Di chuyển trẻ, đưa trẻ đi dạo
Có thể đung đưa bé nhè nhẹ trên tay, bế đi vòng quanh nhà, hoặc cho ngồi an toàn trong xe rồi chở đi chơi.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, trẻ 6 tuần tuổi được đưa ra ngoài hít thở khí trời từ 4-5 tiếng/ngày khóc ít hơn trẻ chỉ được đi chơi 2-3 tiếng. Sự gần gũi của bé với cha mẹ sẽ xoa dịu bé và còn giải phóng cả bản thân bạn khỏi những lo lắng trong nhà.
Đưa bé đi dạo sẽ xoa dịu tâm trạng bất ổn của bé, khiến bé bớt quấy khóc (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)
Việc thay đổi cảnh quan (trong nhà hoặc ngoài trời) sẽ xoa dịu một đứa bé đang bất ổn. Bé sẽ để ý vào không gian mới mà quên đi cảm giác khó chịu.
Thay tã lót cho trẻ khi cần
Giữ cơ thể bé luôn được vệ sinh sạch sẽ, nhất là khi “tè” ướt tã lót hoặc quần áo bị ẩm ướt. Làn da được thoáng mát sẽ làm trẻ luôn cảm thấy dễ chịu thoải mái và ít quấy khóc.
Cho bé bú
Cho trẻ bú thêm một cữ sữa nữa hoặc cho bú mẹ thêm. Cũng có thể cho bé uống thêm nước, hoặc thay đổi núm vú bình sữa, giúp trẻ quên đi cơn khóc.
Cho bé ăn nhẹ có khả năng xoa dịu khi bé sắp quấy (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)
Luôn đem theo đồ uống dự phòng hoặc thức ăn nhẹ khi đi đâu đó. Bé quấy khóc có thể vì đói hoặc khát, cho bé ăn nhẹ có khả năng xoa dịu khi bé sắp quấy.
Dừng lại và thả lỏng
Trẻ con rất dễ hòa nhập với bạn và cảm xúc của bạn. Do đó, cần chuẩn bị tinh thần khi thấy bé sắp quấy khóc. Nếu bạn khó chịu hay bực bội, điều đó chẳng ích gì cho hai mẹ con. Do đó, hít vài hơi thở sâu và tìm cách đánh lạc hướng cơn giận của bé. Sau đó khi chỉ còn lại một mình, hãy dỗ bé ngủ.
Thử vỗ về, ôm ấp trẻ, bế bé áp sát vào cơ thể bạn, xoa bóp cho trẻ để bé bớt cáu kỉnh (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)
Hạn chế mức độ của các kích thích
Một số trẻ quấy khóc là do bị kích thích quá mức. Giữ một môi trường an lành, tĩnh lặng có thể giúp trẻ dễ chịu. Thêm ghi chú về môi trường xung quanh trước và sau khi bé quấy khóc. Nếu có điểm gì đó lặp đi lặp lại, hãy tìm biện pháp ứng phó kịp thời.
Giữ im lặng
Cố gắng giảm tiếng ồn ở nhà. Một số bé rất nhạy cảm với kích thích giác quan và ở nhà có thể là chỗ ồn ào đáng kinh ngạc. Âm thanh tivi đang mở, tiếng ồn ào của đài phát thanh và chuông điện thoại có thể kết hợp khiến bé khó chịu.
Vì vậy, hãy tắt những vật không sử dụng để giảm tác động âm thanh.
Tạo một kích thích làm nền
Một số trẻ lại sử dụng kích thích để tự xoa dịu như nghe tiếng ồn lại cảm thấy dễ chịu hơn.
Nếu vậy, bạn có thể cho trẻ nghe âm thanh đều đều, êm dịu (như tiếng kêu nhè nhẹ của máy lạnh, tiếng mưa rơi đều đều…), hoặc tiếng mẹ ru con dập dìu, hay một bản nhạc êm dịu nào đó.
