Luyện kỹ năng tương tác với con

8 kỹ năng dưới đây sẽ giúp phụ huynh dễ dàng tương tác với con trong quá trình giáo dục trẻ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong quá trình tư vấn, kiểm tra và tiếp xúc với nhiều gia đình, tôi thường được các bậc phụ huynh đặt ra sự so sánh rằng: tại sao nhiều bố mẹ khi dạy dỗ con, con không nghe lời, thường khóc lóc, không chịu chơi ngoan, không chịu chăm học, khiến cho bố mẹ không biết làm thế nào, đành phải nhượng bộ con; 

Ngược lại, cũng có những bố mẹ làm cho con vui vẻ, thích nói thích cười, ham học, chơi ngoan, đồng thời tạo cho con những thói quen và tính cách tốt đẹp, từ đó khai phá tiềm năng vô cùng to lớn ở con?

Nguyên nhân một phần là do sự hướng dẫn của bố mẹ có phù hợp với đặc điểm tâm lý của trẻ nhỏ hay không?

Cách tương tác của bố mẹ có làm cho trẻ tiếp nhận được không?

Hay bố mẹ có vô tình tạo áp lực cho con bởi những điều hy vọng quá đỗi lớn lao dẫn đến tâm trạng bất ổn ở cả bố mẹ và trẻ hay không?

Hay là những điều bố mẹ hi vọng ở con có trở thành “khát vọng, niềm đam mê” của con không?

Xin bật mí với các bậc phụ huynh 8 kỹ năng để tương tác với con trong quá trình giáo dục trẻ như sau:

1. Thu hút trẻ

Bố mẹ hi vọng con hứng thú với cái gì, học cái gì, làm cái gì thì sẽ làm thế nào để thu hút sự chú ý của con, khơi gợi hứng thú cho con, nhưng nhất thiết không được đưa ra yêu cầu khi con chưa có sự chuẩn bị nào cả.

Chuyên gia giáo dục sớm người Nhật ông Suzuki khi dạy trẻ nhỏ 2, 3 tuổi học đàn viôlông đã làm như sau: Ông cho lũ trẻ chơi tự do trong một khuôn viên, trẻ vừa luyện tập tố chất, vừa chuẩn bị tâm lý học. 

Trước tiên ông vui vẻ kéo một bản nhạc du dương, sau đó cho một, hai em đã từng học đàn viôlông kéo một bản nhạc, tiếp theo khen ngợi, vỗ tay và động viên những em đó. Điều này sẽ thu hút các em vừa mới đến. 

Sau khi làm quen dần dần với môi trường, những em vừa mới đến bắt đầu tranh nhau cây đàn viôlông trong tay ông Suzuki để kéo thử, lúc này ông Suzuk mới bắt đầu cùng với những em này “chơi” đàn, và cuối cùng là dạy các em cầm đàn bấm dây…..

Một số bố mẹ tham gia “Phương án 0 tuổi” của Giáo sư Phùng Đức Toàn cũng có kinh nghiệm giống nhau: khi dạy con nhận biết mặt chữ, có người trước tiên bắt đầu từ việc thực hiện phương thức mẹ dạy bố, bố dạy mẹ. 

Hai bố mẹ chơi “Chữ dành cho bé yêu” rất vui vẻ, hào hứng, và cố ý để cho con ngồi một bên, cho con cùng hò reo, tranh giành, khi con đã kết bạn với “Chữ dành cho bé yêu”, lúc này bố mẹ “đành phải” để cho con tham gia vào trò chơi, lúc đó có thể nói rằng con đã bị “mắc mưu” của bố mẹ rồi. 

Hiệu quả nhận biết chữ như vậy sẽ rất tốt. Kỳ thực bất kể dạy con làm cái gì đều không cần trực tiếp dặn dò mà cần “khơi gợi”, sự gợi mở sẽ giúp con nảy sinh khát vọng, đạt được hiệu quả bất ngờ.

