Lý giải việc HDTC 'lãi khủng' sau cổ phần hoá

GD&TĐ - Việc Công ty HDTC muốn vô hiệu hoá hợp đồng của khách hàng cũ đang làm dấy lên nhiều mối lo ngại...

Trụ sở Công ty HDTC.
Trụ sở Công ty HDTC.

Thu “lãi khủng” sau khi được cổ phần hoá và về tay “đại gia” Đinh Trường Chinh, việc Công ty HDTC muốn vô hiệu hoá hợp đồng của khách hàng cũ đang làm dấy lên mối lo ngại thất thoát tài sản Nhà nước. Đáng chú ý, nếu tính theo chi phí đấu giá mua cổ phần của HDTC vào năm 2016, thì giá mỗi mét vuông đất tại các dự án An Phú - An Khánh, dự án An Sương và dự án Long Toàn ở mức “siêu rẻ” - chỉ vọn vẹn 830 nghìn đồng

Kinh doanh “bết bát” vẫn được lựa chọn làm nhà đầu tư chiến lược

Từng là một doanh nghiệp có 100% vốn Nhà nước, Công ty TNHH MTV Phát triển và Kinh doanh nhà (HDTC) trước đây trực thuộc Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn – Resco. Năm 2016, HDTC được cổ phần hoá thành công, ttrong đó, 70% cổ phần của HDTC đã được Công ty CP Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân (Công ty Việt Hân) của doanh nhân Đinh Trường Chinh (chồng cũ Hoa hậu Diễm Hương) chi hơn 1.600 tỷ đồng để "thâu tóm".

Được biết, Công ty Việt Hân được UBND TP.HCM chấp thuận chọn làm nhà đầu tư chiến lược để mua 34,79% cổ phần của HDTC. Sau khi đấu giá công khai, Công ty Việt Hân đã mua thêm được 17,35% cổ phần HDTC, nâng tỷ lệ nắm giữ lên 52,14%.

Đáng chú ý, dù có bức tranh tài chính “kém sáng”, nhưng Công ty Việt Hân vẫn trở thành “ứng cử viên được lựa chọn” để mua lại phần lớn HDTC.

Quá trình tìm hiểu cho thấy, tại thời điểm Công ty Việt Hân được chọn trở thành nhà đầu tư chiến lược của HDTC, thì doanh nghiệp này đã có nhiều năm liên tiếp ghi nhận doanh thu 0 đồng và lợi nhuận rất khiêm tốn. Thậm chí, vốn chủ sở hữu của Việt Hân còn bị “bào mòn” nghiêm trọng vì những khoản thua lỗ trước đó.

Cụ thể, trong hai năm 2014 và 2013, thời điểm ngay trước khi UBND TP. HCM lựa chọn nhà đầu tư cho HDTC, Công ty Việt Hân liên tục ghi nhận doanh thu 0 đồng. Hoạt động chính của Việt Hân cũng gần như bị “đóng băng” khi giá vốn cũng chỉ là 0 đồng. Vào năm 2014, Việt Hân không cho thấy dấu hiệu hoạt động khi tất cả các chi phí bao gồm chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp đều là 0 đồng.

Thế nhưng, nhờ doanh thu hoạt động tài chính đạt 350 triệu đồng (năm 2014); 8,5 tỷ đồng (năm 2013) và thu nhập khác lần lượt là 909 triệu đồng (năm 2013) và 2,9 tỷ đồng (năm 2014) nên trong hai năm này Công ty Việt Hân đạt lợi nhuận sau thuế 292 triệu đồng và 403 triệu đồng.

Chưa dừng lại ở đó, vốn chủ sở hữu Việt Hân còn bị “ăn mòn” do đã thua lỗ trước đó. Tại ngày 31/12/2014, vốn chủ sở hữu công ty chỉ còn 1.558 tỷ đồng dù vốn góp là 1.600 tỷ đồng. Đây là hậu quả của việc thặng dư vốn cổ phần là âm 22,5 tỷ đồng. Trong khi vốn bị “ăn mòn” nghiêm trọng thì nợ phải trả của Việt Hân lại tăng vọt - tăng 1.690 tỷ đồng, tương đương 168% so với năm 2020 lên 2.697 tỷ đồng. Trong đó, vay và nợ dài hạn tăng từ 300 tỷ đồng lên 2.350 tỷ đồng.

