'Mách nước' cho người học IELTS

GD&TĐ - Trong nhiều năm trở lại đây, chứng chỉ IELTS như là “tấm vé thông hành” giúp thí sinh tăng cơ hội trúng tuyển vào trường đại học mơ ước.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Cao Lộc (Lạng Sơn), nghiên cứu phương án tuyển sinh của các trường đại học. Ảnh: NVCC
Học sinh lớp 12 Trường THPT Cao Lộc (Lạng Sơn), nghiên cứu phương án tuyển sinh của các trường đại học. Ảnh: NVCC

Thế nhưng, thí sinh cũng cần biết cân đối thời gian, bảo vệ sức khỏe để không ảnh hưởng đến kết quả kỳ thi quan trọng tốt nghiệp THPT.

Đừng tạo áp lực quá lớn

Mùa tuyển sinh năm 2024, nhiều trường đại học, trong đó có trường tốp đầu tiếp tục ưu tiên xét tuyển thí sinh có chứng chỉ IELTS. Tùy vào từng trường mà cách thức xét tuyển có sự khác nhau. Có trường tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ IELTS từ 5.5 kết hợp với kết quả học tập bậc THPT, có trường cho phép thí sinh quy đổi điểm chứng chỉ IELTS thành điểm môn Ngoại ngữ trong xét tuyển…

Việc sử dụng chứng chỉ IELTS để tuyển sinh được nhiều trường lựa chọn nên thí sinh có thêm cơ hội vào trường đại học lớn ngoài Kỳ thi tốt nghiệp THPT hay tham gia kỳ thi đánh giá năng lực. Bởi vậy nhiều thí sinh lựa chọn học, ôn thi loại chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế này, có em đã sở hữu chứng chỉ IELTS trên 6.5 ngay từ năm lớp 10, lớp 11.

Phạm Hồng Khánh, cựu học sinh Trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội, hiện là sinh viên năm nhất Trường Đại học Ngoại thương chia sẻ, ngay từ khi còn học tập bậc THPT, em đã tận dụng thời gian học và thi chứng chỉ IELTS. Bên cạnh đó năm lớp 12, Hồng Khánh có thêm thành tích là học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ văn (giải Nhì), cầm trong tay một suất tuyển thẳng vào các trường đại học, nhưng em không từ bỏ các cơ hội khác, trong đó có sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.

Từ những kinh nghiệm học, ôn thi mình đã có, Hồng Khánh chia sẻ: “Nếu các bạn muốn sử dụng thêm phương án xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ thì cần xác định sớm để có định hướng học từ những năm đầu cấp và đầu tư sớm sẽ có được kết quả như mong muốn. Song song với đó, các bạn có thể tham khảo yêu cầu của trường đại học mình dự định xét tuyển có những phương án tuyển sinh nào? Yêu cầu các chứng chỉ ngoại ngữ ở mức độ nào”.

Khánh cho rằng, hiện nay, đa số thí sinh có xu hướng học, ôn thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (trong đó có IELTS) từ rất sớm. Điều này giúp các bạn tăng thời gian học tập, giảm áp lực học dồn lượng kiến thức nặng. Song, có một lưu ý mà nhiều thí sinh quên mất, thời hạn sử dụng của chứng chỉ ngoại ngữ thường là 2 năm, do đó các bạn có thể cân nhắc thời điểm thi để khi xét tuyển thì vẫn còn đủ hạn, tránh việc mất cơ hội trúng tuyển vào ngôi trường mơ ước.

“Thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế sớm và sử dụng làm căn cứ xét tuyển đại học cũng giúp các bạn giảm áp lực ôn thi vào những tháng cuối cùng. Nếu kết quả chưa được như mong muốn, các bạn vẫn có thời gian để thi lại. Cho dù hiện nay các trường sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để xét tuyển, bạn cũng không nên quan trọng hóa chứng chỉ ngoại ngữ mà tự tạo áp lực quá lớn làm bản thân thêm căng thẳng”, Hồng Khánh nhắn nhủ.