2. Sử dụng những câu truyện ngụ ngôn hoặc ca dao, dân ca

Tôi có một con trai gần 4 tuổi. Thằng bé rất quấn mẹ và thường không rời mẹ lúc nào. Có lần tôi buộc phải đi công tác và gửi bé cho ông bà ngoại. Ban ngày bé chơi rất vui vẻ; tuy nhiên đến tối, cháu bắt đầu khóc đòi mẹ. 

Bà ngoại cháu đã làm rất nhiều cách nhưng cháu vẫn không nguôi nỗi nhớ và không quên nhắc đến mẹ. Lúc đó ông ngoại cháu mang cái cũi cũ ra, xếp chăn màn, gối lên rồi ngâm nga câu chuyện kể về gấu con ngoan ngoãn mà tôi đã dặn trước.

“Mẹ gấu đi làm ngoài đường, phải lái xe, phải đi dưới trời mưa rất vất vả. Mẹ gấu thường đem về cho gấu con rất nhiều quà vì Gấu con ngoan lắm, biết thương mẹ khi mẹ đi làm, biết ngủ đúng giờ trên giường mẹ dành riêng cho gấu, biết đánh răng sau khi ăn và còn cả biết chúc ông bà ngủ ngon trước khi đi ngủ nữa. 

Bạn gấu con hôm nay có giường riêng nhỏ nhắn, gối riêng màu xanh lá cây, ông sẽ làm bạn gấu con để được mẹ gấu cho quà…”. Vừa nói đến đây thì cháu bé liền nói: “Ông lớn rồi, không làm gấu con được nữa, chỉ có Bum (tên ở nhà của cháu) mới làm gấu con được thôi”. 

Nói đoạn cậu bé leo tót lên cái giường (trước là cũi cho trẻ mẹ cháu mua mà không dùng đến) ông chuẩn bị rồi một lúc sau là thiếp đi.

Kết luận: Nếu người dạy không sử dụng nghệ thuật và kỹ năng thu hút, mà sử dụng phương thức cưỡng chế, thuyết giáo, thì đứa trẻ cũng sẽ ngủ sau khi khóc đến hết nước mắt, nhưng ngày hôm sau, bé yêu còn có thể vui vẻ và nghe lời không? Có còn tự tin nữa không?

3. Sự tưởng tượng

Tôi có đọc được một câu chuyện nhỏ về một bà mẹ dạy con như sau:

Cô ấy từ nhỏ dạy con chơi đàn viôlông, luyện cho con cách kẹp đàn vào cổ, đây là một việc vừa mệt mỏi vừa khô khan. Do vậy, người mẹ nói với con: “Mẹ con mình cùng thi kẹp đồ chơi vào cổ nhé? Mẹ kẹp đồ chơi to, con kẹp đồ chơi nhỏ, xem ai kẹp đồ chơi chắc hơn, lâu hơn….”, người mẹ đã biến viôlông thành đồ chơi, đứa trẻ bắt đầu có hứng thú, và đã kẹp chặt được chiếc đàn, đồng thời đi đi lại lại mà không bị rơi. 

Sau khi vận dụng kỹ xảo và phương pháp nhất định, từ việc học đàn khô khan trở thành một trò chơi hứng thú, khiến cho đứa trẻ học rất hứng thú, cho nên chỉ cần có phương pháp hợp lý, có cái gì mà trẻ không học được cơ chứ?

Nếu cảm thấy việc làm mà mẹ yêu cầu trẻ quá khó, hãy đơn giản hóa việc đó bằng sự tưởng tượng cho cả mẹ và bé. Mọi công việc sẽ trở nên đầy hứng thú và mang lại niềm vui cho trẻ. Điều này chắc chắn các mẹ sẽ có rất nhiều ý tưởng nếu vận dụng thật tốt.

