Mắc bệnh hiếm, bé gái 18 tháng tuổi phải cắt 1 buồng trứng

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ngày 28/3, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, vừa tiếp nhận cấp cứu cho bé gái 18 tháng tuổi bị xoắn buồng trứng đơn thuần hiếm gặp.

Ảnh minh họa xoắn buồng trứng
Ảnh minh họa xoắn buồng trứng

Theo người nhà bệnh nhân, cách nhập viện 3 ngày, bệnh nhân H.T.U. (18 tháng, Quỳnh Lưu, Nghệ An) bị sốt cao trên 38,5 độ, quấy khóc. Người nhà cho bé uống thuốc hạ sốt tại nhà nhưng không đỡ nên đưa cháu đi khám tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.

Qua thăm khám, bác sĩ cho làm các cận lâm sàng để hỗ trợ chẩn đoán. Tại khoa Thăm dò chức năng, bác sĩ tiến hành siêu âm ổ bụng và phát hiện kích thước buồng trứng phải của bé là 3cm. Đây là kích thước bất thường, không phù hợp với độ tuổi của trẻ. Buồng trứng phải không còn thấy tín hiệu mạch máu nuôi dưỡng, nhu mô buồng trứng dày bất thường, các nang noãn bị đẩy ra ngoại vi, xung quanh có thâm nhiễm.

Hình ảnh trên siêu âm nghĩ đến một tình trạng buồng trứng bị xoắn đơn thuần, không tìm thấy các khối u buồng trứng liên quan.

Bệnh nhi được chuyển mổ cấp cứu, ê kíp khoa Ngoại Tổng hợp phẫu thuật nội soi tháo xoắn. Tuy nhiên, rất đáng tiếc là sau khoảng 30 phút tháo, buồng trứng phải không hồng trở lại. Xác định do phát hiện quá muộn, buồng trứng bệnh nhân đã bị hoại tử, không thể phục hồi, bác sỹ bắt buộc phải cắt bỏ buồng trứng bên phải.

Các bác sĩ tại Bệnh viện Sản nhi Nghệ An cho biết, xoắn buồng trứng có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng ít gặp ở trẻ nhỏ, và tình trạng xoắn buồng trứng đơn thuần rất hiếm gặp so với xoắn nang buồng trứng.

Theo thống kê của Mỹ, tỷ lệ mắc bệnh ước tính khoảng 4,9 trường hợp trên 100.000 trẻ mỗi năm, chiếm 3% trong số các ca đau bụng cần phẫu thuật. Hiện, chưa có thống kê đầy đủ về tỷ lệ mắc ở trẻ dưới 1-2 tuổi, tuy nhiên, thực tế trong thăm khám lâm sàng tại Việt Nam rất ít ghi nhận xoắn buồng trứng ở độ tuổi này.

Các đây 1 năm, tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An ghi nhận ca xoắn buồng trứng ở trẻ 3 tháng tuổi.

Các trường hợp xoắn buồng trứng cần được phát hiện, phẫu thuật tháo xoắn tốt nhất trong 6 giờ kể từ khi xảy ra triệu chứng. Quá thời gian này, buồng trứng có thể bị thiếu máu dẫn đến hoại tử, phải cắt bỏ, để lại những hệ quả, ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe sinh sản của trẻ khi trưởng thành.

Việc chẩn đoán xoắn buồng trứng ở trẻ nhỏ rất khó khăn vì trẻ chưa biết nói, không hợp tác trong quá trình thăm khám. Do đó, chuyên gia khuyến cáo cha mẹ khi phát hiện ra con có các dấu hiệu như ăn kém, bỏ bú, quấy khóc nhiều, sốt, chướng bụng, nôn... thì cần đưa ngay tới cơ sở chuyên khoa để thăm khám.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