Mức độ tích hợp được thể hiện ở ba cấp độ: tích hợp nội môn (trong từng nội dung giáo dục lịch sử và giáo dục địa lí); tích hợp nội dung lịch sử trong những phần phù hợp của bài Địa lí và tích hợp nội dung địa lí trong những phần phù hợp của bài Lịch sử; tích hợp theo các chủ đề chung.
Mạch nội dung của phân môn Lịch sử được sắp xếp theo logic thời gian lịch sử từ thời nguyên thuỷ, qua cổ đại, trung đại, đến cận đại và hiện đại.
Trong từng thời kì, không gian lịch sử được tái hiện từ lịch sử thế giới, khu vực đến Việt Nam để đối chiếu, lí giải, làm sáng rõ những vấn đề lịch sử.
Mạch nội dung của phân môn Địa lí được sắp xếp theo logic không gian là chủ đạo, đi từ địa lí tự nhiên đại cương đến địa lí các châu lục, sau đó tập trung vào các nội dung của địa lí tự nhiên Việt Nam, địa lí dân cư và địa lí kinh tế Việt Nam.
Mặc dù hai mạch nội dung được sắp xếp theo logic khác nhau, nhưng nhiều nội dung dạy học liên quan được bố trí gần nhau để hỗ trợ nhau. Bốn chủ đề chung mang tính tích hợp cao được phân phối phù hợp với mạch nội dung chính của mỗi lớp.
Việc xây dựng chủ đề chung, tích hợp lịch sử - địa lí dựa trên những nội dung gần nhau, giao nhau. Trong chương trình môn Lịch sử và Địa lí, các chủ đề được lựa chọn là: Các cuộc đại phát kiến địa lí; Đô thị: Lịch sử và hiện tại; Văn minh châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long; Bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông.
Dạy học các chủ đề tích hợp lịch sử - địa lí là tạo ra không gian môn học, ở đó học sinh có thể vận dụng các khái niệm cơ bản của lịch sử và địa lí, tìm hiểu thêm các tư liệu lịch sử và địa lí dưới sự hướng dẫn của giáo viên, rèn luyện tư duy lịch sử và tư duy địa lí.
Định hướng phương pháp hình thành, phát triển năng lực lịch sử, địa lí
Năng lực lịch sử của học sinh được hình thành, phát triển thông qua việc tổ chức, hướng dẫn học sinh đọc hiểu, giải mã các văn bản lịch sử (kênh hình, kênh chữ, hiện vật lịch sử,...), từ đó tái hiện quá khứ, nhận thức sự thật lịch sử, đưa ra suy luận, đánh giá về bối cảnh, nguồn gốc, sự tiến hoá của sự kiện, hiện tượng, nhân vật lịch sử và quá trình phát triển lịch sử; trở thành “người đóng vai lịch sử”, hay “người làm lịch sử” để khám phá kiến thức lịch sử, vận dụng sáng tạo những hiểu biết về lịch sử, văn hoá, xã hội Việt Nam và thế giới vào các tình huống học tập và thực tiễn cuộc sống.
Để hình thành, phát triển năng lực địa lí cho học sinh, giáo viên lựa chọn các kiến thức thực tế tiêu biểu, sử dụng hiệu quả các phương tiện trực quan như mô hình, bản đồ, video clip,… để hình thành các biểu tượng địa lí;… hướng dẫn học sinh học từ thấp đến cao về các mối liên hệ và quan hệ nhân quả diễn ra trong thiên nhiên, trong xã hội và trong mối quan hệ giữa xã hội, con người và môi trường.
Để hình thành, phát triển năng lực địa lí cho học sinh, giáo viên hướng dẫn học sinh tham gia vào quá trình tìm kiếm, sắp xếp, phân tích thông tin bằng cách khai thác tri thức từ các nguồn tư liệu bản đồ, biểu đồ, sơ đồ, hình ảnh, số liệu,… kết hợp với quan sát thực địa; chú trọng phát triển tư duy không gian, với các câu hỏi: “Cái gì?”, “Ở đâu?”, “Như thế nào?”, “Các hình mẫu không gian?”, “Các đặc trưng của một địa phương, quốc gia?”; khơi dậy và nuôi dưỡng trí tò mò, sự ham hiểu biết khám phá của học sinh đối với thiên nhiên và đời sống xã hội, thái độ tích cực đối với phát triển bền vững; rèn luyện khả năng và thói quen liên hệ với thực tế địa phương, đất nước để phát triển tư duy địa lí;…
Một trong những biện pháp quan trọng nhất để học địa lí là rèn luyện kĩ năng sử dụng các công cụ học tập như: bản đồ, atlat, biểu đồ, bảng số liệu thống kê, một số ứng dụng trong điện thoại như la bàn, bản đồ chỉ đường, hệ thống định vị toàn cầu, nhiệt kế, ẩm kế, khí áp kế,… tranh ảnh, đĩa DVD tra cứu các tài liệu đa phương thức, sách e-book,...
Các hình thức tổ chức dạy học cũng cần được đa dạng hoá: kết hợp các hình thức học cá nhân, học nhóm, học ở lớp, trên thực địa, học theo dự án học tập,...
Đánh giá kết quả giáo dục
Đánh giá kết quả giáo dục trong chương trình môn Lịch sử và Địa lí phải bảo đảm các yêu cầu sau:
Mục tiêu đánh giá là cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, có giá trị về mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình môn Lịch sử và Địa lí và sự tiến bộ của học sinh để hướng dẫn, điều chỉnh hoạt động dạy của giáo viên và hoạt động học của học sinh.
Căn cứ đánh giá là yêu cầu cần đạt về phẩm chất chủ yếu, năng lực chung và năng lực đặc thù lịch sử và địa lí được qui định trong Chương trình tổng thể và chương trình môn Lịch sử và Địa lí;
Bên cạnh nội dung lí thuyết, cần tăng cường đánh giá các kĩ năng của học sinh như: làm việc với bản đồ, atlat, biểu đồ, sơ đồ, bảng số liệu, tranh ảnh, quan sát, thu thập, xử lí và hệ thống hoá thông tin, sử dụng các dụng cụ học tập ngoài trời, sử dụng công nghệ và thông tin truyền thông trong học tập,... Đánh giá khả năng vận dụng tri thức vào những tình huống cụ thể, không lấy việc kiểm tra khả năng tái hiện kiến thức lịch sử hay địa lí làm trung tâm của việc đánh giá.
Đa dạng hóa các hình thức đánh giá, tăng cường đánh giá thường xuyên đối với tất cả học sinh bằng các hình thức khác nhau: đánh giá qua việc quan sát các hoạt động trên lớp; đánh giá qua hồ sơ học tập, sản phẩm học tập; đánh giá qua báo cáo kết quả thực hiện dự án học tập, báo cáo kết quả thực hành, bài thuyết trình về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập. Tạo điều kiện để học sinh được tham gia vào quá trình đánh giá kết quả giáo dục.
Kết quả giáo dục được đánh giá bằng các hình thức định tính và định lượng thông qua đánh giá thường xuyên, định kì, trên cơ sở đó tổng hợp việc đánh giá chung về phẩm chất, năng lực và sự tiến bộ của học sinh.