Đưa món đồ chơi mà bé rất thích
Đôi khi bé có thể cáu kỉnh một cách vô cớ. Nếu bạn đã cố gắng dỗ bé mà không xong, hãy để bé ở đó một lát. Tâm trạng bé cũng có thể dịu lại với một vật gì đó, nên hãy thử đưa bé món này món kia (đồ chơi chẳng hạn) để dỗ bé.
Đưa cho bé món đồ chơi yêu thích để dỗ bé (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)
Chẳng hạn cho trẻ ôm chú gấu bông mềm mại, chiếc gối ôm yêu thích, hay cho ngậm núm vú giả (chỉ ngậm tạm thời thôi), hoặc cho trẻ tắm nước ấm cũng là những cách giúp thư giãn.
Vỗ về, trò chuyện với trẻ
Đôi khi, hãy tạm ngưng lại những gì bạn đang làm để chơi với bé. Dành thời gian ôm ấp và hát cho bé nghe những bài bé thích. Sự dỗ dành và quan tâm của bạn sẽ làm bé quên đi cảm giác cáu kỉnh.
Khi bé khóc, hãy tìm cách làm bé xao lãng cơn khóc, trấn an hoặc chỉ cần bế trẻ lên rồi thủ thỉ cùng, giúp trẻ trấn tĩnh lại. Bạn hãy thử vỗ về, ôm ấp trẻ, bế bé áp sát vào cơ thể bạn, xoa bóp cho trẻ, hoặc quấn bé vào chăn ấm.
Giữ không gian trong lành
Bạn nên vệ sinh phòng ở của bé thường xuyên, sắp xếp đồ đạc khoa học để tạo cảm giác thông thoáng, an lành và dễ chịu cho bé.
Tắm nắng
Vào những ngày cuối tuần hay khi có thời gian rảnh rỗi bạn nên cho trẻ đi tắm nắng vào các buổi sáng từ 8-9 h. Việc này sẽ giúp bé nhà bạn ‘ngoan’ hơn trông thấy.
Ghi lại lịch trình ngủ của bé
Đôi khi một đứa trẻ tưởng như mắc chứng quấy khóc này nhưng trên thực tế lại bị rối loạn giấc ngủ. Bố mẹ hãy ghi chép về giấc ngủ của bé, chia thành các khoảng 30 phút và đánh dấu khi nào bé ăn, khi nào bé ngủ, khi nào bé khóc.
Cho bé ăn, ngủ theo lịch trình hợp lí, khoa học sẽ giúp bé bớt quấy khóc (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)
Nếu rối loạn giấc ngủ có thể là nguyên nhân, hãy giúp trẻ hình thành thói quen ngủ ngoan bằng một lịch trình kiên định, bình tĩnh và duy trì đều đặn như đặt bé xuống khi bé có dấu hiệu buồn ngủ nhưng vẫn đang thức.
Trẻ con phát triển mạnh về thói quen. Bé phải biết giờ ăn, ngủ và bạn nên duy trì việc ăn ngủ của bé vào một thời gian nhất định. Như thế, bé ít có khả năng “quậy” bất thình lình.
Cải thiện việc ăn uống
Các đợt khóc của trẻ có thể xảy ra ngay sau bữa ăn. Do đó, hãy tìm hiểu về tư thế của bé khi bú, việc bé được cho ăn vặt thay vì một bữa đầy đủ và sản lượng sữa mẹ …, từ đó tìm kiếm trợ giúp của chuyên gia nếu cần.
Cho trẻ ăn uống khoa học, cân bằng thực đơn hàng ngày của bé. Tránh ăn quá no hoặc quá đói có thể làm trẻ bớt quấy khóc.
Sau khi đã làm đủ cách mà bé vẫn không bớt quấy khóc, phụ huynh nên cho trẻ đi khám bác sĩ để xác định rõ nguyên nhân làm cháu quấy khóc và chọn lựa cách trị liệu phù hợp nhất.