Ly kỳ chuyện quả dứa ở Anh

GD&TĐ -Thời cận đại, quý tộc Anh ra đường với… quả dứa trên tay. Nếu tính ra tiền tệ ngày nay, 1 quả dứa đáng giá đến 10 nghìn bảng Anh (tương đương 284 triệu đồng).

Cựu Thủ tướng Vương quốc Anh, Margaret Thatcher (1925 – 2013) chụp hình với King Pine (dứa vua).
Cựu Thủ tướng Vương quốc Anh, Margaret Thatcher (1925 – 2013) chụp hình với King Pine (dứa vua).

Cầm quả dứa ngang với cầm cục vàng, khoe khoang trọn vẹn sự giàu có. Thú vị là ngày nay, khi xuất – nhập khẩu cho phép mua dứa giá rẻ, người Anh vẫn cố trồng, mặc cho chi phí lên tới 1 nghìn bảng/quả (tương đương 28 triệu đồng).

Giá trị như cục vàng

Dứa là trái cây nhiệt đới, gốc gác tại Nam Mỹ. Thế kỷ XVI, Anh biết đến dứa thông qua xâm lược châu Mỹ và mê đắm loại quả này. Trong mắt họ, túm lá trên đầu quả dứa giống như vương miện, dáng quả thuôn dài thì thanh thoát còn màu sắc vàng ươm đầy khí chất hoàng gia.

Văn hóa châu Âu ưa áp đặt ý nghĩa lên hoa, quả, ví dụ như quả táo là trái cấm. Vì không có mặt trên lục địa này, dứa được ví như trong thần thoại. Tuy nhiên, chính vì thế, nó cho phép mọi người sáng tạo ý nghĩa mới.

“Vẻ ngoài kỳ lạ mà sang trọng của quả dứa liền được gắn phẩm chất hoàng gia, biến thành biểu tượng vương quyền”, Tiến sĩ Lauren O’Hagan (Anh) cho biết.

Suốt 2 thế kỷ (XVI – XVII), quả dứa giá trị ngang cục vàng. Muốn sở hữu 1 quả, giới quý tộc Anh phải tiêu tốn 5 – 10 nghìn bảng (tương đương 142 – 284 triệu đồng).

Tranh vẽ Hoàng đế Charles II (1630 – 1685) được người làm vườn dâng tặng dứa.

Tranh vẽ Hoàng đế Charles II (1630 – 1685) được người làm vườn dâng tặng dứa.

Biểu tượng “sang chảnh”

Kể từ khi có mặt tại Anh, dứa chiếm lĩnh ngôi vị “vua trái cây”. Vì quá đắt đỏ và quý hiếm, quý tộc Anh không nỡ (hoặc không dám) ăn nó mà chỉ để trưng bày, thể hiện sự sang trọng, giàu có.

Đầu tiên, dứa được trưng trên bàn tiệc họp mặt của giới thượng lưu. Người ta bổ ngang quả dứa, xếp úp mặt cắt của nửa đầu xuống để trưng phần vương miện và đặt ngang nửa đuôi, khoe thịt quả.

Nếu xem Sanditon, phim chuyển thể từ tiểu thuyết Regency của nhà văn Jane Austen (1775 – 1817), bạn sẽ thấy vị trí của quả dứa trên bàn tiệc trưa xa hoa bậc nhất.

Dù đã bị hỏng, lộ dòi bọ lúc nhúc, nó vẫn chễm trệ chính giữa. Toàn bộ các nhân vật giàu có, quyền lực vây quanh nó chỉ để ngắm nhìn và thưởng thức các món khác xung quanh.

Tiếp theo, dứa được trưng… trên người như phụ kiện trang phục. Các quý ông Anh quốc đi dạo với quả dứa trên tay. Nếu so với phong cách thời trang ngày nay, quả dứa ngang với túi xách hàng hiệu hoặc xe hơi đắt tiền.

Khi “ôm dứa khoe giàu” thành trào lưu, thị trường Anh cận đại bùng nổ cho thuê dứa theo giờ. Các quý tộc không đủ tiền mua đứt quả dứa có thể thuê cho đỡ tốn. Nhờ họ, 1 quả dứa có thể qua tay nhiều người, có mặt tại nhiều bữa tiệc.

