Quy luật phát triển của giáo dục nói chung là càng lên bậc học cao, số lượng người học càng giảm. Không có nước nào, kể cả những nước có điều kiện nhất, toàn bộ số học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông, chuyển tất cả lên học cao đẳng, đại học.
Học sinh có những năng lực, sở trường, sở thích khác nhau. Xã hội, thị trường lao động cũng đòi hỏi nhân lực các trình độ khác nhau, không nhất thiết và không cần người lao động nào cũng phải tốt nghiệp đại học, cao đẳng.Vì thế, cần phân luồng ngay từ những bậc học dưới (thường là sau trung học cơ sở và nhất là sau trung học phổ thông).
Nhìn chung, sự phân luồng được thực hiện theo hai hướng chính:
(1) Hệ thống trường dạy nghề, trường trung cấp chuyên nghiệp nhằm đào tạo lực lượng lao động trực tiếp, có tay nghề kĩ thuật;
(2) Hệ thống các trường cao đẳng, đại học để học sinh học tiếp lên cao nhằm đào tạo đội ngũ trí thức, nguồn nhân lực trình độ cao và phát triển nhân tài. Phân luồng phù hợp sẽ tạo ra sự cân đối giữa các lực lượng lao động trong xã hội.
Bên cạnh việc thực hiện phân luồng một cách phù hợp, hệ thống giáo dục và đào tạo cần phải tạo được sự liên thông giữa các bậc học, các trình độ đào tạo, hệ thống chứng chỉ, bằng cấp… với mục đích tạo mọi điều kiện cho việc học tập được chuyển đổi một cách thuận tiện, linh hoạt; giúp mọi người dễ dàng tiếp tục học tập bằng nhiều hình thức khác nhau, chuyển đổi nghề nghiệp khi cần; động viên và đề cao tinh thần học suốt đời.
Làm tốt công tác liên thông sẽ có tác động tích cực trở lại đối với phân luồng; giúp cho việc phân luồng dễ dàng và thuận lợi hơn.