Cách đây 119 năm, hai con sư tử to lớn không bờm tên "Bóng ma" và "Bóng tối" chuyên săn các công nhân đường sắt ở khu vực Tsavo, Kenya.
Trong thời gian 9 tháng năm 1898, chúng đã giết và ăn thịt khoảng 35-135 người. Lý do những con sư tử này chuyên săn thịt người vẫn là chủ đề gây tranh cãi, theo Live Science.
Còn gọi là sư tử Tsavo, đôi quái vật thống trị màn đêm cho đến khi bị kỹ sư đường sắt John Henry Patterson bắn chết vào tháng 12/1898.
Trong quá khứ, giới nghiên cứu đưa ra giả thuyết hai con sư tử buộc phải ăn thịt người vì quá đói. Tuy nhiên, nghiên cứu công bố hôm 19/4 trên tạp chí Scientific Reports chỉ ra động lực thực sự thúc đẩy sư tử Tsavo giết và ăn thịt người.
Nhóm nghiên cứu phân tích bộ xương của hai con thú ở bảo tàng Field tại Chicago và kết luận bộ răng của chúng bị hỏng khiến chúng khó có thể săn những động vật ăn cỏ lớn, buộc phải nhắm đến con người để sinh tồn.
Đối với phần lớn sư tử, con người không phải lựa chọn săn mồi hàng đầu của chúng. Loài mèo lớn thường ăn những động vật ăn cỏ lớn như ngựa vằn, linh dương đầu bò và linh dương.
Thay vì xem con người như thức ăn tiềm năng, chúng thường né tránh con người hoàn toàn, theo Bruce Patterson, quản lý phòng động vật có vú ở bảo tàng Field kiêm đồng tác giả nghiên cứu.
Để khám phá bí ẩn về cặp dấu vết lưu lại trên bộ răng của chúng nhằm tìm hiểu thói quen ăn uống của con vật, đặc biệt trong những tuần cuối cùng trước khi chết. Răng của sư tử Tsavo không có dấu hiệu mài mòn và xé mồi gắn liền với việc nhai xương lớn và nặng.
Giả thuyết trước đây cho rằng đôi sư tử phát triển sở thích với thịt người khi ăn xác thối, có thể do con mồi thông thường của chúng chết hàng loạt sau hạn hán hoặc dịch bệnh.
Nhưng nếu sư tử Tsavo săn người do quá đói, chúng chắc chắn sẽ nhai gãy xương người để tận dụng triệt để nguồn dinh dưỡng, theo Patterson. Dấu vết mài mòn trên răng của cặp sư tử chỉ ra chúng chừa lại những chiếc xương, do đó sư tử Tsavo có thể không bị thôi thúc bởi tình trạng thiếu mồi.
Cách giải thích hợp lý hơn là Bóng ma và Bóng tối bắt đầu ăn thịt người do hàm răng yếu ngăn cản chúng bắt những động vật lớn và khỏe hơn.
Phát hiện báo cáo trước Hiệp hội Động vật có vú Mỹ năm 2000 ghi nhận một trong hai con sư tử Tsavo bị thiếu mất ba chiếc răng cửa hàm dưới, một chiếc răng nanh bị gãy và có một ổ áp xe lớn ở mô bao quanh chân răng. Con sư tử còn lại cũng bị tổn thương ở miệng, với một chiếc răng hàm trên bị nứt.
Đặc biệt, đối với con sư tử đầu tiên, áp lực lên ổ áp xe sẽ gây cơn đau rất khó chịu, càng thúc đẩy con vật bỏ qua mục tiêu lớn khỏe mạnh và săn con người nhỏ bé hơn.
Phân tích hóa học công bố năm 2009 trên tạp chí Kỷ yếu của Viện hàn lâm Khoa học chỉ ra con sư tử này ăn nhiều thịt người hơn đồng loại của nó. Hai tuần sau khi con sư tử đầu tiên bị bắn chết, con còn lại cũng bị hạ gục, chấm dứt nỗi kinh hoàng ở Tsavo.