những chiếc áo khoác màu vàng không có ý nghĩa gì”. Những người biểu tình đều mặc áo ghi lê màu vàng, vốn là những chiếc áo có khả năng hiển thị màu nhờ dạ quang. Người dân Pháp được yêu cầu mang loại áo này trong xe vì lý do an toàn và sử dụng trong trường hợp xe của họ bị hỏng.
Gần 400 người đã bị bắt trong các cuộc bạo loạn hôm thứ Bảy, một số người dự kiến sẽ sớm phải hầu tòa. Để phản ứng với tình hình nóng bỏng, ông Macron đã yêu cầu Bộ Nội vụ phát triển một kế hoạch chính trị để đối phó với bất kỳ cuộc biểu tình nào có nguy cơ xảy ra.
“Nóng” vì giá xăng dầu
Thoạt đầu, các cuộc biểu tình hình thành nhằm phản đối giá nhiên liệu tăng cao. Theo UFIP, Liên đoàn công nghiệp dầu mỏ của Pháp, giá dầu diesel đã tăng 16% trong năm nay từ mức trung bình 1,24 euro (1,41 USD) / lít lên 1,48 euro (1,69 USD), thậm chí đạt 1,53 euro trong tháng 10. Việc tăng giá phần lớn là do giá dầu bán buôn tăng vọt, với dầu thô Brent - một tiêu chuẩn cho việc mua dầu trên toàn thế giới - tăng hơn 20% trong nửa đầu năm 2018 từ mức 60 USD/thùng đến đỉnh là 86,07 USD vào đầu tháng Mười.
Thay vì OPEC, tổ chức đã giảm sản xuất dầu mỏ, hay Mỹ, nước đã áp đặt thuế quan đối với Iran, làm tê liệt xuất khẩu dầu, ông Macron đã phải gánh chịu sự giận dữ của những người biểu tình. Nhiều người biểu tình cũng bày tỏ thái độ bất bình với Tổng thống về việc mở rộng các chính sách môi trường do cựu Tổng thống François Hollande thực hiện lần đầu tiên.
Cuối tuần, các cuộc biểu tình ở thủ đô nước Pháp dần có xu hướng bạo lực, khi ô tô bị đốt và một số người dân bị tấn công. Cổng vòm Arc de Triomphe nổi tiếng của thành phố cũng bị phá hoại và bị bôi vẽ với khẩu hiệu ủng hộ phong trào “áo vest màu vàng”, cũng như những lời chỉ trích của một số người rằng ông Macron là “Tổng thống của người giàu”.
Trở về Paris từ cuộc họp G20, ông Macron ngay lập tức đến thăm đài tưởng niệm chiến tranh và vinh danh ngôi mộ của những người lính vô danh. Ông cũng đã gặp các sĩ quan cảnh sát và nhân viên cứu hỏa, những người đã làm việc để ngăn chặn các cuộc biểu tình. Ông Macron cũng đã tổ chức một cuộc họp an ninh khẩn cấp với các quan chức hàng đầu. Trong một tuyên bố bằng văn bản, ông đã vinh danh các đội thực thi pháp luật và các đội cứu hộ, đồng thời cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc theo dõi tư pháp để không một hành vi vi phạm nào không bị trừng phạt.
Bắt những kẻ phá phách phải trả giá
Bộ trưởng Tư pháp Pháp Nicole Belloubet nói rằng, tình trạng bất ổn là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”, nhưng cũng nói thêm rằng, bà sẽ không đề nghị công bố tình trạng khẩn cấp, và nhấn mạnh rằng có “lựa chọn thay thế” mà không làm rõ những gì khác đang được xem xét.
“Đây không chỉ là những hành động tuyệt đối không thể chấp nhận được ở nước cộng hòa của chúng tôi, mà còn cả những tội phạm như xâm phạm Cổng Arc de Triomphe, đốt phá đã có 55 xe và một số tòa nhà bị đốt cháy, tấn công vào người dân. Thậm chí tôi nghĩ rằng có cả những vụ hãm hiếp. Đây là những yếu tố không thể chấp nhận được ở nước cộng hòa của chúng tôi”.
Công tố viên của Paris, Remy Heitz, cho rằng trong số những người biểu tình có những người từ khắp nơi trên nước Pháp đã tới Paris với mục đích rõ ràng chỉ để gây rắc rối. Ông nói thêm rằng, các nhà chức trách sẽ giải quyết một cách cứng rắn nhất đối với những người đã tham gia các cuộc biểu tình chỉ để thực hiện các hành vi bạo lực.