Cuối cùng, hình vẽ dứa áp đảo các huy hiệu. Nó được chạm khắc lên từ nút chai đến mái nhà, toa tàu, kiến trúc tôn giáo... Ngay cả Hoàng đế Charles II (1630 – 1685) cũng không kìm được mà đòi vẽ tranh chân dung cùng quả dứa. Thế kỷ XVIII, mọi thứ thơm ngon nhất đều được quảng cáo “có mùi vị như dứa”. Người Anh đặt cho dứa biệt danh “chảnh” nhất: King Pine (dứa vua).

Thời cận đại ở Anh, cầm quả dứa trên tay cũng như cầm quả vàng mà khoe giàu.

Thời cận đại ở Anh, cầm quả dứa trên tay cũng như cầm quả vàng mà khoe giàu.

Nỗ lực trồng bằng được

Về mùi vị của dứa, nhà thực vật hoàng gia John Parkinson (1567 – 1650) miêu tả “rất thơm và ngọt, như sự tổng hòa hương vị giữa rượu vang và nước hoa hồng”. Ngoài nỗi mong ngóng dứa về từ các chuyến tàu đến Tân Thế Giới (châu Mỹ), giới thượng lưu Anh còn một thú vui là tự tay trồng dứa.

Trước dứa, quý tộc Anh từng cuồng trồng cam. Họ thiết kế nhà vườn đặc biệt (tương tự nhà kính ngày nay), bảo vệ cây cam khỏi sương giá mùa đông. Khi chuyển sang cuồng dứa, quý tộc Anh tái dụng thiết kế này.

Nhà vườn đặc biệt được trang bị hệ thống sưởi bằng các lò nung. Mùa đông, quý tộc Anh cho đốt lò liên tục để làm ấm không khí.

Theo tính toán của Tạp chí Quý ông (Gentleman’s Magazine), chi phí dựng nhà trồng dứa và chăm nom, vận hành tốn tầm 150 bảng Anh/năm. Quy ra tiền tệ ngày nay, nó rơi vào khoảng 28 nghìn bảng (tương đương 795 triệu đồng).

Anh thuộc khí hậu ôn hòa, thời tiết cực kỳ ẩm thấp. Hầu hết các cây dứa đều bị chết vì lạnh, thiếu ánh sáng hoặc khói, lửa nhà kính. Một vài cây sống sót, ra quả trở nên cực đắt, được ấn định giá tới 11 nghìn bảng/quả (tương đương 312 triệu đồng).

Sợ mất dứa, quý tộc Anh thuê đội ngũ bảo vệ. Dù là trong nhà kính, trên bàn tiệc hay trên tay quý ông dạo phố, quả dứa cũng có vệ sĩ riêng.

Cơn sốt dứa tại Anh khuyến khích hoạt động nhập khẩu. Sau khi bước sang thế kỷ XVIII không lâu, các tàu thuyền thương mại đua nhau chở dứa từ châu Mỹ về. Tất nhiên, giá thành dứa nhanh chóng giảm. Nó thậm chí giảm sâu đến nỗi, tầng lớp lao động cũng đủ tiền mua ăn.

Từ mặt hàng xa xỉ nhất, dứa trở thành thức quả bình dân, bán đầy trên lề đường. Năm 1835, một nhà làm vườn ở Anh đã liệt kê được 52 giống dứa. Thế kỷ XX, dứa rẻ như cho, chẳng quý tộc nào còn hứng thú với trưng bày hay trồng dứa.

Bước sang thế kỷ XXI, Anh gây bất ngờ với hoạt động khôi phục và bảo dưỡng phương pháp trồng dứa truyền thống.

Bất chấp ước tính phải tốn 1 nghìn bảng chi phí nhân công và chăm sóc mới được một quả dứa, Lost Gardens của Heligan (Cornwall) với đội ngũ 15 người làm vườn dày công trồng dứa Smooth Cayenne.

Năm 2019, họ thu hoạch lứa quả đầu tiên. Sau khi nếm thử, các nhân viên lè lưỡi nhận xét “có mùi như phân chuồng”.

Lứa quả dứa thứ 2 ở Heligan, mùi vị đã “chuẩn dứa”, được Lost Gardens dâng tặng Nữ hoàng Elizabeth II. Đối với giới Hoàng gia Anh, dứa vẫn là King Pine. Trước đó, vào năm 1997, khi Lost Gardens mới thành công ươm mầm dứa, Thái tử Charles (1948) đã ghé thăm, động viên.

Theo BBC

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