Với kinh nghiệm học IELTS của mình, cô sinh viên năm nhất Trường ĐH Ngoại thương chia sẻ, mỗi thí sinh nên dành một khoảng thời gian cố định cho việc học ngoại ngữ. Điều này sẽ giúp não bộ hình thành thói quen là dùng thời gian đó để tập trung, ghi nhớ tốt hơn. Ngoài ra, cần phân chia thời gian hợp lý và biết cách sắp xếp việc quan trọng, ưu tiên khi ôn thi đã giúp em không ôm đồm nhiều việc và những kiến thức chưa cần thiết.

Theo Hồng Khánh, việc học, ôn thi chứng chỉ IELTS so với học môn Tiếng Anh trên trường tuy nội dung học không giống nhau nhưng có nhiều điểm chung cần đạt như kĩ năng đọc, mở rộng vốn từ...

Do đó, việc xác định học và thi lấy chứng chỉ tiếng Anh IELTS trong khoảng từ năm cuối lớp 10 đầu 11 sẽ tạo lợi thế cho người học. Đặc biệt thời gian nghỉ hè, không phải học ở trường các bạn có thể tận dụng thời gian nghỉ đó để học tiếng Anh, rèn luyện các kĩ năng cho 4 phần thi reading (đọc), listening (nghe), speaking (nói), writing (viết).

Nguyễn Thị Thảo Vân làm việc tại Công ty cổ phần tư vấn sáng tạo Aurora (Hà Nội). Ảnh: NVCC

Nguyễn Thị Thảo Vân làm việc tại Công ty cổ phần tư vấn sáng tạo Aurora (Hà Nội). Ảnh: NVCC

Không nên đặt kỳ vọng quá cao

Chị Nguyễn Thị Thảo Vân, cựu học sinh chuyên Anh, Trường THPT chuyên Hà Tĩnh, hiện làm việc tại Công ty Cổ phần tư vấn sáng tạo Aurora (Hà Nội) chia sẻ, trước kia, để có thêm cơ hội cộng điểm và xét tuyển vào một số ngành mình dự định đăng ký, chị đã dành thời gian ôn thi thêm chứng chỉ IELTS.

Xuất phát điểm từ lớp chuyên Anh, chị Thảo Vân đánh giá, bản thân có lợi thế hơn bạn bè đồng trang lứa khi tiếp cận sớm với những kiến thức, dạng đề thi loại chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế này.

Song, trong quá trình học tập, ôn thi chị vẫn gặp phải không ít áp lực như cân bằng việc học ở trường, học thêm và học IELTS, cố gắng sắp xếp, phân bổ thời gian học cho phù hợp. Sau thời gian nỗ lực, chị Thảo Vân đã thi được chứng chỉ IELST 6.5 và được tuyển thẳng vào Trường Đại học Ngoại thương.

“Sau kỳ nghỉ Tết năm lớp 12, tôi tập trung hết khả năng để ôn thi IELTS. Việc sở hữu chứng chỉ giúp học sinh có thêm một cơ hội để đỗ vào trường đại học mơ ước nhưng đây không phải là cơ hội duy nhất. Bởi hiện nay, có những phương thức xét tuyển sớm cơ hội cao, thí sinh không nên tự gây áp lực cho mình về việc mình phải có chứng chỉ ngoại ngữ cao mới đỗ vào đại học.

Bên cạnh đó, các bạn cần cân đối khả năng, thời gian cũng như sức khoẻ của mình trong năm cuối cấp, đặc biệt là thời gian ôn thi nước rút để không ảnh hưởng đến kết quả các kỳ thi khác”, chị Thảo Vân chia sẻ.

“Để nâng cao bốn kỹ năng bạn có thể nghe nhạc, đọc sách, nghe podcast bằng tiếng Anh để cải thiện các kỹ năng. May mắn mình thi lần 1 đã đạt điểm số như mong muốn là IELTS 6.5, đủ điều kiện xét tuyển bằng nhiều hình thức vào nhiều trường đại học khác nhau nên dừng ở đó”, Phạm Hồng Khánh, sinh viên năm nhất Trường Đại học Ngoại thương chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.