Lý do vợ kết hôn 4 năm vẫn còn là con gái

GD&TĐ - Người phụ nữ đã lấy chồng được 4 năm nhưng vẫn chưa thực hiện được trọn vẹn nghĩa vụ làm vợ.

Người phụ nữ khổ sở vì 4 năm kết hôn vẫn chưa gần gũi chồng
Người phụ nữ khổ sở vì 4 năm kết hôn vẫn chưa gần gũi chồng

Đó là trường hợp xảy ra đối với chị H (32 tuổi). Mặc dù đã kết hôn được 4 năm nhưng mỗi lần hai vợ chồng gần gũi, chị lại bị tình huống phản xạ hết mức. Lúc đó chị khép chặt hai chân, tim đập nhanh, không kiểm soát hành vi của mình.

Trong suốt 4 năm, hai vợ chồng chị đã tìm đủ mọi cách để có thể làm việc ấy, nhưng đều thất bại. Khi cả hai bên gia đình thúc giục việc có thai, vợ chồng chị H. mới tìm đến cơ sở y tế để thăm khám chuyện tế nhị.

Tiếp nhận thăm khám cho chị H., ThS Phạm Minh Ngọc - phó giám đốc Trung tâm Y học giới tính Hà Nội, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội - cho biết đây là trường hợp rối loạn tình dục nữ hiếm gặp và ở thể nặng nhất của hội chứng co thắt âm đạo.

Bệnh nhân chia sẻ suốt 4 năm qua cặp đôi chỉ dừng lại ở màn dạo đầu, không thể thực hiện quan hệ tình dục như mong muốn.

Qua khai thác bệnh sử, bác sĩ xác định bệnh nhân không có dị tật bẩm sinh hệ sinh dục. Màng trinh của bệnh nhân không dày, không gây cản trở quan hệ tình dục nhưng có biểu hiện co cứng các cơ vùng chậu. Chị H. được chẩn đoán mắc một rối loạn tình dục nữ hiếm gặp, gọi là hội chứng co thắt âm đạo (Vaginismus).

ThS.BS Phạm Minh Ngọc hướng dẫn bài tập vật lý sàn chậu cho bệnh nhân
ThS.BS Phạm Minh Ngọc hướng dẫn bài tập vật lý sàn chậu cho bệnh nhân

Nguyên nhân chủ yếu của hội chứng này do tâm lý, ngoài ra còn có thể do nguyên nhân nội tiết, chấn thương, phẫu thuật… Một số trường hợp khác là có thể do người bệnh bị ám ảnh bởi trải nghiệm tình dục lần đầu quá thô bạo, dẫn đến tâm lý sợ hãi cho những lần quan hệ tình dục về sau.

Bác sĩ Ngọc cho biết, bệnh nhân H đến trung tâm thuộc mức độ nặng nhất của bệnh. Biểu hiện của độ nặng nhất là bệnh nhân lo lắng đến mức không kiểm soát được bản thân, không kiểm soát được nhịp thở, tim đập nhanh.

Với trường hợp này, các bác sĩ đã sử dụng kết hợp hai phương pháp tâm lý liệu pháp kết hợp trị liệu tình dục.

Trải qua 9 buổi điều trị trực tiếp và hơn 2 tháng bệnh nhân thực hiện bài tập vật lý trị liệu sàn chậu tại nhà, đến nay đã có thể quan hệ thành công với chồng.

Theo nhiều nghiên cứu, kết quả điều trị co thắt đau âm đạo rất cao, ví dụ như nghiên cứu của Biswas & Ratnam, 1995, có kết quả đến 100%; của Butcher, 1999, 98-100%; của Masters & Johnson, 1970, 97,7%.

Gây tê tại chỗ với gel hay kem có thể giúp kiểm soát chứng co thắt đau âm đạo nhưng vì có nhiều yếu tố tham gia gây ra bệnh (thể chất hay tâm lý) cho nên việc điều trị phụ thuộc vào lý do làm cho bệnh phát sinh. Mỗi trường hợp cần một phương pháp riêng.

Dù không điều trị, bệnh cũng không tiến triển nặng hơn, trừ phi bạn tình nam cứ ép buộc và người phụ nữ phải nghiến răng chịu đau, tuy nhiên điều này hiếm xảy ra do tính chất co thắt và gây đau đến mức không thể chấp nhận.

Dùng thuốc an thần là một phương pháp giải mẫn cảm toàn thể, có tác dụng như một thứ thuốc làm nền. Valium (seduxen, diazepam) là thuốc an thần thường dùng cho mục đích này, không gây nghiện nhưng phải được thầy thuốc chỉ định và theo dõi.

Dùng bộ nong âm đạo, có nhiều cỡ khác nhau, từ đường kính nhỏ rồi tăng dần nhưng không to hơn đường kính của tăm-pông. Được sự giúp đỡ của thầy thuốc, người phụ nữ sẽ tự mình đặt ống nong vào âm đạo, từ tốn, nhẹ nhàng để có thể yên tâm cả về thể chất và tâm lý.

Liệu pháp tình dục có hướng dẫn bệnh nhân biết cách tự gây khoái cảm vì co thắt âm đạo không có nghĩa là người phụ nữ trở nên lãnh cảm, không muốn quan hệ tình dục hay không yêu bạn tình.

Tự gây khoái cảm có thể giúp giảm nhẹ nỗi sợ quan hệ tình dục. Đạt được cảm giác đỉnh điểm không phải là mục đích duy nhất của tự gây khoái cảm mà còn là cách để tăng sự dễ chịu cho vùng cơ quan sinh dục.

Theo Tuổi Trẻ, Sức khoẻ và Đời sống

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