Dẫn các nguồn tin trong chính phủ, ông Mahmoud bin Mabrouk - đại diện “Phong trào 25 tháng 7” ủng hộ Tổng thống - cho biết, “tôi có thông tin rằng Tunisia đang xem xét nghiêm túc vấn đề gia nhập nhóm BRICS. Điều này đang được xem xét cùng với các khả năng khác và nó không bị loại trừ”.
Trước đó, Tổng thống Tunisia Kais Said nói rằng trong bối cảnh nước này đang đàm phán về khoản vay, quyết định của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) là không thể chấp nhận được. Theo ông, việc đáp ứng các yêu cầu của họ sẽ dẫn đến tình trạng bần cùng hóa dân số nhiều hơn.
Nhà lãnh đạo Tunisia nhấn mạnh, việc cắt giảm trợ cấp vào giữa những năm 80 theo lời kêu gọi của các tổ chức tài chính quốc tế, đã dẫn đến các cuộc biểu tình, trong đó hàng trăm người thiệt mạng.
Tháng 12 năm ngoái, IMF đình chỉ việc xem xét việc cung cấp cho Tunisia khoản vay 1,9 tỷ USD khi nước này đang gặp khó khăn về kinh tế. Một trong những điều kiện để phân bổ số tiền trên là giảm trợ cấp lương thực và năng lượng, cũng như cải cách các công ty nhà nước.
Theo tuyên bố trước đây của nhà ngoại giao hàng đầu EU Josep Borrell, khối này lo ngại "sự sụp đổ kinh tế hoặc xã hội ở Tunisia" sẽ dẫn đến một dòng người di cư mới ở Tunisia sang châu Âu.
Tunisia đang trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế cùng với một cuộc khủng hoảng chính trị. Tháng 4/2022, IMF cho biết nền kinh tế nước này phải đối mặt với suy thoái kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ khi độc lập vào năm 1956. Đại dịch coronavirus và dòng khách du lịch đến nước này bị đình trệ đã gây ra thiệt hại đáng kể cho kinh tế.
BRICS là nhóm bao gồm các nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Một số quốc gia khác có ý định tham gia khối kinh tế này gồm Argentina, Iran, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Saudi, Ai Cập. Trước đó, Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune cho biết nước ông hy vọng sẽ gia nhập BRICS vào năm 2023.