Khác biệt trong thói quen sống
Mỗi gia đình đều có thói quen riêng và mỗi người chúng ta đều có lối sống riêng. Trước khi con dâu về nhà chồng, thực ra cô đã hình thành lối sống cố định của riêng mình. Nhưng vì mẹ chồng thuộc thế hệ cũ nên thói quen sinh hoạt của bà thường rất khác so với thế hệ trẻ.
Sự khác biệt này dễ gây ra mâu thuẫn giữa mẹ chồng và nàng dâu trong cuộc sống hàng ngày.
Ví dụ, mẹ chồng quen đi ngủ sớm và dậy sớm, nhưng con dâu lại thoải mái hơn, thích ngủ nướng và thức dậy một cách tự nhiên.
Mẹ chồng thích nấu ăn ở nhà vì cho rằng như vậy sạch sẽ, hợp vệ sinh; nhưng con dâu lại thích gọi đồ ăn mang về vì thấy tiện lợi và ngon.
Những thói quen sinh hoạt khác nhau như thế này có thể thấy ở khắp mọi nơi. Nhưng chính những điều nhỏ nhặt tưởng chừng như không đáng kể này khi tích tụ lại sẽ trở thành “ngòi nổ” cho những xung đột giữa mẹ chồng và nàng dâu.
“Một con đập dài ngàn dặm có thể bị vỡ chỉ bởi một lỗ kiến”. Những khác biệt nhỏ trong thói quen sống, nếu không được xử lý đúng cách, cuối cùng có thể phát triển thành những xung đột không thể hòa giải.
Khác biệt trong các khái niệm giáo dục

Cùng với sự tiến bộ của thời đại, các khái niệm giáo dục của thế hệ trẻ cũng liên tục được cập nhật.
Ví dụ, con dâu có xu hướng nuôi dạy con theo khoa học và giáo dục cá nhân, nhưng mẹ chồng vẫn gắn bó với quan niệm truyền thống “con ngoan phải chịu roi vọt” và “không đánh đòn thì không thành công”. Khi hai người không đồng tình về vấn đề giáo dục con cái, xung đột sẽ xảy ra.
Mẹ chồng có thể cho rằng con dâu quá nuông chiều con, trong khi con dâu lại cho rằng phương pháp giáo dục của mẹ chồng quá khắc nghiệt, không có lợi cho sức khỏe tâm thần của trẻ. Kết quả là cả hai bên đều nghĩ rằng bên kia sai và tranh chấp nảy sinh giữa họ.
Đặc biệt khi một bên kỷ luật con cái trong khi bên kia lại bảo vệ con một cách vô nguyên tắc thì rất dễ xảy ra cãi vã dữ dội.
Cuộc đấu tranh địa vị gia đình
“Ai là người có tiếng nói quan trọng trong gia đình” là một chủ đề rất nhạy cảm. Sau khi con dâu về nhà chồng, cô tự nhiên hy vọng có được tiếng nói nhất định trong gia đình, bởi cô nghĩ rằng ngôi nhà nhỏ này thuộc về cô và cô có quyền làm bất cứ điều gì mình muốn.
Tuy nhiên, với tư cách người lớn tuổi nhất trong gia đình, mẹ chồng thường quen với việc mình là người có tiếng nói quyết định. Hơn nữa, nhiều bà mẹ chồng coi con trai như tài sản riêng của mình, do đó họ vô tình can thiệp vào công việc của con trai và con dâu.
Đây thực chất là cuộc đấu tranh giành địa vị gia đình, dễ dẫn đến xung đột giữa mẹ chồng và nàng dâu.
Con dâu sẽ cảm thấy mẹ chồng quá khắt khe và không tôn trọng ý kiến của mình; trong khi mẹ chồng nghĩ rằng con dâu là người thiếu hiểu biết và không tôn trọng người lớn tuổi.
Thiếu giao tiếp và sự thấu hiểu
Nhiều khi, xung đột giữa mẹ chồng và nàng dâu xảy ra do cả hai bên không giao tiếp và hiểu nhau. Mẹ chồng không hiểu được suy nghĩ và hành động của con dâu, con dâu cũng không hiểu được nỗ lực và kỳ vọng của mẹ chồng.
Trong sự thiếu giao tiếp này, cả hai bên đều dễ hiểu lầm và gây định kiến cho nhau. Nếu có thêm nhiều hiểu lầm và định kiến như thế này thì mâu thuẫn giữa mẹ chồng và nàng dâu sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn.
Chỉ khi ngồi lại và trò chuyện đúng mực, hai người mới có thể hiểu nhau hơn, loại bỏ những hiểu lầm không đáng có và giúp mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu bớt căng thẳng.
Nếu muốn cải thiện mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu, mẹ chồng nên gạt bỏ thái độ coi mình là bề trên và hiểu được suy nghĩ, nhu cầu của những người trẻ tuổi. Con dâu cũng nên tôn trọng ý kiến và kinh nghiệm của người lớn tuổi và học cách giao tiếp, trao đổi nhiều hơn với mẹ chồng.
Chỉ có như vậy thì mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu mới được cải thiện, cuộc sống mới thoải mái hơn.