Đặc biệt, Công ty Việt Hân luôn trong trong tình trạng âm nặng dòng tiền. Tại thời điểm cuối năm 2014, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư của Việt Hân âm 2.634 tỷ đồng. Dòng tiền âm này thậm chí còn cao vượt trội so với vốn chủ sở hữu. Kinh doanh “bết bát” là vậy, nhưng sau khi "thâu tóm" thành công HDTC, Công ty Việt Hân của “đại gia” Đinh Trường Chinh bất ngờ “phất” lên trông thấy, khi đạt doanh thu và lợi nhuận tăng vọt.

"Hóa rồng" sau cổ phần hóa

Có thể nhận thấy rằng, Công ty Việt Hân chính là đơn vị “ra mắt” UBND TP. HCM trong quá trình cổ phần hoá HDTC. Với tỉ lệ sở hữu vốn lên tới 52,14%, Việt Hân trở thành cổ đông lớn nhất tại HDTC.

Ngoài ra, qua đấu giá công khai, danh sách cổ đông mới của HDTC cũng ghi nhận hai cá nhân là bà Đinh Ngọc Châu Hương và bà Hà Thị Bích Hạnh. Cả hai nhà đầu tư cá nhân này đều sở hữu 8,67% vốn HDTC. Đáng chú ý, bà Đinh Ngọc Châu Hương vào thời điểm này cũng đang giữ chức Tổng Giám đốc tại Công ty Việt Hân. Bên cạnh đó, cổ đông cá nhân còn lại củà Hà Thị Bích Hạnh cũng chính là người thân của chủ Công ty Việt Hân.

Sau khi triển khai Quyết định số 5603/QĐ-UBND, Công ty Việt Hân và nhóm cá nhân đã thâu tóm thành công HDTC với tỷ lệ sở hữu 70% vốn điều lệ. Trong khi đó, vốn nhà nước chỉ còn 30%. Đáng chú ý, giá đấu giá thành công không chênh lệch nhiều so với giá khởi điểm (10.000 đồng/CP). Thế nhưng, sau khi được chấp thuận trở thành nhà đầu tư chiến lược, Việt Hân lại chọn cách không gắn bó với HDTC lâu dài mà đã nhanh chóng rút lui.

Ngày 30/6/2018, cơ cấu cổ đông của HDTC không còn cái tên Việt Hân nữa. Thay vào đó, Công ty cổ phần đầu Tài chính Bất động sản FR (Công ty FR) trở thành cổ đông lớn nhất khi sở hữu 34,79% cổ phần HDTC. Đứng thứ hai là Tổng công ty địa ốc Sài Gòn với 30%. Ông Đinh Trường Chinh là cổ đông lớn thứ ba khi sở hữu 26,45% vốn. Bà Đinh Ngọc Châu Hương nắm giữ 8,67% vốn HDTC. Các cổ đông khác chỉ là chủ có 0,09% cổ phần.

Đặc biệt ở chỗ, công ty FR cũng có bóng dáng ông Đinh Trường Chinh. Công ty FR thành lập ngày 6/8/2010 tại quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Thời gian đầu, công ty nằm dưới sự điều hành của ông Đỗ Đức Tám. Tuy nhiên, tới ngày 14/7/2016, ông Đinh Trường Chinh trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty FR.

Đồng thời, vốn chủ sở hữu công ty tăng từ 105,5 tỷ đồng lên 1.200 tỷ đồng. Sau đó, bà Đinh Ngọc Châu Hương trở thành Tổng giám đốc Công ty FR. Cùng với việc Công ty FR, ông Đinh Trường Chinh và bà Đinh Ngọc Châu Hương sở hữu 34,79%, 26,45% và 8,67% vốn HDTC.