4. Hãy giả vờ kinh ngạc

Khi trẻ vô tình học và làm được một điều gì đó, người lớn làm ra vẻ kinh ngạc và reo to: “Mau đến xem này, con đã làm được rồi!”, “A, mọi người xem này, con đã biết chữ này rồi, đã biết gọi mẹ rồi”, “Con yêu xếp hình thật đẹp, con thật là giỏi!”…

Bất cứ việc gì có ý nghĩa mà trẻ làm được đều tạo nên sự kinh ngạc, vui mừng và thân thiết của người lớn. Như vậy, sau khi được động viên, khuyến khích, đứa trẻ từ hoạt động vô thức dần dần chuyển sang hoạt động có ý thức, cứ kiên trì như vậy sẽ hình thành một thói quen tốt, đó là sự cố gắng của trẻ và cách bạn ghi nhận những thành công đầu đời cho con.

5. Hãy khuyến khích trẻ đúng cách

Chỉ cần con làm được bất kỳ việc gì có ý nghĩa và say sưa, dù con làm tốt hay chưa tốt, đúng hay sai, đều cần khen ngợi, khuyến khích. Bạn tuyệt đối không nên “dội gáo nước lạnh” vào con với những lời nhận xét khắt khe hoặc chê bai. 

Ví dụ như: con vẽ một bức tranh, cho dù bức tranh không có hình khối gì cả, bạn cũng cần vỗ tay khen ngợi và nói: cái này giống như một đám mây, cái kia giống như trời mưa; cái này giống như mấy sợi mỳ, cái kia giống như quả bóng bay, một con chuột nhắt… khi đánh giá tác phẩm của con, bạn cũng đừng quên vẽ thêm một hai nét bút, để tạo cho bức tranh giống một hình thù nào đó. 

Như vậy, sau khi con xem sẽ cảm thấy rất đắc ý, vừa làm phong phú trí tưởng tượng của con, lại vừa tăng thêm sự nhiệt tình của con về vẽ tranh.

Hay một ví dụ khác: Khi hai mẹ con đi dạo bộ, nhìn thấy con bê, bạn hỏi con đây là con gì? Con nói: “con chó”, lúc này, bạn nên nói: “con trả lời rất đúng, nó là một con bê, nhưng nó rất giống chó, con bê và con chó đều có 4 chân, đều biết đi, có phải không con?” 

Chúng ta nên hiểu, câu hỏi này ít nhất thì con cũng trả lời đúng “chủng loại”, không nói con bê thành cái cây hay một tòa nhà, đó cũng rất là giỏi rồi. 

Đối với bất kỳ việc gì con say sưa làm, người lớn đều nên nhiệt tình, khen ngợi và động viên, không nên cười và giễu cợt (cho dù cảm thấy rất buồn cười cũng không nên thể hiện ra), như vậy, trẻ mới phát triển một cách thoải mái, tự nhiên, không gò bó, không xấu hổ rồi dẫn đến tự ti trong quá trình phát triển.

6. Hãy thay đổi sự chú ý của trẻ khi cần thiết

Khi trẻ làm một việc không tốt (như làm vỡ đồ, đánh búp bê), nói một câu không lịch sự (như chửi bậy, mắng người khác), hoặc khóc lóc làm quấy, chúng ta nên nhìn trẻ một cái, thể hiện sự không bằng lòng, bực mình và lạnh nhạt, để trẻ không tiếp tục làm như vậy nữa. 

Nhưng chúng ta không được lên tiếng, không lặp lại hành vi xấu của trẻ, bạn chỉ cần tiếp tục công việc của mình, cùng với mọi người bàn luận về tin tức thời sự, một câu chuyện nào đó, hoặc những việc vô cùng hấp dẫn khác (không cần nhìn trẻ, không cần chú ý tới trẻ, cũng không bực tức với trẻ), xoay chuyển sự chú ý của trẻ, dần dần làm thay đổi tâm trạng của trẻ, để cho trẻ hòa mình vào không khí của gia đình. 

