Tôi là người đàn ông đi lên từ cuộc sống nghèo khó. Đến nay 33 tuổi, tôi có đủ nhà lầu xe hơi, có công việc kinh doanh ổn định, thu nhập cao. 8 năm chung sống, tôi biết vợ mình sinh ra trong gia đình phức tạp, tôi đã cố gắng sống tốt để hướng vợ về với nẻo thiện.
Cách đây hơn một tháng, tôi vô tình phát hiện ra một sự việc vô cùng kinh khủng: Vợ tôi đã ngoại tình hai lần. Điều tồi tệ nhất không dừng lại ở đó, cô ấy còn nguyền rủa mẹ đẻ tôi bằng những ngôn từ cay độc qua điện thoại với một người bạn.
Niềm tin trong tôi đã sụp đổ hoàn toàn. Tôi quyết định sẽ để cho cô ấy được tự do. Tuy nhiên, cô ấy van xin cơ hội làm lại và sửa sai. Hàng đêm đi làm về nhìn con thơ bé bỏng, lòng tôi như thắt lại nhưng thiết nghĩ để một người mẹ có tư cách đạo đức không tốt nuôi dạy thì kết quả sẽ tồi tệ hơn.
Tôi đã nói sẵn sàng chia cho cô ấy một nửa tài sản hiện có với điều kiện để tôi nuôi dạy hai con. Cô ấy nhất quyết không chịu. Mọi người cũng khuyên tôi nên cho cô ấy cơ hội nhưng tôi nghĩ đã không còn sự tôn trọng lẫn nhau thì ở với nhau cũng chỉ làm khổ cho nhau mà thôi.
Giờ đây, cô ấy vẫn cố đòi nuôi cô con gái trong điều kiện thiếu thốn vật chất. Tôi không biết phải làm sao, mong chuyên gia tư vấn giúp. (Lê)
Trả lời:
Không ai chọn được hoàn cảnh để sinh ra. Mọi người sinh ra đều có hoàn cảnh riêng của mình mà không thể chọn lựa. Trong hoàn cảnh cụ thể, người ta có thể vượt lên hoặc yếu kém đi là do nỗ lực của họ và cũng có sự may mắn mà toán học gọi là xác suất, còn kinh doanh thì gọi là rủi ro.
Bạn đã thành công từ cuộc sống nghèo khó nên có cách sống của người vượt lên bản thân để đi đến “có đủ nhà lầu xe hơi, có công việc kinh doanh ổn định, thu nhập cao”.
Bạn đã đến với vợ bằng “đón nhận cô ấy” nên khó có thể đạt đến đỉnh cao của tình yêu. Trong sự “đón nhận”, người ta dễ đi kèm với thái độ “thương hại”.
Lại gặp thêm hoàn cảnh "vợ bạn sinh ra trong gia đình phức tạp nên bạn đã cố gắng sống tốt để hướng vợ về với nẻo thiện”, tức là vợ bạn không thiện?
Khi có trạng thái tâm lý này, người ta rất dễ rơi vào “gia trưởng đạo đức”, vì thế không đem lại cho người bạn đời điều như cô ấy mong muốn.
Từ trạng thái tâm lý này, người phụ nữ sau khi có điều kiện vật chất nhất định thì trạng thái thiếu tình cảm trở nên thôi thúc và dẫn đến ngoại tình. Đây là nguyên nhân sâu xa cần phải thấu hiểu hoàn cảnh của người phụ nữ.
Trong cô đơn, bị chồng “xem thường”…, người phụ nữ ức chế và đã bộc lộ bằng “ngôn từ cay độc đối với mẹ chồng”. Cũng là tất yếu của ức chế mà họ đã chọn con đường không hay nhưng giải phóng được stress. Từ những trạng thái tâm lý bất an của người vợ đã xảy ra những gì bạn thấy.
Nay bạn lại “thiết nghĩ để một người mẹ có tư cách đạo đức không tốt nuôi dạy con thì kết quả sẽ tồi tệ hơn” thì vô tình bạn đã đánh giá mẹ của các cháu là người “mất đạo đức”.
Chuyện đó sẽ không dừng lại vì con của bạn chịu ảnh hưởng của cả cha lẫn mẹ. Bạn không thể nói mẹ của các cháu thiếu đạo đức vì như thế vô tình làm cho các con bạn đau khổ.
Nuôi con chỉ là một phần, còn dạy con lại là vấn đề rất tế nhị, nhất là khi người chồng hoặc người vợ có vấn đề. Người xưa khi vợ chồng tức nhau phải ra ngoài ghế đá công viên để cãi nhau vì sợ con nghe thấy, nhờ đó thế hệ xưa được giáo dục trong sáng hơn ngày nay.
Bạn cần cân nhắc kỹ nếu vì tương lai của con cái và cũng lưu ý về đánh giá đạo đức mẹ của các cháu, nhất là bên ngoại, để bảo vệ tâm hồn trong sáng cho con bạn.
Chúc sự sáng suốt.