Hoạt động tài chính của HDTC giai đoạn 2016-2018
Hoạt động tài chính của HDTC giai đoạn 2016-2018

Tài sản Nhà nước có được đảm bảo?

Được biết, năm 2014, HDTC chỉ đạt doanh thu và lợi nhuận 275 tỷ đồng và 47,8 tỷ đồng. 2015 và 2016, Công ty đi lùi nhưng kể từ năm 2018, HDTC luôn đạt lợi nhuận trăm tỷ. Từ năm 2018 đến 2021, lợi nhuận sau thuế của Công ty này lần lượt đạt 146 tỷ đồng, 152 tỷ đồng, 141 tỷ đồng và 211 tỷ đồng. Cùng với đó, tổng tài sản công ty cũng tăng vọt. Tại ngày 31/12/2021, chỉ tiêu này lên tới 8.745 tỷ đồng, tăng 7.774 tỷ đồng, tương đương 800%, lợi nhuận sau thuế tăng 163,2 tỷ đồng, tương đương 341% so với năm 2014.

Các số liệu này cho thấy HDTC thực sự khởi sắc sau cổ phần hoá. Tuy nhiên, kết quả này đến từ việc lãnh đạo mới là ông Đinh Trường Chinh hoạt động hiệu quả hay công ty được hưởng lợi nhờ có được tài sản giá rẻ lại là câu chuyện khác.

Trong tài liệu về phương án cổ phần hoá HDTC, UBND TP.HCM xác định công ty sử dụng nhà đất số 36 Bùi Thị Xuân (diện tích đất 1.004m2, diện tích sàn sử dụng 8.270,43m2), nhà đất tại 154 Phùng Hưng (diện tích đất 250m2, diện tích sàn sử dụng 500m2). Ngoài ra, công ty còn triển khai một số dự án như Dự án An Phú, An Khánh (rộng gần 1.265.000m2), Dự án An Sương (hơn 647.194 m2), Dự án Long Toàn (gần 12.000m2).

Nếu chỉ tính tiêng 3 dự án này, thì với số tiền hơn 1.600 tỷ đồng mà hệ sinh thái của ông Đinh Trường Chinh bỏ ra để thâu tóm HDTC qua việc mua đấu giá cổ phần, thì giá mỗi mét vuông đất tại 3 dự án chỉ là… hơn 830.000 đồng. Trong khi đó, các căn biệt thự tại đây đã được rao bán với giá từ 130 triệu đồng tới 200 triệu đồng mỗi mét vuông.

Chính vì thế mà việc lợi nhuận và tổng tài sản của HDTC tăng vọt sau khi về tay tư nhân cũng là điều không quá bất ngờ. Rất có thể, lợi nhuận năm 2022 của HDTC có thể sẽ còn cao hơn rất nhiều khi mà HDTC “trở kèo” với khách hàng.

Đầu tháng 9/2022, việc HDTC không thực hiện các hợp đồng mua bán đất nền mà Công ty tiền thân đã giao kết với khách hàng từ hàng chục năm trước đã được một số cơ quan báo chí phản ánh. Động thái này của HDTC đồng nghĩa với việc các hợp đồng mua bán mà Công ty này khi còn là doanh nghiệp Nhà nước đã ký kết với các khách hàng sẽ bị vô hiệu hoá.

Nhiều ý kiến cho rằng, HDTC đang có ý định muốn lấy lại đất và trả lại tiền cho khách. Nếu việc này xảy ra thì HDTC sẽ được hưởng nguồn lợi lớn vì giá đất hiện đã tăng hàng chục lần sau nhiều năm. Và nếu việc “lấy lại” đất từ tay các khách hàng cũ này được HDTC thực hiện thành công thì doanh nghiệp này sẽ được hưởng “lợi đơn lợi kép”. Có một điều rất quan trọng là, khi tính giá trị Công ty cho cổ phần hoá, phần tài sản đã bán cho nhà đầu tư vốn không được đưa vào, từ đó làm giảm giá trị doanh nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.