Việc này gọi là hòa tan khuyết điểm và sai sót, chuyển dần sang quĩ đạo tình cảm, tạo ra hành vi tốt, từ đó tránh được những tổn thương xung đột “bão táp”.

7. Khen ngợi nhau để dạy trẻ cách khen ngợi và nhận thức

Bố và mẹ thường xuyên khen ngợi lẫn nhau. Những cử chỉ hành vi khen ngợi lẫn nhau của bố mẹ phải thể hiện sự chân thành, không để con phát hiện là đang nói cho con nghe. Như vậy, con dần dần sẽ học được cách khen ngợi của người lớn, đồng thời bắt chước những hành vi này, nhanh chóng có những ảnh hưởng tích cực. 

Ví dụ như: mẹ nói nhỏ với ông nội: “Ông xem, bố thằng cu đọc sách thật say sưa, chúng ta nói to như vậy mà anh ấy chẳng nghe thấy gì cả!” Hay như, bố nói với mọi người: 

“Mẹ thật vất vả, làm bao nhiêu việc nhưng không kêu mệt. Bây giờ mẹ giặt quần áo, bố đọc truyện cho mẹ nghe, con cũng ngồi xuống nghe cùng mẹ được không?” Bạn hãy làm đi rồi cảm nhận tình yêu thương mà con dành cho bạn nhé.

8. Hãy nói đến một người khác

Khi dạy con, có lúc không cần trực tiếp hướng tới con, mà nói một cách say sưa về chuyện của người khác, con không phải là người bị bình luận mà đưa con vào vị trí người bình luận người khác, điều này làm tăng cường tính tích cực và trí tiến thủ của con.

Ví dụ: trong bữa cơm tối, mẹ nói với bố (khi nói chuyện không nhìn về phía con, giả vờ như không liên quan gì đến con, kỳ thực con đang lắng nghe): 

“Đồng nghiệp của em bị ốm, hôm nay em đến nhà thăm cô ấy, có một việc làm em rất cảm động! Con của bạn em thật ngoan, chưa đến 5 tuổi mà đã biết lấy thuốc lấy nước cho mẹ mình đang bị ốm, còn đo nhiệt độ, luộc trứng gà….cho mẹ. Em từ trước đến nay chưa thấy đứa con nào lại ngoan như vậy. 

Nhà bạn em rất khó khăn, bình thường rất ít khi mua đồ ăn vặt, em lấy 1 quả táo mà em mang đến tặng đưa cho con trai bạn ấy, anh biết cậu bé nói gì không? Cậu bé nói: “Cảm ơn cô, cháu dành quả táo này cho mẹ ạ, người ốm cần phải tăng cường dinh dưỡng ạ".

Mỗi câu nói đó đều không nhắc đến con mình, nhưng khen ngợi người khác chính là cách giáo dục sinh động nhất dành cho con mình, con sẽ dần dần học theo, đồng thời cũng học được cách khen ngợi người khác. 

Sử dụng “Phương pháp nói về người khác” có lúc có thể dùng để phê phán hiện tượng nào đó. Ví dụ như: trên phố nhìn thấy hành vi nào đó không đẹp mắt, bình luận nhân vật không tốt nào đó trong phim truyền hình… nhưng không được trực tiếp nói về con mình, phải tăng cường “giáo dục tàng hình”, có lúc còn thu hút một cách tự nhiên để con sử dụng “phương pháp nói về người khác” để bình luận người khác.

Kết luận: Sẽ không khó chút nào để bố mẹ dạy con khi đã nắm vững những kỹ năng đơn giản nhất. Điều cần thiết đó là sự nhất quán đối với hành vi của các thành viên trong cùng gia đình và sự kiên trì của bố mẹ, người thân xung quanh trẻ.

Theo VietnamNet

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Tản văn: Trâu và Tre

GD&TĐ - Đồng lúa tựa như một tấm thảm xanh, ngả dần về màu vàng xuộm, óng ánh dưới nắng mặt trời.