Ma lực của tiền ảo

GD&TĐ - Giá trị tăng vọt của tiền ảo bitcoin (có thời điểm 1 bitcoin có giá trị 5.000 USD) đã tạo nên cơn sốt “đào” bitcoin tại nhiều nước trên thế giới. Để “đào” bitcoin đòi hỏi đầu tư dàn máy tính cấu hình cao, điện năng tiêu thụ lớn, thậm chí có thể vướng vòng lao lí như tại Venezuela…

Ma lực của tiền ảo

Khi tiền ảo thành phao cứu sinh

Tiền ảo kiểu như bitcoin vốn được coi là một sự đầu tư rủi ro (không có gì bảo đảm giá trị bền vững cho tiền ảo), nhưng tại những nơi như Venezuela - “đào” tiền ảo còn là “nghề nguy hiểm”.

Hàng nghìn người Venezuela đã bí mật “đào” loại tiền này với lí do đơn giản là vì miếng cơm manh áo. Tại một quốc gia mà mọi yếu tố đều chìm nghỉm thì sự tăng giá của bitcoin giống như chiếc phao cứu sinh với họ.

Venezuela từng là quốc gia thịnh vượng nhất tại Nam Mỹ nhưng giờ đang lún sâu trong khủng hoảng, đứng bên bờ vực nội chiến. Những cuộc biểu tình biến thành bạo lực đẫm máu làm tê liệt các trung tâm đô thị. Quốc gia này trở thành con nợ lớn nhất thế giới. Thực phẩm và nhu yếu phẩm hiếm hoi, ngay cả kem đánh răng và giấy vệ sinh cũng phải phân phối… Bức tranh kinh tế tương lai ngày càng ảm đạm khi tỉ lệ lạm phạt cao nhất hành tinh. Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự kiến giá cả tại Venezuela tăng hơn 1.100% trong năm nay.

Đồng nội tệ của Venezuela - bolivar - rớt giá tự do, từ năm 2012 đến nay mất 99,4% giá trị. Nhưng bitcoin thì ngược lại, đồng tiền ảo này miễn nhiễm với nền kinh tế chìm đắm tại Venezuela và điều đặc biệt là người ta có thể “đào” được nó ngay tại nhà mình.

Chấp nhận canh bạc nhiều rủi ro

Một người “đào” bitcoin giấu tên cho biết mỗi tháng kiếm được khoảng 120 USD từ “đào” bitcoin, chiếm khoảng 80% thu nhập. Anh này dùng khoản tiền ảo đó để thanh toán mua các nhu yếu phẩm như xà phòng, dầu gội… trên các trang thương mại điện tử - sau đó hàng được chuyển từ Miami, Mỹ, tới văn phòng. Những người có bitcoin có thể đặt mua tân dược hiếm như insulin từ nước ngoài.

Tuy nhiên mọi chuyện không phải đều màu hồng với những người “đào” bitcoin. Đào tiền ảo tại Venezuela không phải là hành vi bất hợp pháp nhưng những người “đào” bitcoin lại đối diện với lao lí vì những tội danh khác.

Năm 2016, 2 người “đào” bitcoin bị bắt với tội danh trộm năng lượng và tàng trữ hàng lậu. Số người bị bắt và những vụ bố ráp nhằm vào dân “đào” bitcoin cũng tăng dần kể từ đó. Một số thợ “đào” bitcoin cho rằng chính phủ Venezuela nhìn nhận tiền ảo là mối đe dọa với đồng nội tệ bolivar vốn đang mất giá, đồng thời lo ngại nguồn vốn chảy ra nước ngoài.

Người “đào” bitcoin tại Venezuela sống trong nơm nớp sợ hãi. Một cách đơn giản truy tìm thợ “đào” là dấu hiệu tiêu thụ điện năng lớn. Venezuela trợ giá khá lớn cho giá điện. Điều này giữ cho giá điện thấp và đó cũng là một lí do khiến thợ “đào” hưởng lợi khi tiêu thụ lượng điện lớn. Tuy nhiên điều đó cũng có nghĩa cảnh sát giám sát tiêu thụ điện trên cả nước và dễ phát hiện những trường hợp tiêu thụ nhiều điện năng bất thường. Đó là lí do nhiều thợ “đào” bitcoin bị cáo buộc tội gian lận Internet và trộm cắp điện.

Bất chấp mối nguy hiểm bị bố ráp, bắt giữ và tù tội, những thợ “đào” bitcoin vẫn đang chấp nhận chơi canh bạc này khi mà khủng hoảng kinh tế trầm trọng vẫn tiếp diễn.

Vì lo ngại bitcoin dễ dàng được sử dụng cho mục đích tội phạm và rủi ro cao cho nhà đầu tư, nhiều quốc gia trên thế giới cấm các tổ chức tín dụng sử dụng bitcoin như Bolivia, Ecuador, Ấn Độ, Nga, Thái Lan, Việt Nam… Ngân hàng T.Ư Trung Quốc cũng vừa ban hành quy định cấm huy động vốn bằng tiền ảo, theo đó hoạt động tài chính và các sàn giao dịch tiền ảo sẽ bị cấm quy đổi sang tiền nhân dân tệ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.