Cơ quan An ninh Hạt nhân Quốc gia (NNSA) thuộc Bộ Năng lượng sẽ phát triển loại bom B61-13, chờ Quốc hội phê duyệt và tài trợ.
Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về Chính sách Vũ trụ John Plumb cho biết B61-13 thể hiện một bước đi hợp lý nhằm giải quyết những thách thức trong môi trường an ninh rất năng động.
“Mặc dù nó mang lại cho chúng tôi sự linh hoạt bổ sung, nhưng việc sản xuất B61-13 sẽ không làm tăng tổng số vũ khí trong kho dự trữ hạt nhân của chúng tôi” – ông John Plumb cho hay.
Ông Plumb mô tả thông báo trên là “phản ánh môi trường an ninh đang thay đổi và các mối đe dọa ngày càng tăng từ các đối thủ tiềm năng”.
Tuy nhiên, Lầu Năm Góc nhấn mạnh quyết định này không được đưa ra để đáp lại “bất kỳ sự kiện cụ thể nào hiện tại” mà “phản ánh đánh giá đang diễn ra” về môi trường an ninh, như được mô tả trong Đánh giá tình hình hạt nhân năm 2022.
Theo Lầu Năm Góc, dự án B61-13 sẽ sử dụng các khả năng sản xuất đã được thiết lập để hỗ trợ B61-12, với “các tính năng an toàn, an ninh và độ chính xác hiện đại” của loại đạn này, nhưng với hiệu suất cao hơn nhiều của mẫu B61-7.
Trong khi B61-12 là vũ khí chiến thuật, có sức công phá từ 0,3 đến 50 kiloton thì B61-7 là bom chiến lược có sức công phá lên tới 340 KT.
Theo tờ báo quân sự Stars and Stripes, biến thể bom mới nhất có thể thay thế một số loại như B61-7 và B83 vốn sắp bị loại bỏ.
Được thiết kế lần đầu tiên năm 1963, B61 là vũ khí nhiệt hạch thả từ trên không chính trong kho vũ khí của Mỹ.
Ngoài các máy bay ném bom B1B-Lancer, B-2 Spirit và B-52 Stratofortress, các máy bay tấn công chiến thuật F-15 và F-16 cũng có thể mang loại bom trên.
F-35 cũng đang thử nghiệm khả năng mang và triển khai bom đó, mặc dù nó chưa được đánh giá chính thức về khả năng này.
Vũ khí hạt nhân thả từ trên không là một nhánh của Bộ ba hạt nhân, hai nhánh còn lại là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) được bố trí trên đất liền và trên các tàu ngầm đặc biệt.
Một báo cáo gần đây của Ủy ban Tư thế Chiến lược Quốc hội Mỹ bày tỏ sự mở rộng quy mô của cả quân đội thông thường của Mỹ và Bộ ba hạt nhân, nhằm ứng phó cùng lúc một cuộc chiến tiềm tàng với Nga và Trung Quốc.
Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ là một tổ chức phi lợi nhuận ở Washington chuyên theo dõi các kho vũ khí hạt nhân. Họ cho biết Mỹ hiện có khoảng 5.200 vũ khí nguyên tử đang được sử dụng, trong khi con số này của Nga là gần 5.900.